.

Một thoáng Philadelphia

.
Philadelphia tân kỳ xen lẫn với cổ kính, đẹp một cách lạnh lùng khi tôi chạm tay vào các pho tượng và đền đài trong một thoáng Philadelphia vào một buổi chiều trên nước Mỹ.

Mô tả ảnh.
Cầu Delaware (ảnh lớn) và Công viên Tình yêu - Love Park.
 
Philadelphia thuộc tiểu bang Pennsylvania và là thành phố lớn nhất của tiểu bang này. So với toàn nước Mỹ, Philadelphia là thành phố lớn thứ năm với số dân khoảng hơn 1,5 triệu người, diện tích gần 370 km2. Nếu chỉ tính ở bờ Đông nước Mỹ thì đây là thành phố lớn thứ hai. Người ta nói đến Mỹ mà không đi thăm Philadelphia cũng giống như đến Việt Nam mà chưa thăm Huế vậy. Bởi Philadelphia nguyên là kinh đô của nước Mỹ. Bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ đã được công bố tại đây vào ngày 4-7-1776. Trong thời gian chờ đợi xây dựng thủ đô Washington D.C, khoảng một thập niên cuối thế kỷ 18, Philadelphia thực sự là một trung tâm chính trị, thương mại, nghệ thuật, văn hóa và giáo dục. Tất cả những công trình kiến trúc mang vẻ cổ kính còn lại đến ngày nay đã nói lên điều đó. Và tôi cũng thật ngạc nhiên khi biết rằng thời bấy giờ Philadelphia là thành phố đông dân nhất nước Mỹ, hơn hẳn Boston và New York về tầm quan trọng cả chính trị và xã hội. Philadelphia chỉ cách thành phố New York khoảng 75 km. Và điều thú vị, đây là 2 thành phố nắm giữ “kỷ lục” là “cặp” thành phố có khoảng cách gần nhất với dân số lớn hơn 1 triệu người.

Để được đặt chân lên đường phố Philadelphia, chúng tôi phải cho xe loanh quanh mấy vòng mới kiếm được một khoảng hở chen xe vào đậu. Một chiếc xe nào đó vừa rời vị trí và chúng tôi điền ngay vào chỗ trống. Vị trí đỗ xe nằm ngay bên lề một con phố rộng. Những chiếc máy thu tiền lệ phí đậu xe trên phố được đặt rải rác quanh đó. Người lái xe tự trả tiền cho máy. Tôi nhìn quanh tuyệt nhiên không thấy có bóng dáng của một người nào có vẻ là nhân viên bảo vệ cả. Cứ mỗi tờ 25 xu (25 cents) ứng với 8 phút đậu xe. Lúc này tôi mới chợt hiểu ra lý do tại sao lúc rời nhà, Philips Mai - một người bạn của tôi - lại vốc tay vào bình đựng tiền ken để tìm một nắm tiền 25 xu đem theo. Sau khi nhét vào khe máy 8 đồng ken 25 xu và ấn nút, máy in ra một tờ hóa đơn ghi rõ số tiền và thời gian được phép đậu xe. Lúc rời khỏi máy trả tiền, thấy có một người mang thiết bị cầm tay đến gần bảng số của một xe đang đậu trước đó. Thì ra người này đang ghi lại biển số xe và in hóa đơn phạt cài lên cần gạt nước của kính xe, vì xe này đã đậu quá thời gian quy định. Số tiền phạt gần 60 USD cho một lần vi phạm. Người chủ xe lắc đầu khi thời gian chậm chân mới quá 30 giây! Tự động hóa việc quản lý, theo dõi và xử lý nhanh chóng, công tâm đến lạnh lùng đòi hỏi mọi người dân phải biết cách tính toán chủ động thời gian và tôn trọng những quy định của pháp luật.

Để được thu vào tầm mắt và ống kính nhiều hình ảnh trong khoảng thời gian gói gọn không đầy một buổi chiều đến với Philadelphia, chúng tôi phải rảo bước thật nhanh, ngắm nhìn thật nhanh và tất nhiên bấm máy ảnh cũng thật nhanh những gì mà thoáng thấy cho rằng cần được lưu giữ lại.

Bảo tàng nghệ thuật Philadelphia được thành lập năm 1876 là một công trình kiến trúc khổng lồ. Bảo tàng có 200 phòng triển lãm, với hơn 225.000 hiện vật từ Âu sang Á, từ cổ chí kim, bao gồm tất cả các loại hình nghệ thuật như tranh, ảnh, tượng, điêu khắc, gốm sứ, đồ trang trí nội thất, các bộ từ điển bách khoa cổ, kể cả các loại binh khí và áo giáp… Xung quanh khu vực bảo tàng là tượng đài của các danh nhân thành phố như Baldwin, Ceneral Ceo.B.McClellan, John Christian Bullit… Trên một góc phố, dưới nền bê-tông bên hông của tượng đài, trên đại lộ JF Kennedy thấy có gắn 11 tấm đồng lớn, kích thước khoảng 1,5 lần tờ giấy A4. Trên mỗi tấm đúc nổi tên của những người lính cứu hỏa với dòng chữ “hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ công dân Philadelphia” (Died in the line of duty protecting the citizens of Philadelphia) và thời điểm đi vào bất tử của những người anh hùng này.

