.

Đi mua bóng mát

.

Chẳng có gì phải thảng thốt nếu một sáng thức giấc, trong nháy mắt, bạn nhìn thấy trước quán cà-phê, nhà hàng hay biệt thự bỗng nhiên xuất hiện một bóng xanh tươi tốt. Chỉ cần có tiền, người ta không những tậu được cây, mà còn mua được cả quãng thời gian dài đằng đẵng của bao mùa thay lá.

Mô tả ảnh.
Người thành thị “khát” bóng mát.

 

Đổi mốt xoành xoạch

Cây chẳng khác áo quần thời trang. Người mua cây cũng không thua dân đuổi theo mốt là mấy. “Model” cây xanh thay đổi xoành xoạch.

Theo chân một chủ quán cà-phê tìm mua cây tạo bóng mát, chúng tôi rảo vài nhà vườn quanh hai đầu cầu Tiên Sơn. Tại vườn ươm của ông V.T số lượng cây sưa chiếm chủ yếu. Công việc vận chuyển diễn ra liên tục, gấp rút. Biết ý chủ quán cà-phê cần sưa cho mặt tiền rộng 20 mét, ông V.T tư vấn nên mua cây già, cao và nhiều tầng tán. “Như vậy mới “thấy cây”, chứ đặt thứ nhỏ quá sẽ không đẹp. Tuy nhiên với từng ấy tiền vẫn có thể mua nhiều cây ít tuổi, giá thành thấp, tương lai cho hàng cây rậm rạp”, ông T. nói.

Ngoài sưa, tại đây còn có các cây lâu năm khác như phượng vĩ, bằng lăng, v.v... Chủ quán cà-phê nhìn một lượt rồi đưa ra quyết định: “Mấy loại khác thấy bạc bạc, không “mạnh”, quán mình mà đặt hai cây sưa cổ thụ vô chắc khách hết hồn”. Một thời, anh chủ quán này từng mê lộc vừng. Nhưng giờ, đi đến đâu cũng thấy “trưng” sưa, anh lại chuyển gu. Theo ông V.T, sưa đang lên ngôi.

Ông Lê Văn Anh, chủ vườn tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu lại cho rằng, sưa vẫn đứng sau sanh. Cây sanh nằm trong hệ tứ linh, thể hiện sự trường tồn, lại thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết khí hậu khác biệt nên dễ chăm sóc. Đó là lý do sanh rất được chuộng. Còn những người phụ việc tại vườn ông Hiệp (đường 2-9) thì nhận định: “Nói chung cứ cây lâu năm, tạo nhiều bóng mát là người ta mua tuốt”.

Trên thực tế, cây nào đang “hot” không phụ thuộc hoàn toàn vào việc nó mát ít hay nhiều hơn, mà do thị hiếu, thẩm mỹ người mua và phong cách từng nơi. Quán theo hình thức chân quê thích xoài, mít, mận, ổi. Quán hiện đại thể hiện qua những cây quý, hiếm. Nếu tại các điểm buôn bán vỉa hè, cà-phê cóc, trứng cá và bàng vẫn là “sự lựa chọn hoàn hảo”, thì hai loại cây này bị đưa vào danh sách “đen” ở các tụ điểm sang trọng. “Chúng tôi chọn cây phải bảo đảm các tiêu chuẩn: Đẹp, mát, ít rụng lá và… thời trang”, chủ quán cà-phê cho hay.

Cây càng già, hương càng đượm

 

Mô tả ảnh.
 Mua bóng mát thiên nhiên về sân nhà.

Để “mua” chừng 80 năm cho cây vươn mình đâm cành, trổ nhánh, khách hàng chỉ cần một cái chỉ tay và nửa tháng đợi cây ổn định trên đất mới. Theo các chủ vườn, việc bảo hành kéo dài 6 tháng, nhưng chỉ cần 15 ngày kể từ khi trồng, cây vẫn xanh tốt là có thể yên tâm. Không riêng người mua thiếu kiên nhẫn, nhiều chủ vườn cũng chọn giải pháp mua qua, bán lại cây to thay vì ươm cây con đợi ngày thu hoạch. Theo họ, chăm một cây non như nuôi đứa trẻ sơ sinh. Đã vất vả lại không đem lại hiệu quả kinh tế cao như cây lớn. Chăm cây còn khó hơn… chiều vợ. Cây cũng cần được nâng niu, thuốc men những lúc trái gió trở trời. Vài ba ngày, người trồng phải quay tới nhà khách thăm nom trong quá trình cây vừa được chuyển chỗ ở.

 

Nếu 60 năm được ví như một đời người, thì cây cũng được lên “chức” cổ thụ khi đạt 50, 60 tuổi. Cách xác định tuổi của cây phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, lắm khi do con người tự “khai sinh”. Một người làm nghề buôn bán cây cho biết, cây dưỡng trong vườn từ nhỏ có thể được biết đích xác tuổi tác, những cây mang từ rừng về, nếu không là chuyên gia hoặc có thiết bị thì rất khó nói tuổi, có chăng là… hô bừa. Tuy vậy, độ già, non của cây có thể được cảm nhận qua thính giác của người giàu kinh nghiệm. Mùi hương cũng phần nào cho biết mức già cỗi của cây. Cây càng già, hương càng đượm. Tuy vậy, chính người xuất thân từ dân làm nông, lại có 10 năm lăn lộn trong nghề này như ông Anh cũng có lúc mua phải cây… hết date. Ông dẫn người viết đi tham quan cây sung đang… chết để minh chứng: Cây có hạng tuổi nhất định, xui xẻo thì mua trúng loại đã tới số.

