.

Di tích vùng quy hoạch

.

Khi nhắc đến cái hồn của một thành phố người ta thường nghĩ về quá khứ của nó. Trong quá trình đô thị hóa, không ít di tích trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng. Nhiều di tích văn hóa đã bị san lấp, thu hẹp không gian và giải tỏa.

Quy hoạch đô thị xâm hại di tích

 

Mô tả ảnh.
 


Vượt qua bãi đất trống đầy bụi của dự án Khu đô thị mới Nam cầu Tiên Sơn, chúng tôi đứng trước Di tích Khu căn cứ cách mạng (CCCM) K20 ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn nằm lọt thỏm giữa một vùng đất trũng.

 

 

Giám đốc Trung tâm Quản lý Di sản Văn hóa thành phố Hồ Tấn Tuấn: Phải có cái tình đối với văn hóa.
Không ít nhà quy hoạch chạy theo lợi nhuận, tiết kiệm đất để phân lô bán nền nên ít quan tâm đến di tích văn hóa. Điều này đã tác động rất lớn đến việc bảo tồn di tích nằm trong vùng quy hoạch. Quy hoạch hỏng có thể làm lại, nhưng di dời một di sản văn hóa trên 200, 300 năm thì rất khó làm lại bởi trong đó gắn bó biết bao mồ hôi, nước mắt, kỷ niệm của nhiều thế hệ. Người làm quy hoạch phải là người có tâm hồn nghệ sĩ, có tâm hồn văn hóa, thì khi quy hoạch mới không để mất di sản, mất văn hóa.

Ông Huỳnh Trưng (78 tuổi), mở nắp miệng hầm bí mật nằm ngay dưới gian nhà thờ: “Hồi chiến tranh, vùng này có khoảng 200 hầm liên hoàn. Sau giải phóng, người dân bỏ đi hết nên các hầm đều dần bị hư hại. Đây là một trong những căn hầm nuôi giấu cán bộ, thương binh từ những năm 1968-1975 còn sót lại ở khu di tích này. Hiện miệng và bản lề hầm đã bị gãy. Do nằm ở vùng thấp trũng, nên vào mùa mưa, nước lụt chảy vào làm cho hầm ngày càng xuống cấp”.

 

 

Sau khi dự án xây dựng Khu đô thị mới Nam cầu Tiên Sơn triển khai đổ đất, san lấp mặt bằng cả một vùng rộng lớn ở cánh đồng Đa Mặn, nhà thờ tộc Nguyễn Văn - 1 trong 6 điểm thuộc di tích Khu CCCM  K20 - bị bao bọc bởi một khối lượng đất đắp cao khoảng 4m sát đến chân tường rào khuôn viên nhà thờ. Di tích trở thành một khu lõm sâu. Một phần tường rào (khoảng 1m) ở góc Đông Bắc bị nứt đổ. Trước sự xâm phạm nghiêm trọng của dự án, ngày 18-5-2011, Hội đồng gia tộc Nguyễn Văn - Đa Mặn K20 đã gửi đơn kêu cứu lên Sở VH-TT&DL thành phố.

Về hiện trạng di tích Khu CCCM K20, ông Trần Văn Sinh, Trưởng phòng VH&TT quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Ngoài Danh thắng Ngũ Hành Sơn thì đây là di tích quốc gia thứ 2 trên địa bàn quận. Dự án Khu đô thị mới Nam cầu Tiên Sơn đã làm cho khu di tích này càng nằm sâu trong vùng trũng. Việc trùng tu, tôn tạo khu di tích này rất khó khăn vì các hầm bí mật nằm sâu dưới lòng đất. Nếu nâng di tích ngang với cốt nền của dự án thì mất giá trị, còn để nguyên hiện trạng thì sẽ bị ngập nước vào mùa mưa. Không chỉ di tích Khu CCCM K20 mà hiện nay chứng tích Mân Quang cũng đang có nguy cơ tương tự vì phường Hòa Quý cũng nằm trong diện quy hoạch hầu như toàn bộ”.

Tại quận Liên Chiểu, việc quy hoạch để mở rộng KCN Hòa Khánh đã di dời, giải tỏa di tích Văn Thánh Xuân Thiều. Di tích này trước đây thuộc phường Hòa Hiệp Nam được đăng ký bảo vệ theo Quyết định số 6019/QĐ-UB ngày 7-10-1999 của UBND thành phố. Do không điều chỉnh được thiết kế, Công ty Phát triển và Khai thác cơ sở hạ tầng KCN Đà Nẵng đã xin ý kiến UBND thành phố di dời giải tỏa di tích này về khu vực miếu Hàm Trung sau khi các bên có liên quan thống nhất. Đồng thời giữ nguyên trạng di tích miếu Hàm Trung, hình thành một cụm di tích lịch sử-văn hóa.

Nhưng, từ đó đến nay, đơn vị thi công dự án vẫn chưa xây dựng lại di tích Văn Thánh Xuân Thiều. Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm quản lý di sản văn hóa thành phố trăn trở: “Hiện vùng Nam Ô và làng Vân ở quận Liên Chiểu là những khu vực mà chúng tôi đang quan tâm. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử với nhiều giếng cổ, mộ cổ, miếu bà… nằm trong vùng quy hoạch đầu tư khu  du lịch”.

