Tôi về nhà lúc 10 giờ. Chuyến xe đường dài làm tôi mệt rã rời, tôi lăn quay ra ngủ, quên cả ăn cơm trưa. Buổi chiều, sau khi ngủ một giấc và nói chuyện với mẹ, tôi lấy chiếc xe đạp cũ hồi học cấp 3 phóng ra phía bờ sông. Mùa hoa cỏ lau rồi! Mùa của những bông hoa trắng như bông, bay phất phới trong gió, mùa của một thời xa xưa, thời thơ ấu của tôi.
Mùa Xuân, mùa của những bông hoa cỏ lau này là mùa mà tôi rất thích, nó có cái gì đó ấm áp, nhẹ nhàng và sâu lắng như một thiếu nữ dịu dàng và đầy sức sống. Mỗi lần đi học về ngang qua cánh đồng hoa cỏ lau này, tôi cũng dừng lại rất lâu để được nhìn thấy hoa cỏ lau…. Cảnh ánh dương chiều tà và màu trắng cỏ lau hòa vào nhau tạo nên trong tâm hồn tôi một màu tím kỳ lạ, màu tím của thương nhớ…
Tôi đứng lặng bên bờ sông nhìn ra xa xa, từng làn gió khẽ đưa những bông cỏ lau chạm vào áo tôi, từ lúc nào những bông cỏ lau đã vương đầy áo. Tôi cho tay vào túi áo lấy ra mảnh giấy cũ, trên đó có dòng chữ đã mờ: “Mùa hoa cỏ lau cuối cùng trước khi chúng ta vào đại học, tớ sẽ trở về”. “Bây giờ đã là mùa hoa cỏ lau đầu tiên của thời đại học, sao cậu còn chưa trở về ?” - Tôi bâng khuâng nhìn dòng sông và tự đặt câu hỏi cho mình...
Ngày mai tôi đã phải lên đường sang Anh du học, vì thời gian quá gấp và cũng quá bất ngờ nên tôi chỉ kịp về ngay hôm nay, mai là ngày tôi bay rồi. Về để chào tạm biệt mẹ và em gái, chào từ biệt dòng sông nhỏ, cánh đồng hoa cỏ lau này và để chào tạm biệt một lời hứa - lời hứa với người bạn nhỏ của tôi….
Tôi còn nhớ ngày tôi gặp Duyên là một ngày mà hoa cỏ lau cũng tạo thành làn sóng trắng như bọt biển thế này. Đó là một buổi chiều cách đây mười một năm, năm tôi tám tuổi… khi tôi ngồi một mình trên bãi cát vắng để tận hưởng hương vị nồng nồng, man mác của cỏ lau và ánh chiều tà tím biếc….
Tôi thích các buổi chiều tà vì nó có cái gì đó đượm buồn, buồn như nỗi mất mát trong lòng tôi vậy.
Khi tôi được ba tuổi thì cũng là lúc bố tôi ra đi… và không bao giờ trở về nữa. Vì gia đình nghèo nên bố phải lên đường vào Nam làm ăn, để lại 3 mẹ con tôi. Bố ra đi lúc đầu còn có mấy lá thư gửi về nhưng sau đó một năm thì không thấy tin tức gì của ông nữa. Có người nói bố đã có vợ con và sống sung sướng trong đó, nhưng riêng tôi, tôi không tin!!! Chiều nào tôi cũng dắt đứa em nhỏ ra bờ sông, trông về xa xa và đợi bố… rồi hai anh em cùng òa khóc nức nở… 15 năm đã qua kể từ ngày đó, chúng tôi vẫn đợi nhưng vẫn chẳng thấy bố đâu. Và đến tận bây giờ, bố vẫn để lại trong tôi nỗi nhớ nhung da diết…
Đang thả hồn vẩn vơ theo gió về với ký ức xa xăm, bỗng tiếng ai đó làm tôi bừng tỉnh:
- Bạn gì ơi! Bạn có thấy con John của tớ nó chạy qua đây không vậy?
Tôi giật mình quay lại, trước mắt tôi là một cô bé rất hồn nhiên, xinh đẹp như cô tiên nhỏ mà tôi vẫn gặp trong các truyện cổ tích... làm tôi ngây người ra, không kịp trả lời.
- Người đâu mà cứ như sao Hỏa rơi xuống ấy… Cô bé nói có vẻ hơi bực mình - Có thấy con Jonh của tôi chạy qua đây không?
- Xin lỗi ! Con John là con gì?- tôi hỏi lại.
- Đó là con chó, tớ dắt nó đi dạo, vậy mà mải ngắm hoa lau quá nên nó tuột dây và chạy đi đâu mất rồi. Cô bé nói và mắt đã rươm rướm nước… - nhờ cậu giúp tớ đi tìm con John với.
