.

Giữa miền thơ

.
Đã hơn 5 năm, tôi mới có dịp về lại Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi để thăm nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng. Chuyến đi được thực hiện bởi nhà thơ Võ Thị Như Mai, một Việt kiều ở Úc nhân chuyến về Việt Nam tổ chức.

Mô tả ảnh.
Nguyễn Ngọc Hưng (thứ hai từ trái qua) giữa yêu thương bè bạn.
 
Chị Như Mai cũng chưa bao giờ gặp Nguyễn Ngọc Hưng nhưng nhờ theo dõi thông tin trên mạng nên mới biết. Biết người, biết hoàn cảnh, biết thơ rồi đâm ra mến phục thương cảm đã tìm mọi cách để từ Úc về TP. Hồ Chí Minh rồi bay ra Đà Nẵng, ngược vào Chợ Chùa thăm. Chị cũng đọc một bài viết trên tờ Thanh niên Chủ nhật (Vịn câu thơ đứng dậy, TNCN 2006) của tôi về nhà thơ nên đã nhờ tôi tháp tùng làm người hướng dẫn về thăm Hưng. Tôi thực sự xúc động trước mối chân tình đến kỳ lạ  như thế. Trong khi có người đã lên án, đòi kết liễu thơ thì chuyến đi này làm tôi tin vào một điều: Thơ là một nhịp cầu đồng điệu để giúp những tâm hồn dù cách xa nhau đến đâu cũng tìm mọi cách để được gần nhau. Thơ thật sự đã cứu rỗi con người cho dù đau đớn đến mấy cũng không bao giờ đứt đoạn với niềm khát khao yêu thương và khát khao sống giữa đời.

Nguyễn Ngọc Hưng là một người nghiệt ngã với số phận đến bạo liệt, oan khuất đến cùng độ của một tài hoa mang đậm dấu ấn của bi kịch phận người. Anh bị bệnh bại liệt từ năm 1983 ngay sau khi vừa tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Anh là sản phẩm của một mối tình lãng mạn đầy ngang trái giữa một nam diễn viên gánh hát lưu động và một cô gái miền quê. Cuộc tình ấy tan vỡ sau khi người cha bỏ đi và rồi người mẹ sau một thời gian tủi nhục buồn nản cũng không còn ở lại để chia sẻ cùng anh nỗi đau khổ của trần gian.

Và đã gần 20 năm nay, anh sống trong ngôi nhà của vợ chồng  người bạn cùng sự chăm sóc tận tình của họ và giữa vòng tay bạn bè. Cứ tưởng một người bệnh liệt giường không phải là ruột thịt nằm trong nhà để bạn phải mất công tốn của biết bao vật vã ròng rã đã gần 20 năm có ai mà chịu nổi. Vì thương bạn khổ với mình / Vệ sinh tại chỗ, tắm rinh ra hè / Bốn mùa gió đỡ mưa che / Vì lo cơm áo nặng đè cong lưng. Trước mối thâm tình nghĩa trọng của bạn bè, anh chỉ biết Lạy này lạy mẹ sinh ra/ Lạy này lạy bạn cho ta cuộc đời.

Về Chợ Chùa, nghe tin Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Hành vừa đăng cai tổ chức một đêm thơ Nguyễn Ngọc Hưng, thu hút đông đảo những người yêu thơ ở Quảng Ngãi. Chưa nói đến những chi phí bỏ ra, điều cần nói là việc một chính quyền địa phương đã thật sự quan tâm đến một con người biết vượt lên số phận và thẳm sâu hơn, tình cảm con người của đất Chợ Chùa dành cho thơ, một thứ tình cảm đầy trân trọng mà không thể tìm thấy ở những nơi khác. Ngạc nhiên, đi một vòng thị trấn Chợ Chùa có mấy quán cà-phê treo những bảng hiệu cũng rất khác các nơi, nhìn là biết đất này yêu thơ biết mấy: Quán Lục bát, Thi ca…

Từ đó, tôi nhận chân thêm một điều: Những bạn bè gần 20 năm nay lo lắng lận đận cưu mang Hưng bằng những tấm lòng hy sinh vô điều kiện, bất vụ lợi mà chúng ta phải trân trọng còn có thêm một điều nữa, chính là trong tâm hồn của họ, thơ luôn có chỗ đứng vô cùng cao quý, không thể thay thế. Họ thương mến Hưng trong sự ràng buộc bạn bè và xa hơn là niềm yêu quý một nhà thơ.

