.

Những lời “chê” nhỏ

.

Câu “Không ai chê đám cưới/Không ai cười đám ma” không hẳn lúc nào cũng đúng. Không muốn, nhưng người đi dự đám cưới và cả người trong cuộc vẫn “chê” để mong muốn được dự những tiệc cưới ngập tràn không khí ấm áp, hạnh phúc: giản đơn nhưng không xuề xòa, cầu kỳ nhưng không rườm rà…, muốn thế, rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

 

Mô tả ảnh.
Nếu tiệc cưới tổ chức đúng giờ, thì chắc chắn, khách sẽ không còn lý do tới trễ để tránh cảnh đợi chờ.                                                                                                                   Ảnh: V.T.L


Cụm từ “công nghệ cưới” xuất hiện cách đây vài năm, nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp hóa của những nhà tổ chức đám cưới – nơi lễ cưới diễn ra trước quan khách hai họ. Chuyên nghiệp từ khâu đặt tiệc, đến lễ đón khách, màn múa hát chào mừng, lúc chú rể và cô dâu xuất hiện, cha mẹ hai bên bước lên sân khấu như thế nào… Nhưng dù có áp dụng công nghệ kiểu gì đi nữa, khách mời và cả người trong cuộc vẫn thấy chưa thể vừa ý với những đám cưới đã từng dự.

 

Trong khi, mỗi nhà tổ chức cố gắng để có chương trình riêng, độc đáo thì khách mời vẫn thấy chúng na ná giống nhau giữa các nhà hàng, với những màn múa, hát, nhảy đủ thể loại từ ta đến Tây, Tàu, sau đó mới đến phần người dẫn chương trình giới thiệu lễ cưới chính thức. Vì là “công nghệ tiệc cưới”, nên ngoài việc thuê các vũ đoàn để phục vụ, các nhà hàng còn có cả biên đạo múa và những đội múa, đội nghi lễ riêng. Thậm chí để tiết kiệm, không đội chi phí thì các “diễn viên” này hầu hết đều được tận dụng tại “vườn nhà”... Và cũng không thiếu ca sĩ sẵn sàng “hát nhép”.

Kèm theo phần hát, là phần nhạc ầm ĩ. Những người đi dự đám cưới khi được hỏi đều mong, khi đến chia vui cùng cô dâu chú rể trong một tiệc cưới, cũng là dịp được gặp gỡ bạn bè, người quen, nên có một không khí nhẹ nhàng, thư thái để có thể trò chuyện cùng nhau. Mong ước nhỏ nhoi đó, thật khó thành hiện thực.
Nhiều người cho rằng, lớp trẻ hiện nay nói chung rất thích hình thức. Đôi khi họ làm cho đám cưới của mình trở nên rườm rà, mà không nhận ra là khách mời đã quá no nê với các tiết mục múa hát, nhạc ầm ĩ.

 

cuoi.jpg
Một không khí ấm áp, chân tình là điều khách mời mong muốn nhất ở các đám cưới.                                                                                                                                  (Ảnh: NGỌC PHÚ)

 

Trên nhiều thiệp cưới khi gửi đến khách mời có in giờ đón khách, giờ khai tiệc, nhưng thực tế là từ giờ ghi đón khách đến lễ cưới chính thức bắt đầu bao giờ cũng chênh nhau 1 tiếng, thậm chí 1 tiếng rưỡi đồng hồ, khách mời sẽ tha hồ chờ đợi.

Ông Phan Văn Phước, Phòng Sales&Marketing, Trung tâm Hội nghị và tiệc cưới Golden Phoenix cho rằng, nhà hàng rất mong muốn được tổ chức đúng giờ như thỏa thuận giữa nhà hàng và người đi đặt tiệc cưới. Nhưng thực tế khách mời đến khá trễ, không muốn gia chủ phải bắt đầu buổi lễ khi nhiều bàn tiệc còn trống, nên nhà hàng cố gắng đợi, và giờ bắt đầu luôn chậm hơn so với dự kiến. “Chúng tôi tiên phong thì rất dễ, nhưng vì khách nên không thể ép khách đúng giờ như đã thỏa thuận”, ông Phước bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, khách dự cưới thì hầu hết đều khẳng định rằng, nếu tất cả các nhà hàng tổ chức đúng giờ ghi trong giấy mời, thì chắc chắn, lần sau đi cưới, họ sẽ không còn lý do: Tới trễ để tránh cảnh đợi chờ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ nhà hàng Faifo cho rằng mỗi nhà hàng có chương trình cưới khác nhau, tùy theo thị hiếu của khách, có người thích sử dụng hết tất cả các dịch vụ, nhưng cũng có nhiều người chỉ chọn một số dịch vụ mà họ cảm thấy phù hợp với sở thích và khách mời của mình. Ông Phan Văn Phước cũng cho rằng, các nhà hàng đều muốn giới thiệu mình, khách hàng thì muốn… cái gì cũng có trong lễ cưới chỉ diễn ra một lần trong đời.

Những người “chịu trận” còn lại không ai khác chính là khách mời của họ.

Muôn vàn cái khó trong một đám cưới, gia chủ đều có thể khắc phục được, nhưng tại sao, những điều rất giản đơn là làm sao, để khách mỗi lần nhận thiệp cưới, ít ra không phải hình dung đám cưới sẽ là cái cảnh mệt mỏi chờ đợi thời gian, hay bị tra tấn bởi những thanh âm lại không làm được?

Hơn ai hết, chủ nhà hàng - nhà tổ chức - xin hãy là những người nghe những lời “chê” nhỏ để điều chỉnh và giúp gia chủ điều chỉnh những phiền lòng cho khách, để thời gian dự cưới, đủ để chia sẻ niềm vui; để nghe, xem; để thưởng thức các món ăn; để khắc ghi những giây phút ấm áp, thân tình.

Hiền Lương

;
.
.
.
.
.