.

Háo hức ngày tái hòa nhập cộng đồng

.

Suốt bao năm qua, người dân ở “ốc đảo” Hòa Vân không dám nghĩ đến một ngày thoát cảnh cô lập, cách biệt, thiếu thốn, mặc cảm dài đằng đẵng. Giờ, thì đi từ đầu đến cuối thôn, từ người già đến trẻ con, gương mặt ai nấy đều ngời lên niềm hạnh phúc. Một niềm hạnh phúc chấm dứt cuộc sống “đò giang cách trở”.

Mô tả ảnh.
Một góc thôn Hòa Vân.

 Những tháng ngày cơ cực

Thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) được hình thành vào năm 1968. Vào thời điểm ấy, mảnh đất này là nơi điều trị bệnh phong cho gần 70 bệnh nhân được chuyển ra từ trại phong Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Trong quá trình điều trị bệnh, nhiều người đã quyết định sinh sống luôn tại đây cho đến hôm nay. Mảnh đất này là quê hương thứ hai của họ....

Sau Hội nghị phục hồi chức năng người khuyết tật tháng 10-1997 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức tại Hà Nội, đã chính thức quyết định đưa mọi làng Phong trên cả nước tái hòa nhập với cộng đồng. Làng phong Hòa Vân – TP. Đà Nẵng là nơi đầu tiên của cả nước thực hiện quyết định đó. Tuy nhiên, con đường tái hòa nhập đó không đơn giản. Cuộc sống của người dân Hòa Vân vẫn đầy ắp những nhọc nhằn.

Do địa hình cách trở, muốn ra được thôn Hòa Vân thì chỉ còn cách cuốc bộ  theo tuyến đường sắt dọc đèo Hải Vân hoặc phải dùng thuyền vượt biển hơn nửa giờ đồng hồ. Vì vậy, so với các vùng đất khác trên địa bàn thành phố, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội ở Hòa Vân còn thiếu thốn trăm bề. Đã nhiều lần có dịp ra Hòa Vân, chúng tôi thấu hiểu hoàn cảnh khốn khó của người dân nơi đây. Và cũng có lần thấy lòng đau nhói khi nghe bà con kể về những chuyến vượt biển hoặc phải băng rừng cứu người mỗi khi có ai đó trong thôn đau ốm, sinh nở đột xuất.

Mô tả ảnh.
Được vào nơi ở mới, trẻ em thôn Hòa Vân không còn chịu cảnh thua thiệt so với bạn bè cùng trang lứa.

Bằng chất giọng buồn buồn, chị Lan, người dân trong thôn kể: Vào một đêm cách đây hơn 4 tháng, vợ anh Hiền đang mang thai chẳng may chuyển dạ đột ngột. Ngoài trời thì mưa gió ầm ầm, biển động dữ dội. Chiếc thuyền độc nhất trong thôn thì lại hỏng nằm bờ. Nhìn cảnh sản phụ ngày càng đau đớn quằn quại, ai cũng rơi nước mắt. Vậy là 5 người trong thôn dùng võng khiêng chị theo đường tàu vào đất liền để sinh nở. Sau hàng giờ đồng hồ băng rừng trong mưa gió, bước cao bước thấp, mọi người đưa chị đến Trạm Y tế phường Hòa Hiệp Bắc. Vừa đặt lên bàn đẻ, chị sinh ngay cháu bé. Lúc này, những người trong thôn mới thở phào nhẹ nhõm.

Chuyện nửa đêm lội bộ băng rừng đưa bà con trong thôn đi cấp cứu do đau ốm hay sinh nở với người dân Hòa Vân đã là chuyện thường xuyên xảy ra. Hồi tháng 5 vừa qua, do tuổi già sức yếu, ông Trần Ngọc Lạc lên huyết áp đột ngột, người mệt mỏi, khó thở. Tờ mờ sáng, bà con trong thôn xúm lại dùng võng tức tốc khiêng ông vào đất liền cứu chữa. Cũng may là kịp thời đưa đến bệnh viện, nên ông Lạc đã thoát khỏi cơn nguy kịch.

Để có cái ăn, cái mặc, hằng ngày những người phụ nữ trong thôn đi bộ hơn chục cây số vào đất liền để đi chợ, mua sắm các vật dụng trong gia đình. Bao năm qua, cái khó, cái nghèo dường như bám riết lấy cuộc đời họ. Bởi đa số người dân thôn Hòa Vân sinh sống chủ yếu dựa vào các nguồn trợ cấp xã hội, còn một số ít những gia đình có thanh niên trai tráng khỏe mạnh thì đánh bắt thủy hải sản gần bờ kiếm thêm thu nhập trong ngày.

Niềm mong mỏi đã thành hiện thực

Sau khi UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương đầu tư Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp tại thôn Hòa Vân và di dời người dân vào sinh sống tại khu dân cư mới, dường như tâm trạng người dân nghèo nơi đây ai cũng ngập tràn vui sướng. Giấc mơ thoát cảnh nghèo khổ, thiếu thốn sắp trở thành hiện thực đối với họ.

