.
Chuyện xưa xứ Quảng

Đà Nẵng thời Tây Sơn: Ngoại giao với phái bộ Anh

Phái đoàn Anh, trên chuyến hành trình sang Trung Hoa đã ghé Đà Nẵng như một việc bất đắc dĩ nhưng sự tình cờ đó lại đem đến những kỳ vọng trong giao dịch, buôn bán của nhà Tây Sơn, lúc đó đang do Quang Toản (Cảnh Thịnh hoàng đế, con trai thứ của vua Quang Trung, lên ngôi tháng 8 năm 1792) cai quản. Có những điều thú vị xung quanh những mối quan hệ ngoại giao ngắn ngủi này.

Không lâu sau khi xóa tan những nghi ngờ đối với chính quyền và người dân, phái đoàn Anh được đón tiếp “ân cần” ngay tại Đà Nẵng. Mọi người đã có phần hiểu biết nhau và, những người Anh do công việc hoặc do hiếu kỳ, cả ngày xuống thuyền ở trên bờ thường được khoản đãi những bữa cơm công cộng. Còn phía chính quyền thì một vài người lãnh đạo hằng ngày tới thăm tàu Lion của phái bộ.

Nếu những người Anh hiếu kỳ, bị thu hút vì những điều mới mẻ trước mắt họ thì những quan chức chính quyền siêng lui tới tàu Lion bởi sự kích thích của rượu nặng. Những người này được miêu tả rằng không thích bia hay rượu vang nhưng lại “rất mê rượu rum nguyên chất, rượu Brandy hay bất kỳ một loại đồ uống nào có cồn”. Và họ cũng ham uống đến mức tác giả cho rằng “sau lần thăm viếng đầu tiên của họ, người ta thấy rằng không nên để họ tùy tiện uống quá nhiều, vì cả đoàn người khi đó đã ra khỏi con tàu trong tình trạng say xỉn”.

Tin tức về phái đoàn Anh nhanh chóng được báo về Huế, một quan đại thần đã được phái đến gặp ông đại sứ với lời mời đến triều đình. Kèm theo đó là một lá thư của “vị vua trẻ với đầy vẻ thán phục của ông đối với nước Anh” và một vài “món quà nhỏ” cho đoàn thủy thủ, theo cách nói ngoại giao, bao gồm: 10 con nghé, 50 con lợn thiến, khoảng 300 con gà, vịt cùng nhiều hoa quả như bí ngô, cà, hành, rau...

Phía phái đoàn Anh, đại sứ cũng có thư đáp trả và theo thông lệ, kèm theo một số quà tặng như: một khẩu súng hai nòng với đầy đủ phụ kiện, một đôi súng lục bằng đồng thau có lắp lưỡi lê lò xo, một thanh gươm có chuôi thép, nhiều tấm vải bông to...

Tuy vậy, phía phái đoàn có nhiều lý do để từ chối việc ghé thăm chính thức Huế tuy rất muốn biết nội tình của một đất nước mà họ đi qua. Có thể nói tiếng tăm về sự lộng lẫy của kinh đô Trung Hoa đã lấn át Huế. Bởi thế, không tới Huế cũng không phải là điều đáng tiếc. Điều đó cũng góp phần lý giải về tính hiếu kỳ của tác giả hơn là việc mang một trọng trách ngoại giao đối với chính quyền vùng đất này.

Quang Toản tiếp tục viết lá thư thứ hai mà theo tác giả Barrow là “một vài đề nghị gián tiếp đã được đưa ra nhằm thiết lập mối giao dịch buôn bán với những phần đất phía bắc của xứ Nam Hà”. Lần này, quà tặng kèm theo rất lớn, bao gồm: một cặp ngà voi, 10 bao hạt tiêu cho ngài đại sứ và 3.000 bao gạo (mỗi bao nặng chừng 70 pound, như vậy lên tới chừng 100 tấn) để thủy thủ dùng.

