.

Hiểu đúng để biết quyền lợi

.

Đang khỏe mạnh, người nhà ông Nguyễn Hữu P., ở Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam đổ bệnh, đau sốt nhiều ngày, tự mua thuốc uống không khỏi, ông P. đưa người bệnh ra Bệnh viện Đà Nẵng khám. Qua nhiều lần khám, xét nghiệm, bác sĩ kết luận người bệnh bị ung thư, giai đoạn đầu. Mọi giấy tờ, thủ tục nhập viện ông P. nộp đủ cho bệnh viện, nhưng lúc đó ông mới té ngửa là thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) của người bệnh mới mua cách đây 4 tháng…

Mô tả ảnh.
Trung tâm Y tế Hải Châu quá tải, khiến một số người dân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT phải đứng, ngồi chờ đến lượt khám.

 

Tiếc, vì chưa nắm rõ luật

Dù trước đó người nhà ông P. đều mua BHYT đều đặn hằng năm, nhưng cuối năm vừa rồi do bận làm nhà, thẻ hết hạn nhưng anh này không có thời gian đi mua lại, lại chủ quan mình không có bệnh gì nghiêm trọng, cứ để từ từ. Bây giờ bị bệnh, cả nhà ông P. mới biết là thời gian mua thẻ BHYT bị gián đoạn gần 2 tháng, thời gian mua thẻ mới lại chưa đủ 180 ngày nên người bệnh không được hưởng các chi phí kỹ thuật cao trong điều trị ung thư. Dù đã được bác sĩ giải thích, ông P. vẫn cầm đơn đến nhờ cơ quan Bảo hiểm “can thiệp” hộ. Đến khi được giải thích cặn kẽ, ông mới hiểu là luật đã quy định cụ thể, chỉ vì người nhà ông không nắm rõ luật, lại chủ quan nên một số quyền lợi trong chữa bệnh bị gác lại.

Bà Trần Thị Lý, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thành phố Đà Nẵng cho biết, nhiều trường hợp mua thẻ BHYT không liên tục, hoặc đến khi nằm viện mới chạy đi mua thẻ mong được bảo hiểm thanh toán chi phí khám chữa bệnh, khi không sử dụng được thẻ lại làm đơn nhờ can thiệp, nhưng cơ quan bảo hiểm cũng không thể giúp người bệnh trái với quy định của luật dù rất thông cảm với hoàn cảnh của từng bệnh nhân. Khi Điều 16, Luật BHYT quy định giá trị sử dụng của thẻ đối với người tự nguyện tham gia là tính từ ngày đóng BHYT, nếu đóng liên tục kể từ lần thứ hai trở đi; sau 30 ngày đóng BHYT lần đầu hoặc đóng không liên tục; sau 180 ngày đối với hưởng quyền lợi dịch vụ kỹ thuật cao; thẻ có giá trị sử dụng đến 72 tháng tuổi đối với trẻ dưới 6 tuổi và đến năm 2014 thẻ BHYT phải có ảnh…

Với một số trường hợp như sử dụng thuốc điều trị ung thư và chống thải ghép ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế nhưng đã được phép lưu hành tại Việt Nam, người bệnh phải thanh toán 50% chi phí. Trường hợp người nhà ông P. khi điều trị bệnh ung thư nhưng không được thanh toán chi phí khám chữa bệnh, là do không đúng với luật quy định: sử dụng thuốc điều trị ung thư và chống thải ghép ngoài danh mục với người tham gia BHYT liên tục từ đủ 36 tháng trở lên…

Quan tâm đến quyền lợi người dân

Nhiều quy định của Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung) được áp dụng gần 2 năm nay quan tâm đến quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT và được đánh giá là “thông thoáng, dễ thở” cho chính người bệnh cũng như bệnh viện. Theo quy định, khi người mua thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, huyện (quận)… vì thế ở Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn từ chỗ ban đầu là 28.000 thẻ đã tăng lên 32.000 thẻ. Bác sĩ Phan Văn Tài, Giám đốc trung tâm cho biết, trước đây mỗi ngày chỉ có khoảng 70-80 lượt người khám bệnh thì nay con số này đã tăng lên 100-120 lượt người/ngày. Số người khám đông, bệnh viện phải tăng cường bác sĩ khám, chữa bệnh, máy móc đầu tư hỗ trợ việc chữa bệnh được trang bị nhiều, không còn cảnh máy kỹ thuật cao phải “đắp mền” như cách đây vài năm; nhưng các bệnh viện tuyến trên sẽ giảm sự quá tải.

