Mới đây, sau khi tiến hành khảo sát tình hình cũng như nguyện vọng của những hộ đặc biệt nghèo (HĐBN) nhằm có giải pháp hỗ trợ họ vươn lên thoát nghèo bền vững, hầu như các hộ gia đình của huyện Hòa Vang đều có nguyện vọng được hỗ trợ... bò!
Thực tế đó cho thấy, bên cạnh việc mong muốn hỗ trợ bò là tài sản có số vốn lớn, có thể bảo đảm việc sinh lợi... thì việc lúng túng trong sinh kế là một vấn đề cần bàn đến khi đưa ra các giải pháp hỗ trợ tích cực cho HĐBN trong quá trình thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU, cũng như Đề án “Xóa hộ đặc biệt nghèo” giai đoạn 2011-2015. Theo ông Trần Đình Hồng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, sau khi có kết quả khảo sát ban đầu đó, lãnh đạo huyện đã quyết định tổ chức điều tra lại theo hướng tìm hiểu, tư vấn cho HĐBN giải pháp tốt nhất cho họ. “Không phải ở Hòa Vang chỗ nào cũng nuôi bò, hộ nào cũng nuôi bò. Vấn đề là phải tìm hiểu sâu sát để tư vấn, giúp đỡ các HĐBN có cách làm ăn tốt hơn hiện nay, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình. Có thể số vốn hỗ trợ sẽ lớn hơn con bò, chứ không chỉ dừng lại ở một hạn mức nào”, ông Trần Đình Hồng cho hay.
Bên cạnh đó, cũng cần phải tính toán đến những tác động của đời sống kinh tế-xã hội đến HĐBN nói riêng, hộ nghèo sau khi thoát HĐBN và hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố nói chung. Bởi, chỉ số giá tiêu dùng leo thang gần đây đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện các chính sách, giải pháp đối với HĐBN. Không những vậy, việc huy động sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... vào cuộc với chính quyền thành phố trong giai đoạn này cũng đang gặp khó khăn; nên cần đến sự tuyên truyền, vận động sẻ chia một cách tích cực nhất.
Ngay từ đầu năm, mặc dù gặp khó khăn, nhưng chính quyền thành phố đã quyết định bổ sung 1.000 HĐBN (nhóm 2) vào với 304 HĐBN (nhóm 1) để có chính sách hỗ trợ họ thoát nghèo một cách bền vững. Với việc bổ sung này, Mặt trận, các ngành, đoàn thể chính trị-xã hội, các địa phương bằng nhiều hình thức đã vận động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp hợp sức cùng nguồn lực Nhà nước, trực tiếp hỗ trợ cho 12.167 lượt HĐBN với tổng số 26.725 lượt nhân khẩu.
Tổng kinh phí cho việc hỗ trợ này từ đầu năm đến nay là hơn 12 tỷ đồng. Trong đó, có việc hỗ trợ xây mới 4 nhà với tổng kinh phí 157 triệu đồng, sửa chữa 21 nhà với tổng kinh phí 147,5 triệu đồng; hỗ trợ lắp đặt điện nước, công trình vệ sinh, phương tiện sinh hoạt; trợ giúp về kinh tế, phương tiện để HĐBN có điều kiện tổ chức sản xuất, tạo thu nhập vươn lên trong cuộc sống với 6 hộ được vay vốn để sản xuất kinh doanh, 75 hộ được hỗ trợ vốn làm ăn, 135 hộ được hỗ trợ phương tiện sản xuất kinh doanh với tổng kinh phí hơn 655 triệu đồng; tổ chức hướng dẫn cách làm ăn cho 133 lượt người, giới thiệu giải quyết việc làm cho 3 người. Nhờ việc hỗ trợ tích cực này, đã có 201 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ kết quả đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH thành phố, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai việc hướng dẫn, tư vấn HĐBN có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nhanh và đạt hiệu quả; thường xuyên theo dõi hiệu quả làm ăn của hộ nghèo thông qua hệ thống tổ tiết kiệm vay vốn, đồng thời ưu tiên tạo và giới thiệu việc làm cho lao động có nhu cầu; tư vấn và vận động lao động là HĐBN tham gia các lớp học nghề ngắn hạn miễn phí...
Hy vọng, cùng với các chính sách của thành phố, toàn xã hội sẽ tham gia tích cực hơn trong việc thực hiện các giải pháp hiệu quả trên tinh thần tạo phong trào thi đua sôi nổi giúp đỡ xóa HĐBN của thành phố trong năm nay, tạo điều kiện cho họ thoát nghèo bền vững.
Huyền Phi