Lần trước người nằng nặc đưa tôi về Chợ Chùa thăm Hưng là nhà thơ Mai Bá Ấn, lần này là nhà thơ Đinh Tấn Phước, Tổng Giám đốc sân bay Chu Lai dù rất bận nhưng cũng tranh thủ để đến với Hưng. Rõ ràng Chợ Chùa là vùng đất của thơ. Đi đâu cũng ẩn hiện phảng phất ngọn gió thi ca thơm ngát nồng hậu tình người thổi qua những nẻo đường phố huyện, man mác u hoài trong thơ Hưng Cô bé rằm xưa cũng sắp lên bà /Chỉ còn tôi với hành trang trẻ dại/ Ngẩn ngơ tìm phố huyện bóng trăng xa. (Phố huyện)

Trong 18 năm trên giường bệnh, đến nay anh đã xuất bản 10 tập thơ và in chung là 7 tập thơ cùng 10 giải thưởng về thơ. Với một người phải nằm nghiêng người mà viết thì quả là một khối lượng tác phẩm đáng nể. Đau đớn đằng đẳng, xoay trở khó nhọc để sáng tác trong không gian chật hẹp của cái giường chứa đầy sách Mơ màng lật lại trở qua? Ngày chia hai nửa trẻ già đây ư /Nửa xanh chớm nhạt ngôn từ/Nửa vàng như đã lại như chưa vàng. Nhưng trong tâm hồn ấy vẫn như sóng trào xúc cảm yêu thương: Lúc em buồn mọi ngôi sao đều tắt/ Sáng trong anh đôi mắt dịu dàng…

Tôi đọc lại thơ của Hưng trên đất Chợ Chùa mặn nồng mưa nắng giữa phố huyện đìu hiu. Thế giới thi ca của Hưng bật lên từ những tiếng kêu trầm thống nhiều cung bậc, uất nghẹn đan xen nhẫn nhịn, bùi ngùi xa xót đến vọng âm của ký ức tươi rói với cánh phượng hồng, cỏ thơm, mắt biếc, hiên xưa, tóc nồng, vầng trăng cổ tích, nắng vàng tơ lụa, hương mùa mênh mông…

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng buồn, mà với một hoàn cảnh như thế làm sao không buồn cho được, nhưng đó là một giọng thơ của niềm khát khao sống, khát khao yêu, khát khao mơ mộng và hoài nhớ đến cùng độ, cùng tận và luôn chờ bùng nổ bằng trái tim tận hiến yêu thương đến vô cùng cuộc sống. Ngay trong tập thơ mới nhất Những khúc ca trên cỏ, chỉ với cái tên sách thôi cũng đủ nói lên điều đó. Vỡ mộng hoa chưa nát nhụy tim người/ Còn máu đỏ còn mạch quê mạch phố/ Văn vắt trời trong bến xưa đò cũ/ Gọi nhau về ru điệu lý thương nhau. Mộng dù tan nhưng còn phố còn bến xưa đò cũ nghĩa là còn cuộc sống để còn ru điệu lý thương nhau. Sợ chi bão khi lòng ăm ắp bão/ Điềm nhiên cây thắp rạng lá trăng chiều. Cho dù bão tố quanh đời nhưng nhà thơ vẫn “điềm nhiên” dù chỉ là chút ánh sáng dưới lá của trăng chiều bởi nơi anh trái tim xanh hóa ngọn đèn vĩnh cửu. Đọc thơ Hưng tôi bỗng nhớ đến câu nói của nhà văn Herman Hesse: Dù đau đớn đến quằn quại, tôi vẫn cố yêu lấy cái trần gian điên dại này.

Với một số phận nghiệt ngã như thế, Nguyễn Ngọc Hưng đã một mình vượt qua tất cả, anh như một pháo đài vững chãi, một chiến sĩ chiến đấu trong một trận đánh sinh tử thầm lặng với một thứ vũ khí duy nhất đầy mềm yếu, đấy là… thơ. Về Chợ Chùa, sống giữa không khí của thi ca, bằng một ý thức chung thẩm tôi tin rằng thơ còn là lẽ tồn sinh của cuộc người.

Hồ Sĩ Bình
;
.
.
.
.
.