Phải giữ cho được di tích

Cũng nằm trong vùng quy hoạch giải tỏa mặt bằng để xây dựng Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, cụm di tích đình làng Lỗ Giáng và nhà thờ Tiền hiền đã được hạ giải và đang trong quá trình xây dựng mới. Đứng trước cổng tam quan, ông Nguyễn Được, Phó Trưởng phòng VH&TT quận Cẩm Lệ cho biết: “Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật của Phân viện Khoa học Công nghệ miền Trung, hiện cổng tam quan đã được kích nâng lên 2,13 mét so với cao trình hiện trạng. Những phần tường, vữa trát, phù điêu trang trí... đã  hạ giải để tu bổ lại theo nguyên gốc”.

Mô tả ảnh.
Ông Hồ Vọng cùng với những gì còn sót lại của đình Lỗ Giáng và  nhà thờ Tiền hiền đang được lưu giữ.

“Chúng tôi rất vui vì thành phố đã giữ lại được cổng tam quan”. Những gì còn sót lại của nhà thờ Tiền hiền như liễn, đối, văn bia… gắn trong đình được viết bằng chữ nho và có cả bản dịch đều đang được cất giữ”, ông Hồ Vọng, Trưởng ban Quản lý đình Lỗ Giáng lộ vẻ hài lòng.

Trong chuyến khảo sát, nghiên cứu đình làng Lỗ Giáng năm 2001, cố nhà sử học Trần Quốc Vượng khẳng định, đây là ngôi đình cổ nhất của miền Trung và bằng mọi giá phải giữ lại cho được di tích này. Ngôi đình đã được xếp hạng di tích cấp thành phố năm 2007. Ông Vọng tự hào chỉ cho tôi xem sắc phong, vật linh thiêng nhất của ngôi đền: “Đây là 18 sắc phong của vua Nguyễn. Nhà vua còn tặng cho làng 4 chữ “Mỹ tục khả gia”, nghĩa là làng có truyền thống tốt đẹp”.

5 năm, có 14 di tích được trùng tu tôn tạo:
Thành phố Đà Nẵng có 16 di tích cấp Quốc gia, 37 di tích cấp thành phố và gần 200 di tích đã được kiểm kê. Từ năm 2006 đến năm 2010 đã có 14 di tích (đã được xếp hạng) được trùng tu tôn tạo, với kinh phí ước khoảng 29 tỷ đồng. Trong năm 2011, tiếp tục trùng tu các đình Phong Lệ, đình Dương Lâm, di tích Khu CCCM K20 và chuẩn bị đầu tư trùng tu các đình Khuê Bắc (quận Ngũ Hành Sơn) và đình Đại La (huyện Hòa Vang) với tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng.
 (Nguồn: Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng)

Sau khi hạ giải đình Lỗ Giáng và nhà thờ Tiền hiền, đơn vị thi công sẽ xây dựng mới di tích này bao gồm cả nhà phục vụ đình làng, nhà truyền thống đón tiếp, nhà phục vụ sinh hoạt cộng đồng, cổng chính, cổng phụ, tường rào, công trình công cộng, hồ nước, giao thông sân bãi… Theo ông Hà Vỹ, Trưởng phòng Kế hoạch-Đầu tư, Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng, thời gian hoàn thành các công trình này có thể kéo dài hơn 2 năm. Trong 6 tháng cuối năm, Sở VH-TT&DL sẽ tiếp tục tiến hành trùng tu di tích Khu CCCM K20, trong đó tập trung tôn tạo các hầm bí mật, các ngôi nhà có hầm bí mật, cảnh quan, hệ thống tiêu thoát nước, nhà trưng bày… Sở cũng đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan ngừng tất cả các hoạt động có liên quan hoặc có ảnh hưởng tới di tích nhà thờ Tộc Nguyễn Văn cho đến khi có quyết định cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm tránh sự ngập úng cho di tích trong mùa mưa bão sắp tới. 

Trước đó, vào ngày 6-6-2011, Sở cũng đã có tờ trình gửi lên UBND thành phố yêu cầu Công ty Phát triển và Khai thác cơ sở hạ tầng KCN Đà Nẵng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 6434/UB-VP của UBND thành phố về việc xây dựng lại di tích Văn Thánh Xuân Thiều.

Trong chiến dịch quy hoạch lại thủ đô Paris vào những thập niên cuối thế kỷ trước, Tổng thống Pháp François Mitterrand đã phát biểu:“…Quá khứ chỉ lưu lại trong đô thị di sản của sự biết toan tính lo liệu trước. Ta hãy tôn tạo nó, vì tương lai không thể tự đến mà ta phải chuẩn bị cho nó… Không có một công trình đền đài nào lại chỉ có mục đích sử dụng đơn thuần. Tất cả các công trình đó đã ghi dấu ấn vào không gian và thời gian một ý tưởng nào đó về sự hữu ích, về cái đẹp, về cuộc sống ở đô thị và cả về mối quan hệ giữa người với người”. Đứng giữa những di tích đang bị xâm hại bên cạnh những khu phố mới hiện đại, câu nói này thực sự đã ám ảnh tôi.

Đoàn Lương

;
.
.
.
.
.