.

Muốn giỏi phải... tự học

.

Để du khách đến Đà Nẵng đã khó nhưng khi họ đến rồi thì việc giúp họ tiếp cận điểm đến, tiếp cận bản sắc văn hóa còn khó hơn gấp nhiều lần, bởi đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) – chưa bảo đảm về chất lượng. Điều này không dễ khắc phục trong một sớm một chiều và đây cũng là bài toán làm đau đầu ngành du lịch.

Mô tả ảnh.
Để có kiến thức sâu rộng mỗi HDV phải biết tự học, tự trau dồi thêm kiến thức. TRONG ẢNH: HDV của Công ty Vitour thuyết minh cho khách.

 

Kinh nghiệm còn ở… phía trước

Bước sang tuổi 52, nhưng đến năm 2002, ông Trịnh Thanh Sáu, Trung tâm Hữu nghị Việt-Thái mới bắt đầu bước vào nghề HDV. Ông đến với nghề như một cái duyên. 11 năm sống ở Campuchia, ông sử dụng chủ yếu ngôn ngữ nước này, nhưng ông vẫn học và sử dụng khá thành thạo tiếng Lào. Đến năm 2000 về công tác tại Trung tâm Hữu nghị Việt-Thái, ông lại tham gia khóa học gần 5 năm để tăng thêm vốn tiếng Thái cho mình. Vài năm gần đây, khách du lịch Thái Lan đi đường bộ ngày một tăng. Mặc dù không được đào tạo về chuyên môn, nhưng do có thời gian khá dài làm ở Ban công tác đối ngoại, nên ông thường xuyên làm HDV cho các đoàn đến thăm tại Đà Nẵng. Kinh nghiệm của HDV cứ vậy mà ngấm dần vào con người của ông Sáu.

Theo ông Sáu, HDV trước tiên phải hiểu khách, phải biết được họ cần cái gì. Nhìn đối tượng tham quan, du lịch, mà hình dung ra mình sẽ thuyết minh như thế nào. Nếu khách từ trên 40 tuổi, họ thiên về tìm hiểu văn hóa, lịch sử những nơi họ đến. Với những người trẻ, bên cạnh những kiến thức căn bản, nên tạo được những câu chuyện vui vẻ để khách thoải mái. Đấy là nghệ thuật dẫn khách.

Hiện nay, khách Thái đến miền Trung tương đối đông. Vì thế nhu cầu tiếng Thái rất cần, nhưng thực tế không đáp ứng được. Một số em du học tại Thái Lan, ngôn ngữ thành thạo, tranh thủ làm thêm, nhưng kỹ năng chưa được trau dồi, khi gặp tình huống khó lại không biết xử lý như thế nào. HDV tiếng Thái vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Một thực tế cho thấy, nhiều sinh viên học chuyên ngành du lịch hẳn hoi, nhưng khi ra trường thiếu kinh nghiệm, không lường hết được những khó khăn của nghề đang đợi ở phía trước. Chỉ đến khi dấn thân vào nghề, mới thấy được cái nghề làm dâu trăm họ cực nhọc trăm bề, không ít người đã chuyển sang làm nghề khác cho… an toàn.

Rơi vào tình trạng bị động

Theo số liệu của Phòng Quản lý lữ hành, Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng, tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn thành phố có 108 công ty kinh doanh lữ hành (tăng 7 đơn vị so với năm 2010) vì vậy số lượng HDV tương đối nhiều. Đà Nẵng đang có 527 HDV, trong đó có 418 HDV quốc tế, 109 HDV nội địa. Trong 6 tháng vừa qua đã cấp 33 thẻ HDV quốc tế, 63 HDV nội địa.

Với một số ngoại ngữ không thông dụng thì ngày càng thiếu HDV và đang trở thành trở ngại lớn của ngành du lịch. Như tiếng Thái Lan, chỉ có 6 người được cấp thẻ HDV, tiếng Tây Ban Nha có 10 người, thậm chí tiếng Hàn Quốc, không có ai được cấp thẻ.

Theo ông Huỳnh Đức Trung, Phó Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở VH-TT&DL, thị trường Đà Nẵng đang khan hiếm nhất là tiếng Hàn Quốc, vì vậy mỗi khi có khách Hàn đều phải nhờ các đơn vị từ tỉnh bạn giúp đỡ. Theo quy định với những HDV tiếng nước ngoài phải có bằng đại học mới cấp thẻ nhưng nếu HDV có kinh nghiệm, có năng lực nhưng do chưa có bằng đại học thì nên tạo điều kiện cấp thẻ tạm thời cho họ và khuyến khích họ học cao lên.

Hiện nay các doanh nghiệp cũng rất biết cách sử dụng HDV. Phần lớn những người được tuyển dụng về các đơn vị lữ hành đều có đào tạo lại nghiệp vụ, chuyên môn để họ trở thành những HDV chuyên nghiệp. Ông Trung nhấn mạnh thêm:  HDV nếu không đáp ứng được các yêu cầu của ngành thì rất dễ tụt hậu. Nhiều HDV mới ra trường đang gặp phải những “căn bệnh” chung như yếu kỹ năng giao tiếp, hạn chế khả năng tổ chức các hoạt động hoạt náo, ngoại ngữ chưa thực sự thành thạo, kiến thức văn hóa, chính trị, xã hội chưa chuyên sâu. Chính những điểm yếu này đã khiến cho các HDV khó có khả năng tồn tại và phát triển được với nghề.

Với những đơn vị trực tiếp hoạt động trong ngành dịch vụ du lịch, thực tế công việc càng khẳng định: Việc đào tạo HDV là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngành. Tuy nhiên, suốt bao nhiêu năm qua, công tác này chưa được bảo đảm. Các dịch vụ hướng dẫn luôn rơi vào tình trạng bị động. Khi nào có khách tăng đột biến, thấy thiếu HDV thì mới đào tạo. Và có khi đào tạo ra nghề được thì lại vượt quá mức dẫn đến tình trạng dư thừa.

Ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Công ty lữ hành Vitour nhìn nhận: Việc quy hoạch, dự báo thị trường chưa tốt. Chúng ta phải đào tạo đón đầu để luôn sẵn sàng đón khách, không chờ đến khi khách tới chúng ta mới đào tạo.

Nhìn chung, lực lượng HDV của ngành du lịch Đà Nẵng tuy đông nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, đang trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Thừa HDV lớn tuổi, chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, thiếu HDV được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ. Ngoài một số tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ của Đại học Đà Nẵng thì số sinh viên theo học chuyên ngành du lịch của 4 trường Đại học Đông Á, Đại học Kinh tế, Cao đẳng nghề Du lịch Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, bên cạnh chương trình đào tạo, phần lớn các em phải tự lăn lộn để cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm. Nhiều em, khi ra trường, chưa đủ sự chín muồi để bám trụ với nghề, phải rẽ sang một nghề khác.

Ông Huỳnh Minh Nhơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng chia sẻ: Thực tế cho thấy đội ngũ HDV của mình vẫn còn yếu, khả năng sáng tạo chưa cao. Hơn ai hết, để khắc phục tình trạng này, bản thân mỗi HDV phải tăng cường sự tự học, tự tích lũy bổ sung kiến thức, tránh tình trạng rập khuôn trong mỗi bài thuyết trình. Về lâu dài, Sở sẽ thường xuyên tổ chức những cuộc thi HDV, những kiến thức thiết thực để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho mỗi HDV.

Thu Hà

;
.
.
.
.
.