.
Tản văn

Cho con

Từ lúc con cất tiếng khóc chào đời đã phải xa mẹ, một mình chống chọi với bệnh tật trong chiếc lồng kính, quanh người đầy dây nhợ. Mẹ không được gặp con. Sau 3 ngày, sức khỏe con không tiến triển. Chuyển viện. Lần đầu tiên mẹ ngồi trên chiếc xe cấp cứu. Chiếc còi hú liên hồi và đèn nhấp nháy. Lần đầu tiên cảm nhận hết sự căng thẳng của người lái xe và cô bác sĩ. Lần đầu tiên mẹ biết thế nào là gang tấc của sự sống.

Đường sá, dòng người tấp nập, tất cả mờ đi. Chìm khuất. Im lặng. Chỉ còn tiếng khóc nhỏ, yếu ớt và đôi mắt nhắm nghiền của con. Bàn tay con mềm, nhỏ xíu không thể ấm lên trong đôi tay lạnh giá của mẹ. Nhập viện, cô y tá gửi trả áo quần và cái khăn ấm, con mặc đồ bệnh viện.

Mẹ không được gặp con suốt những ngày dài đằng đẵng.  Con nằm ở phòng bệnh số mấy mẹ cũng không thể nào biết được.  Những lần cửa phòng khoa mở, hàng chục đôi mắt, trong đó có đôi mắt mẹ nhìn theo bóng các cô bác sĩ, y tá tiêm thuốc cho các bé. Những tiếng khóc do bị tiêm đau vang lên, mẹ cảm thấy như mũi kim ấy đâm vào tay mình, đau nhói.

Tiếng khóc nào là của con? Có thể do tiêm đau, tay con đã nắm lại rất chặt. Thói quen ấy con vẫn giữ cho đến khi được ra viện, về nhà. Bàn tay con khi ăn cũng như khi ngủ, các ngón nắm chặt, mẹ không thể nào gỡ ra được. Một mình con chiến đấu với các cơn đau, ngoài bác sĩ không có ai an ủi, vỗ về. Một vài lần mẹ được gặp con, là khi cô y tá bồng con đi chụp phim, yêu cầu có người nhà đi theo. Dì Hai đã năn nỉ cô y tá tốt bụng dừng lại cửa phòng, cho mẹ được ngắm con trong giây lát. Mẹ không nhìn rõ được vì nước mắt ngập tràn, con bé bỏng lọt thỏm giữa tấm chăn và chiếc bơm truyền thuốc dán sẵn ở đầu và cổ tay. Những sợi tóc bé xíu dính bệt vào trán. Đôi mắt con ngơ ngác, nhìn mẹ xa lạ. Và nhìn ai cũng xa lạ.

Mỗi ngày, nhiều em bé nhập viện, ra viện. Bé nào ra viện cũng nhận được một lời chúc đại để: Ăn nhiều, mau lớn và đừng quay lại nơi này nhé! Đây là nơi chỉ dành cho những bé chưa đủ một tháng tuổi, đến là nhiều nỗi đau và được trở về nhà  là một niềm hạnh phúc vô bờ.

Mỗi ngày, những bà mẹ ở cùng phòng vắt sữa, gửi sữa vào cho bé bú. Con mẹ đang cấp cứu, chưa thể uống được sữa. Mẹ nhìn cảnh vắt sữa, lòng thèm thuồng và ước mong con nhanh khỏe để mẹ có thể gửi sữa cho con. Cho con dòng sữa của mình là niềm tự hào của tất cả những người mẹ. Nhưng với mẹ, sao khó thế? 

Rồi cũng đến một ngày mẹ được phép gửi sữa cho con. Mỗi ngày 7 lần vắt sữa. Mẹ căng thẳng đến mức dòng sữa ít lại. Ban đêm 2 giờ sáng lọ mọ ngồi vắt sữa, nghĩ không biết có bao nhiêu bà mẹ đang làm công việc thiêng liêng này.

Rồi đến một ngày mẹ được bồng con trên tay, học cách cho con ăn dưới sự giám sát của bác sĩ. Mẹ trò chuyện, hát cho con nghe dù có thể con chưa hiểu. Đôi mắt con nhìn mẹ đã có sự ấm áp. Sau bao ngày chờ đợi, niềm hy vọng mẹ đúc từ những sợi mỏng manh nhất đã có kết quả. Những tin nhắn, những lời động viên của các chị, các em, cái nắm tay rất chặt của ba đã giúp mẹ giấu giọt nước mắt hạnh phúc sau lưng. Mẹ đã có thể mỉm cười bởi có con rạng ngời song hành trong cuộc đời của mẹ.

Hoàng Nhung
;
.
.
.
.
.