* Tôi nhớ đã đọc một tài liệu nói về sự hữu ích của điện thoại di động trong một số công việc quan trọng như gọi cấp cứu, cách “sạc” pin cấp thời mà không cần bộ sạc... Mong Đà Nẵng cuối tuần giới thiệu nội dung này. (Trần Miễn, Sơn Trà, Đà Nẵng).
- Không chỉ tiện lợi trong việc liên lạc hằng ngày, điện thoại di động (ĐTDĐ) còn có thể hữu ích trong một vài trường hợp khẩn thiết như giúp chúng ta cấp cứu khi gặp nạn.
Số gọi cấp cứu toàn cầu của ĐTDĐ là 112. Nếu bạn đang ở ngoài vùng hoạt động của ĐTDĐ của mình thì khi bạn bấm số 112, điện thoại sẽ tự động dò tìm bất cứ mạng lưới nào đang hoạt động trong vùng và chuyển số cấp cứu giùm cho bạn. Một điều rất khó tin là dù bàn phím của ĐTDĐ có bị khóa, khi bạn bấm 112 thì con số này vẫn hiện lên màn hình ĐTDĐ để bạn dễ dàng gọi đi.
Khi pin ĐTDĐ quá yếu, bạn có thể kích hoạt lại pin bằng cách bấm các phím *3370#. Ngay tức khắc, ĐTDĐ sẽ “xuất kho” điện năng dự trữ giúp cho pin tăng thêm 50% điện năng. Tới khi bạn có điều kiện “sạc” lại pin thì kho dự trữ điện năng cũng sẽ sạc lại luôn.
Nếu bạn sử dụng ô-tô có hệ thống khóa điện điều khiển từ xa (Remote Keyless Entry - RKE) thì ĐTDĐ sẽ giúp bạn đỡ phải phiền toái khi bỏ quên RKE trong xe. Lúc đó, bạn hãy bình tĩnh, không phải nhờ người chạy về nhà mang RKE đến để “giải nguy” cho bạn. Nếu bạn để RKE dự phòng ở nhà thì hãy dùng ĐTDĐ gọi về. Sau đó bạn hãy cầm điện thoại đứng cách xa cửa xe khoảng 30cm rồi yêu cầu người nhà của bạn lấy chiếc RKE dự phòng đặt gần điện thoại của họ và bấm vào nút unlock. Như trong thần thoại, câu thần chú “Vừng ơi, mở cửa ra” sẽ ứng ngay vào trường hợp của bạn: Cửa xe sẽ mở! Dù bạn đang ở cách nhà vài trăm mét hay cả trăm dặm thì khoảng cách không thành vấn đề, miễn sao ở nhà bạn có người nhận điện thoại và bạn có để chìa khóa “remote” của xe ở nhà.
Tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới
* Quyển tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới đã ra đời như thế nào? (Nguyễn Mỹ Châu, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Đó là tiểu thuyết “Chuyện kể về Genji”, được một phụ nữ người Nhật viết vào năm 1007. Tác giả đã bỏ ra... 75 năm mới hoàn tất cuốn tiểu thuyết này, nó có trên 350 nhân vật khác nhau và rất nhiều bài thơ lãng mạn, kể về con trai một vị hoàng đế đi tìm kiếm tình yêu của mình với những người phụ nữ mà anh ta gặp trên đường.
Tác phẩm này được cho là của một người phụ nữ quý tộc người Nhật tên là Murasaki Shikibu.
Lính lê-dương
* Trong thời chống Pháp, thường nghe nói đến lính lê-dương. Xin cho biết lê-dương có phải là từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp? (Lê Văn Hoài, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Lê-dương (hoặc lê dương) là từ Việt hóa của từ tiếng Pháp légionnaire. Đó là lực lượng quân đội đặc biệt, gồm những tên lính đánh thuê, chủ yếu được một số quốc gia, kể cả một số cường quốc Tây phương, sử dụng trong việc chinh phạt các thuộc địa.
Lính lê-dương tự nguyện đánh thuê cho Pháp là những người nước ngoài, phần lớn thuộc thành phần nghèo đói hoặc bất hảo. Ngày 18-11-1883, một đội quân lê-dương, gồm 600 tên, đã đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, đánh chiếm các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Tuyên Quang và Lạng Sơn. Sau đó, trong suốt mấy chục năm đô hộ Việt Nam, trong hàng ngũ lính Pháp, bao giờ bọn lính lê dương cũng có mặt và gieo rắc không biết bao nhiêu kinh hoàng cho dân chúng.
ĐNCT