Tuy nhiên đã gần 2 năm triển khai nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trong thẻ, nhiều bệnh nhân vẫn xin chuyển lên tuyến trên khám, điều trị, lúc đó bác sĩ phải giải thích để người bệnh hiểu, việc khám chữa bệnh tại địa phương sẽ tiện cho người dân hơn trong việc đi lại. Còn tại Trung tâm Y tế Hải Châu hiện nay số đầu thẻ khám chữa bệnh tăng lên đến 140 nghìn, khiến cảnh quá tải diễn ra thường xuyên. Cơ quan BHXH thành phố dự định sẽ chuyển khoảng 5.000 đầu thẻ đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện khác để giảm tải cho trung tâm này.

Với những người khám, chữa bệnh có trình thẻ BHYT không đúng nơi quy định đăng ký, sẽ được thanh toán 70% tại cơ sở khám chữa bệnh hạng 3, được thanh toán 50% tại cơ sở khám chữa bệnh hạng 2 và 30% ở cơ sở khám chữa bệnh hạng 1, hạng đặc biệt (hạng là phân tuyến chuyên môn kỹ thuật). Trước năm 2009, cơ quan bảo hiểm của thành phố đã chi cho bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám, chữa bệnh ở Đà Nẵng khoảng 20 tỷ đồng/năm. Nhưng với việc thành phố đầu tư nhiều bệnh viện chuyên khoa, chuyên môn kỹ thuật được nâng cao và nhiều bệnh viện được đánh giá có chất lượng khám chữa bệnh cao trong khu vực, đã khiến số người bệnh đến điều trị tăng đột biến. Như năm 2010, cơ quan bảo hiểm đã chi khoảng 90 tỷ đồng để chữa bệnh cho 56.298 bệnh nhân ngoại tỉnh. Trong khi đó năm 2010, Đà Nẵng có gần 6.000 bệnh nhân đi chữa bệnh ở các tỉnh, thành khác với số tiền phải chi gần 20 tỷ đồng.

Các quy định về việc giảm mức đóng BHYT trong luật mới cũng giúp cho nhiều đối tượng có thể mua được thẻ, tiếp cận được với việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Đó là giảm mức đóng đối với đối tượng cận nghèo và nông dân hoặc tham gia theo hộ gia đình. Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% mức đóng với người thuộc hộ cận nghèo, 30% mức đóng với nông dân có mức sống trung bình; sẽ giảm mức đóng khi toàn bộ người có tên trong hộ khẩu và đang sống chung trong một nhà  tham gia BHYT. Với mức đóng của người đầu tiên bằng 4,5% so với mức lương tối thiểu, thì mức giảm của những người thứ 2-3-4 sẽ lần lượt là 90-80-70% mức đóng của người thứ nhất…

Số bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh ở Bệnh viện tư Hoàn Mỹ năm 2010 là 58.965 lượt người ngoại trú và 8.139 lượt người nội trú (dùng thẻ BHYT do Bệnh viện Hoàn Mỹ phát hành, thẻ của bệnh nhân ở Đà Nẵng và thẻ của bệnh nhân ngoại tỉnh). Tại Bệnh viện Phụ nữ, năm 2010 có 7.471 bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT đến khám bệnh ngoại trú và 1.150 bệnh nhân chữa bệnh nội trú (Bệnh viện Phụ nữ chưa phát hành thẻ BHYT).
Hoàng Nhung

 

;
.
.
.
.
.