.

Một kỷ niệm khó quên về ba tôi

Trước ngày giải phóng Đà Nẵng, ba tôi (cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân) vừa dạy học, vừa viết văn và là Hội trưởng Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng.

Hội Khuyến học do ông làm hội trưởng tuy không lớn lắm nhưng trông rất bề thế và được nhiều người sống ở miền Nam lúc bấy giờ biết đến. Hội tọa lạc trên đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú, gần ngã tư Trần Phú-Quang Trung), có chương trình phát thanh nghe qua radio vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần và được Thái Thanh, ca sĩ nổi tiếng một thời lúc ấy – hát bản nhạc dạo đầu: Tôi yêu tiếng nước tôi của nhạc sĩ Phạm Duy.

Ngày 25-3-1975, người tỵ nạn cùng hàng vạn tàn quân thuộc lực lượng vũ trang và bán vũ trang của quân đội Sài Gòn hoảng loạn tràn vào thành phố Đà Nẵng từ khắp cả bốn hướng Đông-Tây-Nam-Bắc. Cảnh tượng của thành phố hỗn loạn. Sẵn súng đạn trong tay cũng như không có ai chỉ huy, những toán lính rã ngũ tràn vào thành phố.

Ngày 27-3-1975, khi sự căng thẳng của tình hình chiến sự ở Đà Nẵng đang lên tới đỉnh điểm, ba tôi vẫn luôn nghĩ tới Hội Khuyến học. Vì đó là nơi ông đặt mọi hy vọng trong sự nghiệp canh tân nước Việt, nhất là sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất và có được độc lập-tự do. Ông bảo với tôi:

- Đi với ba tới Hội Khuyến học để xem thử tình hình ở đó như thế nào.
Tôi nhanh nhẹn đáp:

- Dạ.

Ba tôi dắt chiếc CD-50 ra khỏi cửa rồi yên vị trên yên. Vì khi đó tôi mới 10 tuổi và là con trai út trong nhà có bốn anh em, nên mỗi khi chở tôi đi đâu, ba tôi đều cho tôi được phép ngồi phía trước ông. Ông từ từ cho chiếc xe tiến về phía đầu con hẻm cụt, nơi nhà tôi tọa lạc từ năm 1963, để đến Hội Khuyến học.

Vừa đến đầu kiệt bỗng nhiên ba tôi cho xe đứng lại và đúng vào lúc đó tôi đột ngột trông thấy 4 người lính Sài Gòn lăm lăm mấy khẩu súng AR-15 trên tay cùng một phế binh tay cầm chiếc lưỡi lê Mỹ, đang ngồi trên chiếc xe lăn. Họ đứng sừng sững trước mắt tôi và chỉ cách nhau có một hai bước chân.

Thấy họ quá dữ tợn, tôi đưa mắt nhìn vào khoảng không vô tình còn sót lại ở phía trước và vẫn chưa cảm nhận được tử thần đang lững lờ ngay trước mắt mình. Ngay khi ấy, tôi nghe tiếng cách của chốt an toàn từ một khẩu súng, đồng thời người thương phế binh chĩa chiếc lưỡi lê về phía hai cha con. Ông ta hất hàm:
- Có tiền không?

Ba tôi lôi ra hết những gì có trong túi áo và sau khi lộn trái tất cả túi quần mà ông đang mặc, ông cầm một số tiền và nhỏ nhẹ nói với người thương phế binh:

- Chỉ còn có một ít đây, mấy anh cầm đỡ!

Cặp mắt người thương phế binh sau khi nhìn số tiền vừa được trao từ ba tôi, lại chuyển sang lừ lừ nhìn khắp người cha con tôi. Bỗng ông ta đưa chiếc lưỡi lê cho người lính đứng gần nhất và ra lệnh:

- Chặt bàn tay, lấy chiếc nhẫn.

Ba tôi tuyệt vọng nói với người thương binh:

- Mấy anh tha cho vì chiếc nhẫn này là vật kỷ niệm của gia đình.

Đúng vào lúc sự chết chóc hiện diện một cách rõ ràng trong đầu thơ dại của mình, tôi thấy người thương phế binh giơ tay ra lấy lại chiếc lưỡi lê. Cầm nó trên tay, ông ta nhìn về phía bờ sông và giơ tay vẫy một cái: ra lệnh cho toán lính tiếp tục cuộc phiêu lưu.

Tôi bàng hoàng chứng kiến họ bước đi. Mãi cho đến tận bây giờ vẫn không sao hiểu nổi: Tại sao mình lại sống!

Nguyễn Quốc Quang
;
.
.
.
.
.