Với chiếc áo trắng đồng phục học sinh phố có chữ Nguyễn Trường Tộ, chiếc váy đen và một chiếc dây lưng nhỏ, đôi giày kiểu của búp bê bao quanh một đôi tất trắng; khuôn mặt thanh thanh, sống mũi thẳng, đôi lông mày vừa thanh vừa đậm, đôi mắt của nó to tròn và đen nháy… Tất cả những cái đó đã làm tôi nhớ đến nhân vật Xuka trong truyện Đôrêmon… Tôi tự nhủ: “Mình đã gặp Xuka ngoài đời thật!!!”…
- Cậu không phải dân vùng này à? - tôi buột miệng hỏi.
- Tớ ở thành phố kia! Hôm nay là lần đầu tiên tớ về quê, đây là quê nội tớ mà.
Tôi và cô bé đi dọc triền sông tìm chó. Những bông hoa lau lay động tạo thành những làn sóng tuyệt đẹp như nước biển tung bọt trắng xóa xô vào nhau.
Qua câu chuyện, tôi mới biết cô bé tên là Duyên, nó bị bệnh suy tim bẩm sinh nên bố mẹ phải gửi về quê để học và tĩnh dưỡng vì ở quê không khí trong lành thích hợp cho việc nghỉ ngơi chữa bệnh.
Chúng tôi vừa đi vừa gọi tên con John, nhưng vẫn không thấy tăm tích đâu. Mải mê nói chuyện và tìm chó, chúng tôi đã đi khá xa… Trời đã nhá nhem tối, tôi cũng hơi lo lắng vì sợ về muộn thế này mẹ sẽ mắng, nhưng cũng đành đi tìm tiếp vì chả lẽ để Duyên đi một mình ở nơi vắng vẻ, không quen biết này. Nhưng càng tìm thì càng thấy vô vọng, tôi đành nói với Duyên:
- Hay mình đừng tìm nữa, trời tối rồi… Biết đâu con chó sẽ tự tìm về đến nhà đấy.
- Không, không được, mình phải tìm, nếu không thấy thì mình không về đâu! Nó nói với khuôn mặt đầy lo âu, nhưng rất kiên quyết.
Nhìn nó lúc này sao mà thương đến vậy. Không hiểu sao tôi lại mỉm cười, nó cũng mỉm cười, nỗi lo âu của nó dường như tan biến...
Hai chúng tôi ngồi nghỉ trên cát, chợt buột miệng tôi nói đùa:
- Dạo này ở quê mình có mấy người hay lùng bắt chó để bán cho mấy quán thịt cầy trên huyện, liệu có khi nào…
Tôi vừa nói vừa nhìn Duyên. Chợt thấy cô bé mắt đỏ hoe, mồm mếu máo, đôi mắt mọng nước và dòng lệ đầu tiên đã chảy được nửa chừng, làm tôi bối rối:
- Tớ nói đùa thôi mà.
Tưởng nghe xong câu này cô bé sẽ nín, nhưng ngược lại, Duyên càng khóc to hơn, tôi không biết làm thế nào, cứ ngồi nhìn Duyên khóc. Bỗng Duyên lấy một bức ảnh từ trong túi áo ra, đưa tôi xem. Bức ảnh đã cũ, Duyên chụp với một chú chó bec-giê to, nó ôm cái đầu con chó, trông như là đứng với con ngựa của mình vậy… Duyên vẫn khóc nức nở, tôi càng bối rối không biết làm gì để an ủi nó.
- Cậu nín đi, tớ sẽ tìm con John cho cậu, tớ bảo đảm là sẽ tìm thấy, yên tâm đi.
- Cậu có biết con chó đó là người bạn thân nhất của tớ không? Từ nhỏ tớ đã không được như người khác, không có nhiều bạn bè và cũng không được tham gia những trò chơi, tớ thường chỉ ở trong nhà và chơi với nó, nó là niềm vui duy nhất của tớ…
Tôi nắm lấy tay Duyên an ủi:
- Bây giờ ngoài con John ra, cậu có thêm tớ nè, tớ cũng là bạn cậu đó thôi. Thôi, chúng mình lại lên đường tìm tiếp nhé.
Hai chúng tôi tiếp tục đi… Đoạn sông này còn xa tít tắp, quả thực tôi đã hơi nản lòng, nhưng vẫn hú họa gọi “John! John! John”…
Bỗng từ đám lau con chó lao ra, dáng nó lừng lững như một con ngựa, nó nhảy chồm lên người Duyên. Duyên mừng rỡ ôm nó vào lòng, niềm vui sướng hạnh phúc ngập tràn trong Duyên, trông nó chẳng khác gì như gặp được người thân sau nhiều năm xa cách.
