.

Nghệ thuật của thổ dân

.
Đó là một trong nhiều hình thái lâu đời nhất trong sự sáng tạo của nhân loại trên hành tinh, đánh dấu từ hàng nghìn năm trước và cho đến một vài thập kỷ gần đây, thế giới nghệ thuật mới thực sự hiểu biết, nắm bắt được.

Mô tả ảnh.
Geoffrey Bardon và họa sĩ thổ dân Johnny Warangkula Tjupurrula.
 
Nhiều họa sĩ thổ dân không lấy tài chính làm động cơ thúc đẩy cho tác phẩm của họ và họ đã không hề màng đến những hoạt động khá sôi động của thị trường mỹ thuật. Tuy vậy, vào những năm 1990, qua các cuộc bán đấu giá mỹ thuật từ những nhà sưu tập, giá bán tác phẩm nghệ thuật thổ dân đã đạt tới mức đáng gờm.

Trải qua nhiều thế hệ, những người thổ dân già nhất tiếp tục công việc nghệ thuật của họ qua các câu chuyện cổ tích truyền khẩu và kiến thức tập tục về bộ lạc như ca múa, họ dùng các chất liệu màu nhuộm lấy từ thiên nhiên rồi dựa vào những nét và điểm chấm để vẽ bằng những ngón tay và que củi.

Geoffrey Bardon là người da trắng đầu tiên nhận ra di sản văn hóa phong phú trong nghệ thuật của thổ dân Úc. Ông là giáo viên tại một ngôi trường nhỏ ở Papunya, vùng cư dân phía Tây Sa mạc nước Úc từ những năm 1970.

Mô tả ảnh.
Tranh của Johnny Warangkula Tjupurrula.
 
Francesca Cavazzini, chuyên gia nghệ thuật ở Bonhams Sydney ghi nhận: “Geoffrey Bardon không những dạy nghệ thuật cho học trò thổ dân nhỏ tuổi mà còn khuyến khích các người thổ dân lớn tuổi trong cộng đồng cư dân tham gia vẽ và vẽ trên bất cứ thứ gì họ có thể tìm thấy, chẳng hạn như một mảnh đá, một miếng gỗ, họ có thể ghi chép lại những mẩu chuyện liên tục, thường xuyên”. Những người đàn ông hết sức nồng nhiệt với tranh và những bức tranh đầu tiên của thổ dân đó vẫn còn đến hôm nay trong các sưu tập. Một trong số đó là tác phẩm của Johnny Warangkula Tjupurrula, tranh bằng chất liệu men sứ được vẽ trên chipboard, loại vỏ bào ép với nhựa dính làm vật liệu xây dựng. Bức tranh này sẽ được bán đấu giá.

Vào những ngày xa xưa đó, nhiều họa sĩ đã chuyển hình dạng những bức tranh truyền thống và biểu tượng của họ từ âm thanh, vật thể lên ván gỗ nhưng những trung tâm nghệ thuật được chính phủ bảo trợ hiện nay đã tạo điều kiện cho họ tiếp cận với nhiều loại vật liệu mỹ thuật hiện đại, tranh của thổ dân sẽ rời bỏ cách vẽ “chấm điểm” sang lối vẽ có sự kết hợp chặt chẽ màu sắc trong sáng và tác phẩm của họ mang dáng dấp  họa sĩ thực thụ hơn.

Và cũng mang tinh thần tự trọng và kỷ luật trong công việc như mọi họa sĩ hiện đại khác, Gunybi Ganambarr, một họa sĩ thổ dân ở vùng Yolngu giải thích những gì “có thể” và “không thể” khi vẽ, anh nói: “Khi vẽ tôi nghiêm khắc tuân thủ theo lề luật, tôi không vẽ và không đắnh cắp bản sắc quê hương của người khác”.

HOÀNG ĐẶNG
;
.
.
.
.
.