Tần ngần trước tòa thị chính Philadelphia cao 8 tầng, với 600 phòng làm việc. Đây là một công trình kiến trúc khổng lồ xây dựng kéo dài đến 30 năm, theo kiến trúc Phục hưng Pháp, hoàn thành năm 1901. Tháp trung tâm của tòa nhà cao hơn 155 mét. Bên trên, trang trọng và lộng lẫy bức tượng toàn thân William Penn, cao 2,8 mét. William Penn là người đã có công tạo dựng và đặt tên cho thành phố Philadelphia. Du khách được phép vào tòa thị chính và có thể lên đến đài quan sát trên cùng để nhìn toàn cảnh thành phố. Rất tiếc tôi không có nhiều thời gian, nên đành bỏ qua cơ hội này.

Kiến trúc thành phố Philadelphia khó nhầm lẫn với một thành phố nào khác của nước Mỹ. Những công trình hiện đại đầy xa hoa tráng lệ không tỏ ra đe dọa, uy hiếp vẻ phong sương trầm mặc nhưng đầy kiêu sa của các công trình cổ kính. Các nhà thiết kế đô thị quả thật là tài hoa khi kết nối giữa quá khứ và hiện tại một cách tài tình. Cái đẹp của quá khứ không bị công phá, lấp vùi mà được giữ gìn, tôn tạo để đồng hành với cái đẹp của ngày hôm nay tạo cho Philadelphia một sắc thái riêng biệt.

Đến Philadelphia tôi được… gặp “người Mỹ đầu tiên” là Benjamin Franklin, theo như cách nói của các nhà viết sử nước Mỹ. Trong ký ức học trò của tôi Benjamin Franklin (1706 - 1790) là một nhà vật lý học. Ông đã chế tạo ra cột thu lôi và cho bọn học trò chúng tôi những hiểu biết về sấm sét. Ngôi nhà của Benjamin Franklin tọa lạc trong khuôn viên Công viên Lịch sử Quốc gia Độc lập (Independence National Historical Park). Tại công viên còn có ghế ngồi của nhà bác học này và một phòng triển lãm ảnh chân dung của ông. Với nước Mỹ, Benjamin Franklin như là một “khai quốc công thần”. Ông vừa là một thợ in, vừa là nhà bác học, là triết gia, là chính trị gia, là nhà hoạt động xã hội và là nhà ngoại giao uy tín khắp châu Âu. Ông là một trong những người đã tìm cách giải phóng nước Mỹ thoát khỏi ách thống trị của người Anh. Và là một trong những người đã đưa ra ý tưởng về một nhà nước Mỹ mới trong thời kỳ cách mạng. Ông còn là người sáng lập ra Trường Đại học Y và Bệnh viện Pennsylvania đầu tiên của nước Mỹ (1751).

Ngoài ngôi nhà của Benjanin Franklin, còn có ngôi nhà nổi tiếng khác. Đó là ngôi nhà có tên gọi Graff House, nơi luật sư Thomas Jefferson (sau này trở thành vị Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ) được giao viết bản Tuyên ngôn độc lập với những tư tưởng chưa từng có trước đó: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc….”.

Bước chân đến khu phố Tàu (China Town), du khách như tưởng mình đã lạc sang xứ sở của Vạn Lý Trường thành. Người Hoa đã xây dựng một cộng đồng không thể lẫn lộn với những dân tộc khắp nơi trên thế giới hội ngộ trên xứ sở Hợp Chủng Quốc này. Một cổng chào dựng băng ngang đường bằng bê-tông cốt thép với những đường cong thanh thoát và màu sắc mỹ miều như gửi đến mọi người một lời chào gặp gỡ.

Trước khi lên xe rời Philadelphia, chúng tôi ghé thăm công viên Tình Yêu (Love Park). Love Park thuộc khu John F. Kennedy Plaza (JK Kennedy là tên của vị Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ). Trên một khung sắt không rỉ, vững chãi và đẹp mắt, chữ LOVE được dựng lên, nhưng không theo trật tự như khi viết. Nó được “cắt” làm đôi thành chữ LO và VE. Hai chữ này được xếp chồng lên nhau trông ngồ ngộ. Nó ngồ ngộ, hồn nhiên như tình yêu, như một buổi hẹn hò. Hầu như ai đến đây cũng muốn đứng bên cạnh “tình yêu” (LOVE) để ghi lại hình ảnh, cho dù bên cạnh thật sự có người bạn khác phái hay chỉ đứng đấy một mình mà thầm cầu mong điều gì đó tốt đẹp cho trái tim dào dạt sự thương yêu…

Lòng tôi bỗng ngập tràn bao xốn xang khi đi ngược bờ Tây của dòng sông Delaware, qua cầu Delaware để rời Philadelphia. Trong tiếng Hy Lạp, Philadelphia nghĩa là “tình huynh đệ” (brotherly love). Tạm biệt nhé “tình huynh đệ” Philips Mai đã đưa tôi đến với Philadelphia. Tạm biệt nhé Philadelphia cho dù chỉ một thoáng thôi. Nhưng một thoáng Philadelphia sẽ đọng mãi trong hồn tôi với nhiều cung bậc cảm xúc. Chắc chắn là như thế. 

Bút ký của MAI HỮU PHƯỚC
;
.
.
.
.
.