Tôi đưa Duyên về xóm Thượng, nơi nhà ông nội Duyên ở đó. Trời lúc này đã tối hẳn, hai bên bờ sông đã lên đèn, ánh sáng hắt xuống mặt sông và phản chiếu trông thật lung linh… Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện với Duyên, tôi tiện tay bứt luôn bông hoa cỏ lau bên cạnh và nhẹ nhàng đặt lên tay Duyên:
- Xin tặng bông hoa cỏ lau này để kỷ niệm ngày đầu chúng mình quen nhau, hãy luôn giữ nó bên mình nhé!.
Hôm đó tôi trở về nhà và bị ăn mấy cái roi của mẹ, nhưng tôi cảm thấy vẫn vui vì đã được kết bạn với “Xuka” đáng yêu. Và cũng từ ngày hôm đó, cứ chiều chiều sau giờ tan học chúng tôi cùng nhau đi ra cánh đồng hoa cỏ lau bên triền sông và ngồi trò chuyện đến tối mới về. Cứ như vậy, chúng tôi thành bạn thân của nhau khó có thể tách rời.
Chúng tôi dùng hoa cỏ lau làm vương miện đội lên đầu, rồi chạy tung tăng trên bãi cát hoặc ngồi ngắm chiều tà tím biếc, trò chuyện. Có lần chúng tôi mang theo mấy chiếc nến cắm lên mấy mảnh bìa cứng để chơi trò mừng sinh nhật và chúc nhau đủ thứ… rồi cùng nhau nhắm mắt ngây ngô ước rằng sẽ thành vợ chồng của nhau, sẽ ở bên nhau suốt đời. Có lúc Duyên còn ngúng nguẩy:
- Nè, sau này tớ làm chồng cơ.
Nghe nó nói vậy, tôi cũng gật đầu:
- Vậy thì tớ sẽ làm vợ, tớ sẽ nấu cơm, quét nhà, rửa bát, đi chợ… như mẹ tớ ấy.
Thời gian trôi nhanh vùn vụt. Thấm thoát đã một năm từ lúc quen nhau. Hôm đó như thường lệ tôi ra bờ sông ngồi đợi cô bạn của mình. Chờ mãi đến tối mà vẫn chưa thấy Duyên ra. Nóng ruột và cảm thấy có gì không ổn nên tôi cứ hết đứng lên lại ngồi xuống. Chợt thấy ông nội Duyên đi tới, ông nói với tôi:
- Duyên nó đi vội quá nên nhờ ông chuyển cho cháu cái này.
Cầm mảnh giấy nhỏ, tôi run run mở ra, trên đó chỉ có mỗi một dòng chữ: “Khi nào mùa hoa cỏ lau cuối cùng trước khi chúng ta vào đại học, tớ sẽ trở về”.
Thấy tôi ngạc nhiên, ông nói: “Nó phải về gấp để bố mẹ nó đưa đi chữa bệnh ở nước ngoài”.
Tôi như bị rơi vào một khoảng trống vắng vô biên và cảm thấy như bị mất đi một cái gì thật là quý giá. Ông nội Duyên đã về từ lâu, tôi còn đứng lại đó mãi, nhìn ra xa xăm vô định… Những con thuyền của dân chài đang lên đèn, những bông hoa cỏ lau phất phơ ủ rủ theo làn gió. “Thế là Duyên đã đi rồi” tôi thầm nhủ. Duyên đến và đi như một giấc mơ vậy, giấc mơ đẹp nhất của tuổi thơ tôi. Một lần nữa tôi lại chờ đợi, như ngày bố ra đi….
Cả tháng sau đó, ngày nào tôi cũng ra cánh đồng hoa cỏ lau chờ, chờ đợi một cái gì đó dẫu biết là không có kết quả. Tôi nhớ Duyên, nhớ nụ cười, nhớ khuôn mặt rạng rỡ trong nắng chiều… và nỗi nhớ theo tôi lớn lên cho đến tận hôm nay, khi tôi cũng đang đứng ở đây, cũng chờ! chờ người bạn nhỏ của tôi!
Tôi bâng khuâng nhìn dòng sông đang chảy xiết và chìm vào dòng suy nghĩ miên man. Có lẽ nỗi nhớ trong tôi cũng mạnh mẽ như dòng chảy của con sông này. Nỗi nhớ vẫn mới mẻ như ngày nào, mới như ngày tôi chia tay Duyên. Tôi ước giá như có phép màu nào đó đưa tôi trở về quá khứ và được ở bên cạnh Duyên lần nữa thì tôi sẵn sàng đánh đổi bất cứ điều gì để được nhìn thấy nụ cười của Duyên…
- Cháu có phải là Thành không?
Tôi giật mình quay lại, trước mặt tôi là một người phụ nữ cao gầy, nhưng khuôn mặt thật phúc hậu.