Theo nhật ký của Macartney, số gạo Quang Toản tặng cho phái bộ Anh quá nhiều, dùng không hết, do đó khi tới Quảng Châu họ đã đem bán lại, lấy tiền sung vào quỹ của Công ty Đông Ấn Anh(1).

Đó là tất cả những mối giao dịch chính thức từ hai phía. Tuy nhiên bên cạnh đó, vì nhiều lý do, không chỉ chính quyền mà cả phía phái đoàn cũng rất do dự.

Nếu việc thuyền trưởng người Bồ phao tin một cách ác ý được dập tắt ngay sau đó thì việc phía phái đoàn vì muốn có cái nhìn “tổng quan chính xác về cảng biển và vịnh biển tuyệt vời này” đã tự tiện cho người đo vẽ bờ biển một cách “thiếu thận trọng” làm cho viên quan cai quản nơi đây “bày tỏ sự không hài lòng”.

Tiếp đến, một sĩ quan của tàu Lion đã “nhiệt tình muốn thăm dò dòng sông dẫn đến Faifo” (tức sông Cổ Cò dẫn tới Hội An) đã bị bắt vào ban đêm và giam vào một pháo đài nhỏ với toàn bộ thủy thủ càng làm cho chính quyền nơi đây “phàn nàn gay gắt” trong lúc ông đại sứ Anh thì giả vờ và từ chối “không hề biết gì về sự việc”.

Vài gián đoạn trong mối quan hệ này đã làm cho ông đại sứ Anh không vội xuống tàu còn phía chính quyền dù mong muốn được bày tỏ lòng kính trọng bằng một buổi liên hoan nhưng mặt khác thì rục rịch phô trương thanh thế. “Chúng tôi quan sát thấy một sự náo động bất thường ở nơi đó và số quân đã tăng lên bên trong và chung quanh thành phố, kèm theo cả nhiều voi chiến. Vì vậy về phía chúng tôi, để đề phòng đã cử hai thuyền buồm có vũ trang đi ngược sông tới chỗ đối diện thành phố, để trong trường hợp cần thiết có thể rút lui an toàn”.

Cuối cùng thì chẳng có sự cố gì xảy ra và buổi tiệc được tiến hành với sự lo liệu toàn diện của thuyền trưởng người Bồ như là sự chuộc lỗi. Tuy nhiên, theo Barrow, đó là lòng nhiệt tình không đúng chỗ, “một buổi tiệc ngon của người Nam Hà đã bị làm hỏng hoàn toàn bởi một bữa ăn tồi theo kiểu Bồ Đào Nha”.

Thêm một tình huống “thất thố” hay cố tình thất thố của phái đoàn Anh khi bước vào buổi tiệc đã không theo các nghi thức ngoại giao được quan chức nơi đây bày sẵn, theo thông lệ họ sẽ bái lạy người đại diện như hình bóng của vua. Tuy nhiên, sau khi cúi chào, cả phái đoàn đã lần lượt... kéo tới chỗ ngồi. Điều này làm cho người đứng đầu lúng túng và bối rối, “không lấy lại được bình tĩnh trong suốt ngày hôm đó. Nỗi thất vọng của ông vì thấy thiếu mất 9 cái quỳ lạy đã tác động sâu sắc đến tinh thần của ông đến nỗi ông tỏ ra rất trầm ngâm suy nghĩ, đánh giá về những người sĩ quan anh em của mình”.

Phái đoàn Anh đến Đà Nẵng ngày 24-5 và ngày 16-6 (2) thì dong buồm đi Trung Hoa, kết thúc hơn 20 ngày nghỉ chân với những khám phá thú vị về Đà Nẵng.

LÊ TIẾN CÔNG

(1) Chú thích của Nguyễn Thừa Hỷ trong Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793), NXB Thế Giới, 2008 (nguyên tác “A Voyage to Cochinchina, in the Years 1792 and 1793” của John Barrow, xuất bản tại London năm 1806). Thông tin trong bài viết được lấy từ bản chuyển Việt ngữ này.
(2) Tài liệu không ghi rõ năm 1792 hay 1793.

;
.
.
.
.
.