Ngoài tài cầm quân, trị nước, Lê Đại Hành còn giỏi ngoại giao, như đánh giá của nhà sử học Phan Huy Chú: “Nhà Tiền Lê tiếp đãi sứ nhà Tống, tình ý và văn thư rất là chu đáo. Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài mà quốc thể được thêm tôn trọng làm cho người Bắc phải khuất phục”.
Chính sách ngoại giao của Lê Đại Hành là mềm dẻo, khôn khéo nhưng cương quyết. Chuyện kể rằng, năm Canh Dần (990), vua Lê Đại Hành tiếp đón đoàn sứ nhà Tống do Tống Cảo dẫn đầu. Vốn biết nhà Tống hống hách, ngạo mạn, ông nghĩ ra một cách đón tiếp khác thường, sai Đinh Thừa Chính mang 9 chiến thuyền và 300 quân sang tận Liên Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) đón sứ. Tháng 10 năm đó, đoàn sứ Tống tới kinh đô Hoa Lư, không khỏi ngạc nhiên khi thấy sự hùng mạnh, giàu có của Đại Cồ Việt: chiến thuyền đậu san sát dưới sông; quân lính võ phục chỉnh tề, gươm giáo sáng lòa bên sườn núi; hàng ngàn trâu bò rong ruổi đen đặc trên các cánh đồng, bụi bay mù mịt…
Theo nghi lễ của nhà Tống, khi nhận chiếu thư của “thiên triều”, vua các nước chư hầu phải quỳ lạy. Nhưng Lê Đại Hành lấy cớ ngã ngựa, bị đau chân, không chịu lạy. Tống Cảo không làm gì được.
Sau bữa tiệc vui, vua cho người khiêng một con trăn lớn, dài vài trượng đến quán dịch nói với sứ Tống: “Nếu sứ thần ăn được thịt trăn thì vua tôi sẽ cho người làm cỗ để mời”. Sứ Tống khiếp đảm từ chối.
Lần khác, vua cho dắt tới hai con hổ dữ để sứ Tống... thưởng ngoạn. Sứ thần lại một phen sợ toát mồ hôi.
Trước khi Tống Cảo về nước, để tránh phiền hà tốn kém do đón tiếp sứ giả, vua đề nghị nước Tống từ lần sau hãy cử sứ giả đưa thư đến địa giới và báo tin, triều đình Hoa Lư sẽ sai người lên biên giới nhận chiếu thư của vua Tống, không phiền sứ thần đến tận Hoa Lư nữa.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi có lần nhà vua bố trí cho sư Pháp Thuận giả làm người lái đò ra đón sứ giả Tống là Lý Giác. Nhân có hai con ngỗng bơi trên mặt sông, họ Lý bèn vờ chê hai câu thơ trong bài Vịnh nga (Vịnh ngỗng) của Lạc Tân Vương, để đùa anh lái đò Pháp Thuận, dịch là: “Ngỗng ngỗng hai con ngỗng/ Chân trời nghển cổ trông”. Không ngờ, anh lái đò ung dung ngâm tiếp, cũng cải biên đôi chữ so với bài thơ hay của Lạc Tân Vương, dịch là: “Lông trắng phơi nước biếc/ Sóng xanh quậy chèo hồng”.
Câu chuyện trao đổi văn thơ đã khiến Lý Giác rất thích thú và bị chinh phục đã trở thành giai thoại thú vị trong bang giao và văn học. Sau đó, về sứ quán, Lý Giác đã làm một bài thơ lưu biệt gửi tặng người lái đò – sư Pháp Thuận. Pháp Thuận đem thơ dâng vua. Vua cho thiền sư Khuông Việt xem, sư nói: “Thơ này có ý tôn trọng bệ hạ không khác gì vua Tống”. Đó chính là lời thơ ở hai câu kết, dịch là: “Ngoài trời lại có trời nên chiếu - Sóng lặng khe dầm bóng nguyệt thâu”.
Tuy là triều đại phong kiến hùng mạnh nhất châu Á đương thời, mang nặng tư tưởng bành trướng, nhưng nhà Tống, qua tài ngoại giao của Lê Đại Hành, đã phải từng bước thừa nhận sức mạnh, thế lực của quốc gia độc lập Đại Cồ Việt. Vua Tống đã phong cho Lê Đại Hành các tước vị cao như Giao Chỉ quận vương, Nam Bình vương; còn sứ thần Tống thì làm thơ tôn vua Lê tài ba không khác gì vua Tống.
Ở Đà Nẵng, con đường mang tên vua Lê Đại Hành lúc đầu dài 240m, rộng 4,5m, nối đường Huỳnh Thúc Kháng đến đường Hoàng Diệu, bên cạnh Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương thuộc quận Hải Châu. Khi triển khai dự án xây dựng tuyến đường Nguyễn Văn Linh (nối dài) và cầu Rồng qua sông Hàn, đường Lê Đại Hành cũ bị xóa sổ. Tên vị vua khai sáng nhà Tiền Lê này được đặt cho con đường mới dài 1.690m, rộng 25m, nối từ đường Nguyễn Hữu Thọ ra đường Trường Chinh (quốc lộ 1A), quận Cẩm Lệ.
LÊ GIA LỘC