Cây lâu năm được bày bán nhiều tại các nhà vườn có độ tuổi trung bình từ 10 đến 100 năm. Các chủ vườn phải săn lùng khắp các địa phương, khu vực khác nhau. Có khi, họ về nông thôn mua lẻ tẻ. Nếu may mắn gặp chỗ giải tỏa, chủ vườn sẽ mua được cây ăn trái giá rẻ. Từ những cây đã được thiên nhiên nuôi sẵn, người buôn chỉ cần bỏ thêm công sức “tuốt” cho mượt để bắt mắt khách hàng. Nói vậy nhưng xem ra công việc nối dài đời sống cho cây cũng không hề đơn giản.

Giá của bóng mát

 

Mô tả ảnh.
Ông Anh: “Dân làm vườn tụi tôi ở phố nhưng dám chắc cực hơn nhà quê…”.

Làm việc trên mảnh đất hàng nghìn mét vuông, mở miệng ra là nói chục triệu, trăm triệu, nhưng mấy ông chủ vườn chẳng ra dáng nhà giàu. Ông nào cũng đen nhẻm, đầu đội nón lá, quần áo nhễ nhại mồ hôi, đầu tắt mặt tối hơn cả công nhân chuyên tưới nước, bón phân. Họ thừa nhận làm nông “kiểu phố” cực hơn cả người nhà quê.

 

Cây giống sách cũ ở chỗ “mua của người chán, bán cho người nghiền”. Thi thoảng dân buôn trúng mánh cũng nhờ vậy. Nhưng gặp “quả đậm” không nhiều, vì sự cạnh tranh giữa các nhà vườn rất lớn. Người mua lui tới tham khảo giá cả đủ nơi, không dễ ăn tiền ở họ. Chủ yếu vẫn là mua 9, bán 10.

Chỉ vào cây mận đang được ươm gốc, ông Anh tính toán: Tôi mua tại nhà người ta 2 triệu đồng, chừ bán lại 5 triệu. Trong 3 triệu chênh lệch, thực chất, tiền đào gốc hết 600 nghìn, cẩu 700 nghìn, rồi mua cây chống, đinh, phân, thuốc tăng trưởng… đủ các thứ. Riêng ục đất đủ chuẩn bỏ cây vào phải mất 300 nghìn đồng.

Dân làm vườn định giá một cái cây dựa vào thế, tuổi và mốt. Năm nay, cây sưa giá thấp nhất từ  2,5-10 triệu đồng/cây, tương đương với mức 7-30 năm. Các loại hay rụng lá, bị dân nhiều tiền “chê” thì đứng vài triệu đồng cho một cây hàng chục tuổi. Dù với mục đích lấy bóng mát, người mua cũng khá cầu kỳ xem thế cây. Cây có dáng thẳng đơ thường có giá thấp hơn những cây “ẻo lả”. Thế cây đẹp và hạp hướng làm ăn được giới kinh doanh lùng sục. Có nhà được phán phải trồng cây khế ngay giữa sân mới ăn nên làm ra. Có người mua cây lại chú trọng độ mát tay của người trồng. “Tôi mạng mộc, rứa mới trồng cây sống được. Mạng hỏa đụng vô cây dễ chết lắm. Một số đại gia tới tận đây mời tôi về thiết kế nguyên cái vườn cho họ vì biết tôi hạp”, một chủ vườn ươm nói.

Người chủ cà-phê đưa tôi đi cùng cho biết, những quán dạng sân vườn, lấy cây làm chính, chi phí cho cây xanh chiếm một phần rất lớn trong tổng mức đầu tư. Anh ví dụ, nếu bỏ tổng cộng 500 triệu đồng làm quán, thì riêng cây hết 200 triệu. Đó là chưa kể số cây được người quen tặng hoặc bán giá hữu nghị. Với những quán lấy loại cây nào đó làm chủ đề họ có thể chi mạnh tay cho một cây duy nhất.

Không riêng những nơi phục vụ giải trí, nghỉ dưỡng mới “chạy” theo cây lâu năm, ngay cả… cây xăng cũng không tiếc tiền “chơi” thứ này. Trước cửa hàng xăng dầu số 2, Công ty TNHH Nhật Khánh (trục đường Duy Tân, Nguyễn Hữu Thọ), nhiều người đi đường tỏ ra tò mò về 7 cây lộc vừng cổ thụ được chủ nhân cất công vận chuyển từ Gia Lai về. Mỗi cây có giá gốc 35-40 triệu đồng. “Nhiều khách khen đây là cây xăng đẹp nhất Đà Nẵng”, anh Nguyễn Đức Khoa, người quản lý cửa hàng tự hào. Cũng theo anh Khoa, doanh nghiệp dám chấp nhận “vung tay” cho những cây lâu năm bề thế, xanh tốt, bởi nó thể hiện sự thịnh vượng, trù phú.

Nếu ai đó nghĩ rằng, chọn cây cảnh để chơi mới đòi hỏi sự kỳ công, còn “ba cái cây” che nắng chỉ cần thân bự, lá rậm, tán to là đủ, có lẽ họ nhầm to!

THU HOA

;
.
.
.
.
.