Cuối hiệp nhì, nhận bóng từ cú vẩy má ngoài điệu nghệ của Messi ngay trước cầu môn, chân sút Higuain khéo léo xoay người tung cú sút trời giáng. Bàn thắng mười mươi bất ngờ bị cánh tay tài hoa của Muslera đẩy ra khỏi khung thành.
Messi (trái) trong trận Argentina thắng Costa Rica 3-0 ở Copa America 2011. (Ảnh tư liệu)
|
Trong một tối ngẫu hứng tràn đầy, Muslera đã… tiễn chân chính đội chủ nhà ra khỏi khát vọng giành chiếc cúp danh giá nhất Nam Mỹ và đánh bật người đứng đầu đội tuyển Argentina khỏi ghế huấn luyện. Vâng, không thể nói khác hơn, số phận của huấn luyện viên Batista đã được định đoạt bằng đôi tay tài hoa của người giữ thành đối phương. Ở một nền bóng đá tự xếp mình ngang hàng với Brazil và khao khát chiếc cúp Copa America từ 18 năm qua, việc Liên đoàn bóng đá nước này chấm dứt hợp tác với ông trở nên tất yếu, chẳng khác nào giọt nước tràn ly. Công tâm nhìn nhận, dù Argentina không đi tiếp với giải ngay từ vòng tứ kết nhưng lối chơi của họ không quá tệ hại; ở hai trận cuối, họ đã biết cống hiến nhiều đường nét quyến rũ. Nhưng sức ép từ khán giả cảm thấy mình bị tổn thương, những đay nghiến dai dẳng từ công luận khiến các nhà điều hành một lần nữa phải thay ngựa giữa dòng, dù cái đích lớn nhất Batista nhắm đến không phải chiếc cúp châu lục mà là ngôi quán quân thế giới.
Bảy năm, sa thải 5 đời huấn luyện viên, trong đó có các chuyên gia tên tuổi cỡ Bielsa, Basile, Maradona, Argentina cho thấy tất cả sự bấp bênh mà nền bóng đá nước này đang nếm trải dù sân cỏ của họ không thiếu các thế hệ vàng. Ở một góc khác không có màu xanh dịu dàng của thảm cỏ, sự tự ái quá mức đến kiêu ngạo cũng góp tay vẽ ra một bức tranh nghiệt ngã cho nhiều số phận thể thao mà Batista là điển hình mới nhất. Chắc chắn con người từng mang về cho đất nước mình huy chương vàng Olympic bóng đá này sẽ không sớm rời ghế nếu các cầu thủ của ông tận dụng tốt hơn các cơ hội rõ rệt trong trận đấu mất còn, nếu các pha dứt điểm của Higuain, Tevez, Aguero hiểm hóc hơn. Quả là lắm lúc tương lai một phận người lại được định đoạt chỉ qua một đường bóng!
Chỉ là trò chơi do chính con người đặt ra nhưng lắm lúc bóng đá lại quay sang gieo rắc tai ương khổ nạn cho chính con người. Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch của Hy Lạp, ông Geroulanos, vừa lên tiếng than vãn rằng nền bóng đá chuyên nghiệp của nước ông đang trải qua một chặng dài khó trị về tham nhũng, mờ ám và chính vấn nạn này làm bóng đá Hy Lạp nhiều năm rồi không ngóc đầu lên nổi. Chuyện của sân cỏ không còn đóng khung trong bốn khán đài nữa rồi! Nó đã lan truyền sang nhiều ngóc ngách của đời sống và tác động sâu xa vào văn hóa, lối sống của một dân tộc, một đất nước, có khi phá vỡ danh dự, uy tín của một phận người. Mohamed bin Hammam, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới, hẳn là đang sống trong thời khắc hoạn nạn nhất sau án phạt của chính cơ quan này dành cho ông: Cấm hoạt động bóng đá suốt đời. Nhân vật quyền lực chỉ xếp thứ hai sau ngài Sepp Blatter bị buộc tội dùng tiền mua phiếu.
Cái tội nhũng nhiễu, lũng đoạn bóng đá rồi cũng có ngày bị xóa nhưng cái án vô liêm sĩ, thiếu trung thực thì hẳn cả đời khó mà gột rửa! Hẳn là vào thời đương chức dọc ngang khắp mọi miền của thế giới để bàn chuyện bóng đá, người Qatar giàu quyền thế này không hề hình dung kết cục dữ dội ấy. Trái bóng, với Hammam lúc này hẳn là chỉ gồm một mặt buồn thảm, một mặt đắng cay!
Đình Xê