.

Bám sát thực tiễn cuộc sống

Việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống không phải là điều gì đó cao xa, ở tầm vĩ mô... mà chính là từ những việc làm cụ thể nhất, liên quan trực tiếp đến mỗi chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.

Nằm trong số 12 hộ đặc biệt nghèo của phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, vừa qua, gia đình chị Lê Thị X. ở tổ 7 đã được hỗ trợ 5 triệu đồng làm vốn để bán sinh tố theo nguyện vọng của gia đình chị. Đồng thời, đứa con đang học lớp 8 của chị cũng được nhận tiền bảo trợ xã hội 300 nghìn đồng để em tiếp tục việc học.

Mặc dù đây không phải là số tiền lớn, nhưng là nguồn động viên và tạo số vốn ban đầu để chị X. có điều kiện vươn lên, có việc làm, tạo thu nhập ổn định đời sống gia đình.

Cùng với việc hỗ trợ vốn làm ăn cho gia đình chị, những người có trách nhiệm của phường cũng căn dặn chị trong việc thực hiện những phần việc của mình để góp phần giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán... Đây cũng là cách để cơ quan chức năng tuyên truyền hiệu quả, đưa những nội dung trong Nghị quyết của Đảng bộ quận Hải Châu về “Năm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và an sinh xã hội” của quận đi vào đời sống của từng người dân một cách cụ thể, dễ hiểu và dễ làm nhất.

Theo ông Trà Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Hải Châu 2, thì việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống không phải là điều gì đó cao xa, ở tầm vĩ mô... mà chính là từ những việc làm cụ thể nhất, liên quan trực tiếp đến mỗi chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Khi đó nghị quyết của Đảng thực sự là hơi thở của cuộc sống và mang lại hiệu quả trong lãnh đạo của Đảng.

Để làm được điều đó, quan trọng là phải biết xác định những nội dung trọng tâm, cái “thần” của nghị quyết; từ đó chuyển tải thành các chương trình, kế hoạch hành động; xây dựng các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương, đơn vị. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện một cách quyết liệt để đạt được hiệu quả.

Nhìn nhận lại chặng đường triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2005-2010, trong đó có Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố, điều dễ nhận ra, đó là việc triển khai thực hiện các chương trình hành động, các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề đã đạt hiệu quả nhờ bám sát thực tiễn cuộc sống và đưa vào cuộc sống một cách kịp thời. Đồng thời, các nghị quyết đó đã có tác động tích cực đến đời sống chính trị, xã hội của thành phố một cách rõ rệt. Chỉ thị 01-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy năm 2006 về “Năm công tác cán bộ và cải cách thủ tục hành chính” đã tạo ra một thế hệ cán bộ trẻ bảo đảm tiêu chuẩn, nhất là về trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
 
Đến Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, toàn Đảng bộ đã thực hiện thành công chủ trương cấp ủy viên có trình độ đại học chính quy; thực hiện “chuẩn hóa” đội ngũ cán bộ phường, xã thông qua Đề án “Đào tạo nguồn các chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, phường trên địa bàn thành phố”; đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài... Đồng thời, qua 3 năm đứng thứ nhì, Đà Nẵng đã có 3 năm liên tiếp (2008-2010) xếp thứ nhất về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Chỉ thị 24, 25 của Ban Thường vụ Thành ủy đã có tác động mạnh mẽ đến đời sống của từng hộ gia đình đặc biệt khó khăn, đến việc ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, thiếu niên vi phạm pháp luật, đến hạnh phúc của từng gia đình nhờ những biện pháp hiệu quả ngăn chặn bạo lực gia đình...

Từ thực tế đó, có thể thấy, điều quan trọng nhất là phải biết nắm cái “hồn” của nghị quyết, đồng thời bám sát thực tiễn cuộc sống để tìm ra những vấn đề bức thiết cần giải quyết; từ đó chuyển hóa thành các văn bản của Đảng, của chính quyền... một cách cụ thể, nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực hiện. Việc thực hiện nghị quyết phải quyết liệt, sáng tạo và hướng đến lợi ích chung đã được xác định.

Có như vậy, mới huy động được sức mạnh toàn xã hội vào việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Cũng từ đó, nghị quyết của Đảng mới tạo nên hiệu quả thiết thực trong đời sống!

Anh Quân
;
.
.
.
.
.