.
Hồ sơ tên đường:

Đường Lê Đại Hành (Phần 1): Lẫy lừng phá Tống, bình Chiêm

.
Đường Lê Đại Hành xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng từ năm 1958, nhưng đến  ngày 14-7-2010, thời điểm HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 97/2010/NQ-HĐND thì con đường mang tên vị vua sáng lập nhà Tiền Lê này đã làm một cuộc “di dời”.

Mô tả ảnh.
Tượng vua Lê Đại Hành ở Hoa Lư. (Ảnh: Wikipedia)
Lê Đại Hành là vị hoàng đế không chỉ có những đóng góp to lớn trong công cuộc phá Tống - bình Chiêm, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt.

Lê Đại Hành là niên hiệu của Lê Hoàn (941 – 1005), quê làng Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (có sách ghi ông sinh ở làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Ông xuất thân trong một gia đình nghèo họ Lê, cha mẹ qua đời sớm, được một vị quan nhỏ là Lê Đột nhận về nuôi. Lớn lên, Lê Hoàn đi theo Nam Việt Vương Đinh Liễn. Dù ông chỉ là lính nhưng trí dũng khác thường, tính tình phóng khoáng nên được cha con Đinh Bộ Lĩnh yêu mến, giao cho trông coi 2.000 binh sĩ.

Đến năm 971, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên cơ nghiệp nhà Đinh, Đinh Tiên Hoàng phong cho ông chức Thập đạo tướng quân, Điện tiền đô chỉ huy sứ, cai quản quân đội của Đại Cồ Việt, trực tiếp chỉ huy đội quân cấm vệ của triều đình.

Tháng 10-979, cha con Đinh Tiên Hoàng bị viên quan hầu Đỗ Thích giết hại, triều đình tôn Vệ vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi vua. Lê Hoàn làm Nhiếp chính trong một tình thế đầy khó khăn.

Đầu năm 981, vua Tống phát quân sang đánh Đại Cồ Việt, đường bộ đi theo ngả Lạng Sơn, đường thủy thì tiến vào sông Bạch Đằng. Trong cuộc họp bàn kế hoạch kháng chiến, Thái hậu Dương Vân Nga cùng văn võ bá quan đã đồng lòng tôn Lê Hoàn làm vua, lấy hiệu là Lê Đại Hành.

Nghe tin quân giặc đến sông Bạch Đằng, Lê Đại Hành tự làm tướng, sai quân cắm cọc nhọn trên sông, chờ thủy triều lên đem thuyền ra dụ địch. Khi thủy triều xuống, quân ta quay thuyền chặn đánh thủy quân Tống một trận tơi bời, chiến thuyền quân giặc chiếc bị thủng, chiếc bị ngả chổng chơ trên cọc nhọn. Thủy quân thất bại thảm hại, quân Tống không thể tiến sâu vào nội địa.

Trên đường bộ, tướng giặc là Tôn Toàn Hưng dừng quân hơn 70 ngày, chần chừ không dám tiến. Hầu Nhân Bảo dẫn quân tiến theo sông Thương, kéo đến Chi Lăng. Tại đây, Lê Đại Hành dẫn phục binh đổ ra đánh dữ dội, tiêu diệt quá nửa quân Tống. Hầu Nhân Bảo bị giết, quân ta bắt sống Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân. Các tướng giặc khác hoảng loạn, vội vàng rút chạy về nước.

Kế hoạch xâm lược nước ta bị phá sản, vua Tống phải xuống chiếu lui quân.

Ở phương Nam, Chiêm Thành liên tục tiến hành các hoạt động quân sự gây hấn với Đại Cồ Việt. Năm 982, Ngô Tử Canh và Từ Mục theo lệnh vua Lê đi sứ Chiêm Thành, bị vua Chiêm bắt giữ. Lê Đại Hành tức giận, sai đóng chiến thuyền, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém tướng Chiêm làm quân Chiêm thua to, rất nhiều quân sĩ bị bắt sống. Đây là cuộc nam phạt đầu tiên trong lịch sử dựng nước của nhân dân ta. Vua Chiêm từ ấy hằng năm phải triều cống và xưng thần.

Trong 26 năm ở ngôi, Lê Đại Hành đặc biệt quan tâm đến vùng đất phía nam, vua đích thân cầm quân đánh dẹp sự nổi dậy của các thế lực cát cứ và xâm lấn, không chỉ bảo vệ vững chắc miền biên giới, mà còn trực tiếp chuẩn bị cho quá trình Nam tiến của người Việt, mở rộng thêm cương giới lãnh thổ của quốc gia Đại Việt.

Ca ngợi võ công của ông, sử gia Lê Văn Hưu viết: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được”.

LÊ GIA LỘC
;
.
.
.
.
.