Đà Nẵng hiện có 713.350 người tham gia các loại hình BHYT, chiếm 75,72% dân số toàn thành phố. Đây là một trong những thuận lợi để Đà Nẵng có thể thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2012.
Số người chưa tham gia BHYT ở Đà Nẵng vẫn còn đến 228.000 người; trong đó chủ yếu là người lao động tại các doanh nghiệp (62.000 người); học sinh, sinh viên (78.000 người), người thuộc hộ gia đình làm nông-lâm-ngư nghiệp, thân nhân của người lao động, xã viên HTX, hộ kinh doanh cá thể (88.000 người). Đặc điểm cơ bản của số đối tượng này là kinh tế gia đình khó khăn, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh, nhận thức về chế độ chính sách BHYT còn nhiều hạn chế…
Để khắc phục thực trạng trên, hướng đến mục tiêu BHYT cho toàn dân vào năm 2012 (trước 2 năm so với quy định của Luật BHYT), một số giải pháp chủ yếu đã được đề ra tại hội thảo do Sở Y tế và BHXH thành phố đồng chủ trì tổ chức ngày 22-6 vừa qua với sự tham gia của các đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố, UBND các quận, huyện, một số cơ sở khám chữa bệnh và Đại học Đà Nẵng. Cụ thể như sau:
1- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Luật BHYT, làm cho những người chưa tham gia BHYT nắm bắt được quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHYT. Cần chú trọng đến nhân dân vùng núi, nông thôn, ngư dân, người lao động làm việc trong các thành phần kinh tế tư nhân.
2- Ngành BHXH cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến BHYT, bảo đảm phục vụ kịp thời việc cung cấp thẻ BHYT, tạo thuận lợi cho đối tượng tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh. Ngành Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tăng cường nhân lực, nâng cao y đức, chất lượng khám chữa bệnh, vì mục tiêu “Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh BHYT”, toàn ngành Y tế cần tiếp tục phát động phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
3- Các địa phương, ban, ngành và đoàn thể các cấp cần xem việc thực hiện BHYT toàn dân là một trong những nhiệm vụ của đơn vị mình; tùy theo chức năng quản lý của mình làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời giám sát quá trình thực hiện pháp luật BHYT để có kiến nghị, đề xuất kịp thời trong các hội nghị giao ban của UBND từng cấp, nhằm phối hợp giải quyết những vướng mắc, tồn tại của chế độ, chính sách quy định về BHYT.
4- Ngoài Trung tâm Phụ sản - Nhi thành phố (Bệnh viện 600 giường) đã đưa vào sử dụng, Bệnh viện Ung thư đang trong quá trình xây dựng, nên chăng thành phố cần quan tâm đầu tư xây dựng thêm từ 1 đến 2 bệnh viện có từ 400 đến 500 giường, vì thực tế hiện nay đã có thời điểm 1 giường có đến 3 - 4 bệnh nhân nằm điều trị. Đến năm 2012, nếu toàn dân đều tham gia BHYT (tăng thêm trên 200.000 người) thì với số bệnh viện như hiện nay trên địa bàn thành phố sẽ khó đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT.
Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền cùng một số giải pháp nêu trên thì may ra đến năm 2012, thành phố Đà Nẵng sẽ thực hiện được mục tiêu BHYT cho toàn dân.
Nguyễn Tân