- Vâng, cháu là Thành đây ạ! Tôi trả lời với sự ngạc nhiên cao độ.
- Cô là mẹ của Duyên….
Vừa nghe đến đó, tôi như không tin vào tai mình nữa và một niềm vui chợt lóe lên làm tôi hạnh phúc thật sự. Tôi hỏi ngay, không để mẹ Duyên nói hết câu:
- Cô ơi, Duyên có về không cô?
Mẹ Duyên ngập ngừng lại đôi chút, có điều gì dường như là khó nói lắm, ánh mắt chợt trở nên thẫn thờ và hai dòng lệ chảy dài trên má. Tôi linh cảm có gì chẳng lành và hình như có gì đang bóp nghẹt lồng ngực mình. Một lát sau như lấy lại bình tĩnh, mẹ Duyên nói:
- Duyên nó mất cách đây một năm, gia đình đã cố gắng cứu chữa nhưng vẫn không qua khỏi. Cô biết nó vẫn nhớ cháu và trước lúc ra đi nó đã nhờ cô chuyển cái này cho cháu.
Tôi như bị sét đánh ngang tai! Tai tôi chỉ còn âm thanh ù ù của những đợt gió mạnh thổi từ phía mặt sông; hai mắt cay cay, tâm hồn tôi đổ sụp như núi băng tan chảy… Mẹ Duyên lấy trong túi ra một quyển sổ màu đen và nói:
- Nó gửi cháu cái này. Đây là nhật ký của nó, gia đình định giữ lại nhưng bác nghĩ nó cũng muốn cháu đọc.
Tôi run run lần dỡ quyển nhật ký, và nhận ra những dòng chữ nhỏ nhắn của Duyên:
“1-2-1997: Thành ơi, tớ phải đi lên thành phố để chuẩn bị đi chữa bệnh rồi, vội quá nên không chào tạm biệt được, tớ gửi ông đưa cho cậu lá thư, không biết cậu nhận được không?”.
“2-8-1998: Thành thân! Tớ qua đây đã được hơn một năm mà vẫn chưa quen được với cuộc sống, ở đây chẳng có bạn bè nào để chơi cả. Rảnh rỗi tớ chỉ biết lấy quyển sổ nhật ký này ra để viết cho cậu thôi. Giữa thành phố Minesota nhộn nhịp, đông đúc này mà sao tớ thấy lạc lõng quá! Tớ chỉ muốn về quê mình bên dòng sông nhỏ và cùng cậu chơi đùa, tớ ước gì mình được trở lại ngày đó”.
Tôi lần giở trang giấy cuối và đọc dòng nhật ký cuối cùng của Duyên:
“5-2-2009: Thành! Không biết Thành còn nhớ Duyên ko? Có lẽ Duyên không về thăm Thành được nữa rồi. Duyên nhớ Thành lắm nhưng có lẽ sức khỏe của Duyên không cho Duyên cơ hội gặp Thành lần nữa. Thành hãy giữ gìn sức khỏe và chúc Thành thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Thành đừng bao giờ quên Duyên nhé! Duyên gửi lại Thành bông cỏ lau mà Duyên đã giữ suốt mười năm qua, và Duyên tặng Thành con hạc giấy này, nếu Thành nhớ Duyên thì hãy để con hạc giấy này chở suy tư của Thành đến với Duyên nhé”.
Tôi ngậm ngùi gấp quyển sổ nhật ký lại, nước mắt như muốn tuôn trào, nhưng vẫn cố kìm nén cảm xúc. Mãi tôi mới nói được với mẹ Duyên:
- Cháu cảm ơn cô đã cho cháu biết những suy nghĩ của Duyên, lâu rồi cháu tưởng cậu ấy đã quên, vậy mà…
Tôi không thể nói nổi hết câu vì hai dòng nước mắt đã lăn dài trên má tự lúc nào, tâm hồn tôi như quay cuồng trong giông tố…
Chia tay mẹ Duyên rồi mà tôi vẫn còn đứng mãi tần ngần ở bãi cát, gió thổi nhẹ như mang tôi đi vào những kỷ niệm thuở nào. Duyên như vẫn ở đó, nô đùa và cười rất tươi….
Chiếc Boeing 747 cất cánh, tôi nhìn ra cửa sổ, bên ngoài những làn mây trắng trải dài vô tận trên bầu trời như cảnh cánh đồng hoa cỏ lau quê nhà vậy. Trên tay tôi là nhành hoa cỏ lau và con hạc giấy mà Duyên tặng, trái tim tôi như thầm muốn nói: “Duyên ơi! Tớ sẽ về! Chờ tớ mùa hoa cỏ lau sau nhé!”…
Hà Phạm