Anh Nguyễn Minh Hà (39 tuổi), sinh sống tại thôn Hòa Vân từ nhỏ cho đến nay. Trước đây, bố mẹ anh là người ở tỉnh Thừa Thiên-Huế vào đây điều trị bệnh phong và sinh sống luôn trong thôn. Bố qua đời, anh Hà cưới vợ và lập nghiệp luôn ở đây. Ngần ấy năm sinh sống trong thôn, hơn ai hết, anh hiểu rõ nỗi khó khăn, vất vả  của người dân nơi đây. Theo anh Hà, ngoài những thiếu thốn về đời sống vật chất, tinh thần, chuyện học hành của con em trong thôn là khó khăn nhất. Cả thôn chỉ có một trường tiểu học. Sau khi học xong, người dân nơi đây phải đưa con em vào đất liền gửi gắm nhà người quen để các cháu tiếp tục học lên cấp 2, cấp 3. Như gia đình anh chẳng hạn, vì không có chỗ gửi con, nên hằng ngày anh phải dùng ghe thúng chạy 4 lần chở cậu con trai đi học thêm, chuẩn bị năm học sắp đến cháu vào lớp 6. “Đời mình coi như bỏ đi, chủ yếu là tương lai con cháu sau này có cuộc sống sung sướng, ổn định, không phải chịu cảnh khổ cực như cha ông chúng nó là quý lắm rồi”, anh Hà nói. 

Đi từ đầu đến cuối thôn, hầu hết từ người già đến trẻ con đều  háo hức mong đợi ngày về nơi ở mới. Một ngày thật gần, họ không còn phải chịu cảnh sống cô lập trong mỗi mùa mưa bão nữa. Em Lan Vi, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Hải Vân, phân hiệu thôn Hòa Vân liến thoắng nói: Sắp đến con sẽ có thêm nhiều bạn bè mới. Được đi học thêm, được đọc nhiều sách báo, chơi nhiều trò chơi mới mà lâu nay ở trong xóm không hề có.

Mô tả ảnh.
Các tổ chức từ thiện-xã hội chuyển quà cứu trợ cho người dân Hòa Vân.

 Tương lai xán lạn

Theo số liệu thống kê, hiện thôn Hòa Vân có 134 hộ dân với 355 nhân khẩu. Trong một cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đã yêu cầu đến đầu tháng 12-2011, các cơ quan, ban ngành thành phố hoàn tất việc chuẩn bị và tiến hành di dời các hộ dân thôn Hòa Vân vào sinh sống tại khu dân cư Hòa Hiệp (kho Lào). Một số hộ gia đình không có người bị bệnh phong, hoặc các hộ thuộc thế hệ sau không bị di chứng sẽ được bố trí ở xen kẽ trong các khu dân cư khác. Riêng bệnh nhân phong sẽ được ở tại Khu điều dưỡng dành cho bệnh nhân phong.

Việc di dời người dân thôn Hòa Vân vào nơi ở mới là một chủ trương nhân đạo của các cấp chính quyền thành phố, là cơ hội làm xóa nhòa những mặc cảm, tự ti đối với những người bị bệnh phong lâu nay. Quan trọng hơn, các thế hệ trẻ là con em của những bệnh nhân này sẽ có điều kiện học hành, vui chơi, giải trí như bao trẻ em khác trên thành phố. Nguyện vọng của đa số người dân nơi đây là mong các cấp chính quyền thành phố tạo điều kiện thuận lợi để sau này họ có thể ổn định ngay cuộc sống, có công ăn việc làm.
Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, UBND quận đang tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành thành phố để đưa ra các giải pháp phù hợp hỗ trợ cho người dân thôn Hòa Vân di dời vào nơi ở mới. Quan điểm của UBND quận Liên Chiểu là nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

* Ông Phạm Tấn Xử, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc nhận định: Việc thành phố đầu tư dự án xây dựng thôn Hòa Vân trở thành khu phức hợp nghỉ dưỡng, du lịch, giải trí cao cấp sẽ tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội các khu đô thị vệ tinh trên địa bàn phường. Khi dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, thương mại, dịch vụ trên địa bàn phường sẽ phát triển mạnh, tạo điều kiện cho người dân vươn lên làm giàu.
* Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Vân bộc bạch: “Được vào nơi ở mới, học sinh ở thôn Hòa Vân sẽ không còn chịu cảnh thua thiệt nhiều thứ so với bạn bè cùng trang lứa, các em có điều kiện phát triển tốt hơn. Còn giáo viên nhà trường không phải chịu cảnh hằng ngày đi bộ hàng chục cây số đường rừng hoặc phải “cắm chốt” ở thôn để dạy học như trước đây nữa. 
Anh Thy

 

;
.
.
.
.
.