.

Để mùa hè có ý nghĩa

.
Kết thúc năm học, nhiều sinh viên (SV) khăn gói về quê. Nhưng cũng không ít bạn ở lại để thực hiện một mùa hè thật sự ý nghĩa.

Làm thêm và mức lương hấp dẫn

Mô tả ảnh.
Trương Thị Yến, SV Trường CĐ Lương thực thực phẩm đang bán hàng trong Siêu thị Big C.
Dù đã thi kết thúc học kỳ hai từ giữa tháng 5, nhưng đôi bạn Đình Hiếu, Văn Toàn, SV Trường ĐH Duy Tân vẫn ở lại thành phố để đi làm thêm tại Công ty TNHH Kiến Việt (187 Núi Thành). Không riêng Hiếu và Duy, đa số SV sắp ra trường đều dành những ngày hè tìm việc làm sát chuyên ngành hoặc những công việc rất… SV như gia sư, tổ chức sự kiện, thiết kế.

Vào thời điểm này, việc làm cho SV phong phú và mức lương được coi khá hấp dẫn. Những bạn phụ bán cà-phê gần các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng có thể kiếm 600-700 nghìn đồng/tháng. Những ngày đông khách, người phục vụ còn được bồi dưỡng một khoản tiền tương xứng. Phụ hồ cũng đang là nghề “hot” với một số nam sinh. Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Xuân Tiến, ĐH Sư phạm chấp nhận dầm mưa dãi nắng ngoài công trường, bù lại các bạn được nhận 100-110 nghìn đồng/ngày. Số tiền này được coi như vị “cứu tinh” vào học kỳ tới. Nguyễn Ngọc Trà Giang, CĐ Kinh tế Kế hoạch thì may mắn tìm được công việc đúng chuyên môn, lại có mức thu nhập kha khá. Giang cho biết: “Mình học Kế toán Tài chính nên làm kế toán là hên lắm rồi. Đã vậy, kể cả tiền bồi dưỡng, mình nhận được 1,7 triệu đồng/tháng”.

Không chỉ vì tiền

Mô tả ảnh.
Nhiều việc làm cho SV trong dịp hè.
Có rất nhiều lý do để SV ở lại tìm việc làm thêm. Ngoài nhu cầu trang trải học phí thì lận lưng đôi chút vốn sống, không muốn bỏ phí thời gian hay thích trải nghiệm những cảm giác mới lạ cũng là điều khiến họ chọn cách sống bận rộn trong dịp hè. Nguyễn Văn Cường tâm sự: “Quê mình ở tận Hà Nam, ra vào mất khối tiền mua vé xe nên mình ở lại vừa đỡ chi phí vừa có đồng ra đồng vào”. Cô bạn Nguyễn Thị Duyên, ĐH Sư phạm lại xin vào làm tại nhà sách Nhất Nam bởi… yêu sách, ham mê đọc sách và thú vị khi tự tay tìm những đầu sách hay cho khách hàng. Trong khi đó, Nguyễn Quang Luận, ĐH Bách khoa rất ý thức trách nhiệm là con trai lớn trong nhà. “Chắc chắn nay mai phải tự mình vươn lên thôi, đằng nào cũng phải ra ngoài kiếm tiền, chi bằng bây giờ tự mình tập luyện cho rồi”, Luận nói.

Nhiều SV khác ở lại làm thêm chỉ vì muốn kéo dài thời gian bên… người yêu. Nguyễn Văn Chân, CĐ Công nghệ Thông tin Đà Nẵng cho biết: “Trong mấy năm học tập tại Đà Nẵng, bạn bè chưa kịp hiểu nhau, tình cảm và kỷ niệm cũng không có mấy, nên mình muốn ở lại hè này để được ở bên các bạn thêm một thời gian nữa. Mình cũng đang có một tình yêu đẹp và không có lý do gì không tận dụng ngày hè để ở gần nhau nhiều hơn”.

Sôi động “mùa tình nguyện”

Cuối tháng 6, đầu tháng 7 là khoảng thời gian sĩ tử ở các vùng miền đổ về thành phố dự thi, công việc của các tình nguyện viên là đón sĩ tử ở bến xe, tư vấn nhà trọ, chỉ dẫn địa điểm thi… Tuy có vất vả nhưng SV đã “tranh” phần đăng ký, hy sinh cả một kỳ nghỉ hè.

Trần Thị Hồng Kim, khoa Văn, ĐH Sư phạm vui vẻ cho biết: “Cứ nghĩ tới cảnh được mang áo xanh tình nguyện ra đón và tư vấn cho thí sinh là mình vui lắm, không cần biết có mệt hay không”. Trong khi đó, với nhiều SV năm ba, năm tư được làm giám thị vào mùa thi là một niềm hãnh diện.

Không sôi động như các tình nguyện viên khác, SV Lê Đình Vũ quê ở Hà Tĩnh âm thầm ở lại thuê nhiều phòng trọ để đón những thí sinh không tìm được chỗ ở hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Vũ thủ thỉ: “Mình thấy năm nào chuyện nhà trọ cho thí sinh cũng “nóng” cả. Thế nên dành dụm được ít tiền, mình thuê những phòng trọ mà SV trả về nghỉ hè cho thí sinh vào dự thi ở, khả năng đến đâu thì mình giúp đến đó thôi”.

Trần Hiền – Đức Thọ
;
.
.
.
.
.