.
Giới thiệu sách

Chân thực và công bằng

.

(Đọc “Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn” của Nguyễn Trần Thiết, NXB Văn hóa-Thông tin, 2011)

Là một nhà báo may mắn “bám” chiến dịch “Hồ Chí Minh” ngay từ đầu và là người đầu tiên phỏng vấn Dương Văn Minh (DVM) sáng 30-4-1975, lại là tác giả của nhiều cuốn sách viết về tướng tá quân đội Sài Gòn, nên tác phẩm của nhà văn-đại tá Nguyễn Trần Thiết đầy ắp những tư liệu chân thực, không chỉ về DVM mà cả một giai đoạn lịch sử mấy chục năm ở miền Nam (1954-1975).

 

Mô tả ảnh.

Có thể nói, đây là ưu điểm nhưng đồng thời cũng là nhược điểm của cuốn sách. Đã đành DVM là nhân chứng quan trọng của giai đoạn lịch sử đầy biến động này, nhưng trong hàng trăm trang viết về chuyện tranh giành quyền chức thời chính quyền Sài Gòn liên tục đảo chính trong những năm 1960-1964, hay về trận đánh mở màn ở Buôn Ma Thuột, tác giả như đã “bỏ quên” nhân vật chính là DVM mà quá “say sưa” thuật lại những sự kiện mà nhiều sách báo đã viết. Tác giả đặt cho cuốn sách một thể loại kép (“Ký sự-tiểu thuyết”), nên giá như ông tận dụng thế mạnh của tiểu thuyết, miêu tả những sự kiện vừa kể từ góc nhìn, tâm trạng của DVM thì vừa làm rõ hơn nhân vật chính, vừa là dịp soi rọi những khoảng mờ mà các biến cố lịch sử bao giờ cũng để lại cho hậu thế làm sáng tỏ, theo khả năng và thời điểm thích hợp.

 

Điều thú vị hơn cả trong cuốn sách là mạch chuyện xoay quanh Dương Văn Nhật (DVN), người em ruột của DVM. Một chiến sĩ cách mạng kiên trung, được “tổ chức” biệt phái vào Nam từ đầu những năm sáu mươi, nhằm tiếp cận và lôi kéo người anh trai hướng về chính nghĩa dân tộc. Mạch chuyện này không chỉ hấp dẫn bởi những “pha” có tình tiết ly kỳ như truyện trinh thám mà còn gợi người đọc suy ngẫm nhiều vấn đề sâu xa.

Ví như việc thiếu tá DVN, do lý lịch xuất thân (thành phần lớp trên, lại có anh trai là tướng ngụy!), sau kháng chiến chống Pháp, đã bị “loại”, chuyển đi nông trường, vừa may gặp được bạn cũ là cán bộ Ban địch vận đang cần tìm chính loại người như DVN để “bắn” vào Nam, đã là một bài học sâu sắc về cách nhìn nhận, sử dụng con người, nhất là với trí thức. Những lần từ “cứ”, DVN vào giữa hang ổ địch tìm gặp DVM, gặp không ít người đã bao năm sống bên kia chiến tuyến, mặc dù họ thừa biết anh từ miền Bắc gài vào, nhưng không một ai tố cáo anh với địch, kể cả một vị tướng của chính quyền Sài Gòn, là bằng chứng sinh động về tinh thần yêu nước của đại bộ phận nhân dân. Trong đó, có những người “có cách yêu nước, yêu đồng bào và thể hiện điều đó khác biệt theo hoàn cảnh riêng từng người” - như lời chị Năm Mè, một cán bộ “nằm vùng”, một thành viên của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một người hiểu rõ DVM, đã nhận xét về DVM,  mà tác giả đã dẫn ra ở cuối sách.

Nếu như chiến công thầm lặng của DVN, sự hy sinh vô điều kiện của anh cho cách mạng nêu tấm gương đẹp đẽ về nhân cách một người trí thức trước những thử thách ngặt nghèo, thì việc các cán bộ “Ban binh vận” và các vị lãnh đạo ở Trung ương Cục, ở Sài Gòn hồi đó tin cậy “bắn” một người như DVN vào sào huyệt địch lại là biểu hiện đẹp đẽ về lòng tin vào sự hướng thiện của con người, lòng tin vào sự nghiệp cách mạng hợp lòng dân.

Chính qua những “nhân chứng” như thế, tác giả đã có nhiều tư liệu xác thực và có cái nhìn công bằng về DVM. Đấy là những chi tiết, DVM không ngần ngại nói với em trai là ông ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi giữ chức Tổng thống lần đầu, ông đã ra lệnh giải tán các ấp chiến lược, phản đối việc thả biệt kích và ném bom nổ chậm vào hệ thống đê điều ở miền Bắc… Khi phải ngồi ghế Tổng thống mấy ngày cuối cuộc chiến không hề có một mệnh lệnh kháng cự, chỉ tính tới chuyện hòa giải dân tộc… Cho dù trong dư luận vẫn còn những ý kiến đánh giá cực đoan về DVM, nhưng bằng những lời nói và việc làm có thật, tác giả đã giúp chúng ta thông hiểu hơn lời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát biểu vào ngày 30-4-1995:

“…Chúng ta ghi nhận sự đóng góp của đông đảo những người đứng trong hàng ngũ địch, từ Trị Thiên đến mũi Cà Mau, trước sức tấn công và nổi dậy  vũ bão của quân và dân ta, đã bỏ vũ khí trở về với nhân dân, hoặc vào giờ phút định đoạt đã đi tới những quyết định phù hợp với lợi ích dân tộc, giảm bớt được đổ máu và tránh cho nhiều đô thị khỏi bị tàn phá…”.

Cũng với tình cảm đó, khi DVM sang định cư tại Paris, Thủ tướng Võ Văn Kiệt - trong một chuyến đi Pháp, đã đến thăm và tặng quà cho DVM.

Cuốn sách có thể chưa làm thỏa mãn bạn đọc ở mặt này hay mặt khác, nhưng với một nhà văn - đại tá 60 năm tuổi Đảng, 80 tuổi đời, chúng ta đọc những trang sách của ông với sự tin cậy và hy vọng đây sẽ là một tài liệu tham khảo quý, giúp cho những cây bút khác có thể sáng tạo những tác phẩm lớn về hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.

Nguyễn Khắc Phê

;
.
.
.
.
.