.

Hờ hững với môn Văn

Trên lý thuyết thì ai cũng nói môn Ngữ Văn là môn học chính thống, thi học kỳ, thi tốt nghiệp ở phổ thông là môn thi bắt buộc. Nhưng trong thực tế,  đa số học sinh hờ hững với môn Ngữ Văn. Đâu là nguyên nhân dẫn đến điều này?

Theo chúng tôi, xã hội chúng ta đang trên đà phát triển,  chúng ta rất cần phát triển những ngành kinh tế, khoa học kỹ thuật, xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng… Vì vậy, các môn tự nhiên được “chuộng” là điều không phải bàn cãi.

Một số học sinh đam mê Văn, số trường tuyển khối C ít, mà học mấy ngành đó ra trường xin việc thì khó, lương lại thấp. Chúng tôi thiết nghĩ lợi ích kinh tế là lợi ích sát sườn nhất đối với mọi người. Mà học thực chất là một quá trình đầu tư. Chúng ta hãy bớt đổ lỗi cho học sinh là lười, không chịu học Ngữ Văn cũng như các môn khoa học xã hội.

Cũng một điều dễ nhận thấy là học sinh hiện nay không mấy hứng thú với môn Ngữ Văn, có lẽ là do một số giáo viên dạy Văn chưa thực sự truyền được lửa, sự rung động cho các em. Không như ngày xưa, cứ mỗi lần đến giờ Văn, với đông đảo học sinh, là sự hào hứng chờ đợi bởi những người thầy tận tâm “đốt” mình trong bài giảng, truyền được niềm yêu thích cảm thụ văn học, và đem đến cho học trò bao bài học quý.

Mọi người cứ tưởng học Văn là dễ, là học thuộc, học vẹt. Thực tế, nếu như Toán học tư duy bằng lý tính thì Văn học phải kết hợp tư duy cả lý tính lẫn cảm tính thì mới thực sự đi vào khám phá được giá trị của tác phẩm văn học. Mấy người bạn dạy Văn ở phổ thông của chúng tôi bảo: Khi kiểm tra, chấm trả bài thì đó là một cực hình. Kiểm tra miệng thì chẳng mấy khi các em học bài. Cho vào sổ đầu bài, cho điểm kém các em cũng kệ. Còn kiểm tra viết thì phải vừa dịch chữ của các em vừa chấm. Mình toàn phải gạn lấy ý mà cho điểm chứ nếu chấm cả về trình bày, chữ nghĩa, câu chữ thì chẳng biết lấy gì mà trừ điểm nữa.

Bạn chúng tôi trích mấy dẫn chứng của học sinh: “Mị Châu bị An Dương Vương lôi ra bờ sông chém rớt đầu, xác vất xuống sông bị tôm cá rỉa sạch còn bộ xương hóa thạch…” (Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy), Gia Cát Lượng là quân sư nổi tiếng của Trần Quốc Tuấn, đã giúp ông đánh tan quân Nam Hán (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – Ngô Sĩ Liên), nàng Tiểu Thanh đã có những tháng ngày tươi đẹp khi cùng Nguyễn Trãi dạo bên Hồ Tây cạnh Côn Sơn, sau đó hai người phải xa nhau nàng đã đau khổ mà chết… (Đọc Tiểu Thanh Kí- Nguyễn Du), “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” có chữ thiu rất hay. “Thiu” ở đây là ôi thiu, thối, bốc mùi. Như vậy câu thơ thể hiện dòng sông bị ô nhiễm bốc mùi lên kinh khủng khiến cây bắp bên sông không chịu được phải rùng mình lay động… (Đây thôn Vĩ Dạ– Hàn Mặc Tử), câu thơ “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc” đã vẽ lên hình tượng người lính Tây tiến thật quái dị, man rợ, trông mà chết khiếp (Tây tiến – Quang Dũng)…

Đâu riêng chỉ các em học sinh không đâu. Khi xem các chương trình trò chơi truyền hình, chúng ta thấy rất rõ điều đó. Hầu như người chơi (chủ yếu là giới trẻ) am hiểu rất nhiều lĩnh vực nhưng đáng buồn khi đến các câu hỏi về văn hóa, lịch sử, văn học dân tộc thì hầu như các bạn đều không biết.

Nếu Ngữ Văn không được xem trọng, sẽ dẫn tới hậu quả gì?! Khi đánh giá một con người, thầy giáo của tôi thường nói người đó có tính văn học, tính văn học của người đó hơi yếu. Trong tác phẩm Văn học lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, suy nghĩ của mỗi dân tộc nói riêng và của nhân loại nói chung. Theo chúng tôi, cơ sở để định danh một dân tộc trên bản đồ thế giới không chỉ là ở lãnh địa, thể chế chính trị của đất nước đó mà còn là lịch sử, văn hóa của dân tộc đó. Nếu như chúng ta không truyền cho thế hệ trẻ điều đó thì tương lai sẽ như thế nào?

 Đâu đây trên báo chí vẫn đưa những thông tin nghe mà xót lòng: con giết cha, cháu thiêu bà, trò đánh thầy, nữ sinh đánh nhau, ăn nói thì không thể tưởng tượng được… Phải chăng đó là biểu hiện của sự thiếu tính văn học? Bởi theo chúng tôi, con người ta không thể làm điều gì ác, điều gì sai trái nếu như có một tâm hồn sâu sắc, một trái tim đằm thắm. Không một tác phẩm Văn học chân chính nào lại không đi vào khám phá những vẻ đẹp tâm hồn của con người, hướng con người ta tới sự thánh thiện. Tại sao chúng ta lại không bồi đắp điều đó nơi thế hệ trẻ qua Văn học?

Theo chúng tôi, để khắc phục sự thờ ơ, chán ngán của học sinh trong việc học môn Ngữ Văn cũng như các môn xã hội hiện nay, chính “người lớn” chúng ta nên chăng phải nhận thức lại chính mình mà định hướng cho các em được tốt hơn. Theo chúng tôi, chúng ta không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu suông mà phải có những chính sách cụ thể, thiết thực trong việc khuyến khích học môn Ngữ Văn. Chúng ta khuyến khích học sinh, sinh viên học Văn, học khối xã hội nhưng chúng ta cần phải cho họ một “đầu ra suôn sẻ”.

 Hiện nay ở một số trường đại học yêu cầu sinh viên, hay hầu hết các loại hình đào tạo sau đại học đều yêu cầu đạt đến một trình độ ngoại ngữ nhất định thì mới đủ điều kiện ra trường. Thế là mọi người đều đổ xô vào học ngoại ngữ. Tại sao chúng ta lại không áp dụng điều đó cho Tiếng Việt?

LƯU VĂN DIN
;
.
.
.
.
.