.

Họa sĩ Phan Ngọc Minh: Đem quá khứ đến tương lai

.

Trên tờ giới thiệu, là tấm ảnh chân dung họa sĩ Phan Ngọc Minh đang… nhắm mắt. Nền của tấm ảnh là một thiếu nữ Chăm. Và đại loại là những gì khiến người xem có thể nghĩ đó là quá khứ…


Mô tả ảnh.
Chân dung họa sĩ Phan Ngọc Minh.
 
Tôi cười cười: Hình như ông đang nhắm mắt để nhìn cho rõ hơn? Minh rất vui: Cảm ơn anh đã chia sẻ. Đúng rồi, đôi khi, phải nhắm mắt, thì mới không… mù lòa.

*

Phan Ngọc Minh đã có nhiều chuyến “đi lùi” về những năm tháng không còn. Từ đó, anh lượm lặt những hạt rơi vãi của thời gian trong nỗi ngậm - ngùi - hân - hoan của một nghệ sĩ trước sự biến trôi mà tồn tại của Dòng Sống. Có lẽ, đấy là “cái sườn” tư tưởng trong những họa phẩm của anh: những Visnu, Shiva, Brahma trong tư tưởng Ấn giáo đã bắt gặp những kiếm tìm từ sâu thẳm trong Minh, gần 20 năm trước. Sờ tay lên mảng rêu xanh nơi một con hẻm ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) hay nghe hơi thở của thời gian khi cầm trong tay mảnh ngói vỡ tại cung Diên Thọ (Huế)…, những khi ấy, xâm chiếm người họa sĩ này là cái cảm giác xa xăm chứa đựng những huyền thoại bí ẩn.
 
Mô tả ảnh.
Kala-Mỹ Sơn-tổng hợp trên vải.
Phan Ngọc Minh đã mang Di sản đến nhiều nơi, ngoài những lần đứng chung với đồng nghiệp, còn là những triển lãm cá nhân, ở Đà Nẵng, Mỹ Sơn, Huế, ở Pháp, ở Ireland (2009). Và lần này, là khóa sáng tác tại Vermont Studio Center (VSC), thuộc bang Vermont (Mỹ), từ ngày 3-7 đến ngày 29-8-2011. Đây là… món quà dành cho một họa sĩ Việt Nam được giải thưởng hạng nhất của Hiệp hội Họa sĩ châu Á (Freeman Foudation Asian Artist’ Fellowship Winners), qua sự tuyển chọn của một hội đồng giám khảo có uy tín.

Không phải là… đi chơi, mà là đi làm việc, làm việc cật lực. Vì màu cờ sắc áo, vì sự ủng hộ tinh thần và vật chất từ Hội An, Huế, Đà Nẵng. Đấy là một gánh nặng, chắc chắn là nặng hơn cả hành lý với  những bố vẽ, màu, cọ và lỉnh kỉnh nhiều vật liệu cần thiết khác cho sáng tác. Còn thêm cả cái “gánh” khác nữa, là… tình yêu. Tình yêu đối với một thế giới của dĩ vãng. Của Hội An, Huế, Mỹ Sơn. Của những ông tổng đánh trống, người thổi kèn, người bán “chí mà phù” và những khuôn mặt – đời người khác, những số phận đang trở nên xa vắng dần, giữa tiếng ầm vang của mặt trái xu thế toàn cầu hóa…

*

Đấy cũng chính là số phận của Phan Ngọc Minh, khi Di sản đã trở thành chọn lựa hội họa duy nhất của anh. Như thế, trong ý nghĩa của sáng tạo nghệ thuật, Di sản là Ngày Mai, thông qua cái nhìn của họa sĩ, với những thủ pháp biểu đạt hiện đại. Đấy chính là cái ý thức muốn đem thứ ánh sáng huyền ảo của dĩ vãng để soi chiếu vào một thực tại cao vời, trên cái nền thanh âm của hiện thực.

*

Mô tả ảnh.
Giấc mơ Bao Vinh-tổng hợp trên vải.
Tôi làu bàu: Có phải không Minh, phải chăng, quá khứ sẽ giảm đi rất nhiều ý nghĩa, nếu chỉ là… quá khứ. Rằng, vân vân và vân vân… Minh cười, tất nhiên là có pha một chút ưu tư: Những sắc màu - đường nét sẽ dẫn Minh đi trên lối… vô định. Có thể bất hạnh, có thể bắt gặp niềm vui. Tôi mong, và tin rằng, mình sẽ gặp được những tiếng - đồng - cảm. Đúng rồi, giá trị của cái - đã - qua chính là lời nhắn gửi đến tương lai, rằng, cái - sẽ - đến luôn phải lưu giữ những thành tựu của hôm qua và hôm nay; rằng, sẽ nghèo nàn biết bao nhiêu, khi ngày mai chỉ còn những khuôn mặt không quá khứ (!?).

*

Sau chuyến đi làm việc này, Phan Ngọc Minh sẽ dành thời gian để hoàn tất bộ tranh về Di sản. Để trưng bày vài nơi trong nước mà trước hết, là tại Bảo tàng Điêu khắc Chămpa (Đà Nẵng).

Nguyễn Đông Nhật
;
.
.
.
.
.