.

Phao cứu sinh cho người nghèo

.
Có những căn bệnh mà người nghèo dù có bán hết gia sản của mình vẫn không đủ tiền chạy chữa. Lúc đó, họ chỉ còn biết bám lấy chiếc phao cứu sinh: Bảo hiểm y tế (BHYT).

Mô tả ảnh.
Chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân BHYT tại Bệnh viện Đà Nẵng.
 
5% đối với người nghèo

Đầu năm 2009, chị Nguyễn Thị Lệ Thu đang mang thai được gần 5 tháng thì phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối. Sinh non, con mất, bệnh nặng. Nằm viện hai tháng rưỡi, chị được bác sĩ cứu chữa bằng phương pháp mổ tay lọc máu nhân tạo. Hệ quả của cách chữa trị này là bệnh nhân suy tim. Bác sĩ tư vấn nên chuyển sang mổ lọc màng bụng (thuật ngữ y tế là thẩm phân phúc mạc), phương pháp này không làm suy tim nhưng lại tốn tiền nhiều hơn. Mổ xong hết 4 triệu đồng, về nhà hằng tháng phải dùng thuốc trị giá gần 13 triệu đồng, được BHYT chi trả 80%, chị phải đóng 20% (trên 2,5 triệu đồng) theo đối tượng tự nguyện nhân dân.

Chị Thu làm kế toán cho Công ty TNHH Yên Thanh Lộc trên đường Phạm Văn Nghị, tham gia BHYT từ năm 2008. Với chị, trên 2,5 triệu đồng chữa bệnh mỗi tháng là một khoản tiền quá lớn. Đó là chưa kể phải mua thêm tủ lạnh để bảo quản thuốc, lập một phòng lạnh riêng để cứ mỗi 6 giờ làm thuốc một lần tại nhà. Anh chị em trong gia đình góp tiền giúp chị. Lãnh đạo công ty thông cảm, cho chị được đem sổ sách về nhà làm với mức lương thấp hơn một chút.

Đến tháng 5-2010 thì chị chỉ còn phải trả 5% tiền thuốc, do được chuyển từ đối tượng tự nguyện nhân dân sang đối tượng người nghèo. Hôm chúng tôi đến thăm chị ở tổ 27 phường Thạch Thang, quận Hải Châu, mẹ chị bảo chính sách BHYT đã giữ mạng sống con mình rồi ao ước: “Nếu những người mắc bệnh hiểm nghèo như con tui mà được miễn 100% chi phí điều trị BHYT thì sẽ có nhiều người nghèo được cứu sống hơn nữa”.

Theo số liệu của BHXH thành phố, Đà Nẵng hiện có 115.972 người nghèo (bao gồm nghèo và cận nghèo) được ngân sách thành phố hỗ trợ 100% tiền mua thẻ BHYT. Khi khám chữa bệnh, người nghèo được quỹ BHYT chi trả 95%, bản thân tự đóng cho bệnh viện 5%. Tuy nhiên, ngay cả 5% này hầu hết người nghèo cũng không trả nổi, nhất là người mắc bệnh hiểm nghèo phải chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc, chữa trị ung thư... Để hỗ trợ các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này, bệnh viện vận động các nguồn tài trợ. Theo bà Trần Thị Lý, Phó Giám đốc BHXH thành phố Đà Nẵng, bình quân mỗi tháng, Bệnh viện Đà Nẵng vận động hỗ trợ cho người có thẻ BHYT nghèo với tổng số tiền lên đến 20 - 30 triệu đồng.

Đằng sau những con số “âm”

Một sinh viên nghèo học năm 3 ở Đại học Đà Nẵng, người Quảng Bình, bị nhiễm trùng huyết, chữa trị ở Bệnh viện Đà Nẵng tốn hết 80 triệu đồng. Bệnh nhân không có BHYT, bệnh viện phải vận động, nhờ kêu gọi trên báo mới đắp đổi được số tiền này.

Tháng 5 vừa qua có một người bị tai biến mạch máu não phải trả hết 150 triệu đồng viện phí. Ngày 2-6 mua BHYT, nhưng người bệnh phải đóng thêm 1 tháng viện phí nữa, bởi theo quy định thì đến ngày 1-7 thẻ mới có giá trị.

Dẫn ra những trường hợp chậm chân này, bà Lý nêu lên một tình trạng chung là người dân khi khỏe mạnh không tham gia BHYT, khi ốm đau mới biết đến giá trị của tấm thẻ BHYT. Một số người mua BHYT xong, “nhịn” đau lại, chờ đến khi thẻ có hiệu lực mới đi bệnh viện, vì thế mà bệnh càng nặng thêm. Bệnh nhân nghèo có thẻ BHYT như có cái “bùa hộ mạng”, cảm thấy nhẹ cả người và căn bệnh chừng như cũng nhẹ hơn.

Ông Trần Tám, hộ nghèo phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), chẩn đoán tăng huyết áp, tổng chi phí trên 101 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả trên 99 triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Trí, hộ nghèo phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), tổng chi phí chữa bệnh trên 91 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả gần 86 triệu đồng. Nếu không tham gia BHYT thì những người nghèo này làm sao giữ được mạng sống?

Chính những trường hợp chi trả lớn như thế nên quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo của BHXH thành phố luôn “âm”: Năm 2010 thu 37,8 tỷ đồng, chi đến 44,4 tỷ đồng; quý 1-2011 thu 10,2 tỷ đồng, chi đến 13,4 tỷ đồng. Nếu kể thêm quỹ khám, chữa bệnh cho đối tượng tự nguyện nhân dân thì số “âm” càng lớn hơn: Năm 2010 thu 23,9 tỷ đồng, chi 69,8 tỷ đồng; quý 1-2011 thu 11,8 tỷ đồng, chi 22,8 tỷ đồng.

Đằng sau những con số “âm” này là ý nghĩa nhân văn của một chính sách, ở đó, người nghèo thoát được bệnh hiểm nghèo bằng chiếc phao cứu sinh từ sự đóng góp của toàn xã hội, trong đó có chính bản thân mình.

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.