.
Tản văn

Hà Nội vẫn là Hà Nội

.
Tôi lại trở về Hà Nội. Những phố phường đầu hạ tím ngắt bằng lăng. Ngọn gió sông Hồng miên man trên vùng đất bãi.
Ha-noi.jpg
Hồ Gươm, Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
 
Qua những con đường ngoại ô, mùa thu hoạch ngô, những thân cây còn nguyên trái ngổn ngang trên vệ đường trong những căn chòi dựng tạm, bên cạnh là nồi ngô luộc thơm vị đồng quê đất bãi níu chân khách bộ hành dừng lại thưởng thức món quà quê thơm thảo đầu mùa. Những hạt ngô nếp ngọt và bùi, chẳng giống thứ ngô Mỹ, ngô lai ngọt lợ vị đường giả tạo. Mùa nào thức ấy, lại nhớ trong cái lạnh tê người của những ngày đông buốt giá cả lũ bạn quây quần bên lò than ấm nóng, nhâm nhi những quả ngô nướng vàng ươm, thêm một chút hành phi và mằn mặn vị muối thì không thể nào tuyệt vời hơn.

Đồng xa đồng gần, phù sa sông Hồng mỡ màng trên những đồng bãi ven cầu Thăng Long, cầu Vĩnh Tuy, cầu Long Biên đang mướt xanh những hàng rau, hàng hoa, tíu tít sắc vàng hoa bầu hoa bí. Ra Hà Nội thích nhìn những bà, những chị chở đầy ắp hoa hồng, hoa sen trên những chiếc xe đạp loanh quanh trong những con phố hẹp. Bạn tôi bảo, hoa mùa này rẻ lắm, 10 nghìn đồng 100 bông hoa hồng nụ, bán như cho. Thấy thương người trồng hoa tảo tần hôm sớm trên những đồng hoa Tây Tựu, Nghi Tàm… Nhà mình có chậu hồng trên sân thượng chăm mướt mồ hôi mới lòe xòe vài bông trong cái nắng gắt miền Trung. Còn ở đây, hoa đủ màu đủ sắc theo những vòng xe, hoa ngậm hương nồng nàn một góc Tây Hồ.

Mà Hà Nội mùa này cũng nóng. Lạnh thì buốt da buốt thịt và nóng cũng dở người. Tây ba lô áo may-ô đỏ cháy làn vai lượn lờ phố cổ, ghé Tạ Hiện làm vài cốc bia hơi vỉa hè ngắm người qua đường trong nhễ nhại mồ hôi. Lúc ấy chỉ muốn được đi dưới những rặng xanh của sấu, của bàng, của xà cừ, của cây cơm nguội trên các con phố Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hoàng Diệu, Quang Trung… để nghe tiếng lao xao của gió, tiếng ngân nga của lũ ve hát khúc nhạc hè. Bỗng nhớ bài hát “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” của nhạc sĩ Hồng Đăng: “Trưa nay qua đường phố quen, gặp những tiếng ve đầu tiên, chợt nghe tâm hồn xao xuyến, điệp khúc tiếng ve triền miên..”. Bài hát không một từ Hà Nội, nhưng người ta vẫn biết đấy là Hà Nội, là tình cảm của những người con xa Hà Nội. Chiều Hồ Gươm tỏa bóng phượng đỏ. Giới trẻ Hà Nội bây giờ có thú uống trà chanh bên vỉa hè nhà thờ. Thứ nước uống rẻ tiền chẳng có gì đặc biệt thế mà tụm ba tụm bảy ngồi tám chuyện. Hóa ra chỉ do người ta thích chen chúc giữa đám đông, thích sự xô bồ phố xá, thích ngồi ngắm những trang phục theo mùa của nam thanh nữ tú, mà không nghĩ rằng mình đang góp phần làm giàu cho những ông chủ bỏ vốn ít thu lợi nhiều từ nước lã, đá và chanh, cộng với vỉa hè công cộng.

Về Hà Nội được lựa chọn nhiều thứ quà sáng, chỉ có bún mà có bún ngan, bún thang, bún riêu, bún mọc, bún dọc mùng, bún đậu mắm tôm, giờ thêm bún bò Huế, bún mắm, rồi lại phở, bánh cuốn, bánh đa cua… và thật lạ, người ta ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng, không giống người miền Nam thường thưởng thức vào ban đêm. Hà Nội nhiều món ăn ngon, nhưng ăn xong mời bác ra vỉa hè xơi nước. Những quán nước vỉa hè, chỉ cần một hộp thuốc, một lọ thủy tinh kẹo đậu, một điếu cày, một ấm tích là có thể kiếm được cả trăm nghìn một ngày với những lũ lượt dòng người kéo ra từ các quán ăn. Dân công sở quần là áo lượt cũng sẵn sàng ngồi bên vỉa hè làm chén chè Thái Nguyên trước mỗi ngày làm việc. Ông hàng nước nói vui, thời buổi lạm phát mình góp phần thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ bình ổn giá cả với chén trà một nghìn đồng không tăng giá. Thế mới kinh. Dân Hà Thành lúc nào cũng thời sự. Giá mà mấy bác giữ xe ở bên Trung tâm thương mại Vincom, chợ đêm Đồng Xuân và nhiều điểm khác cũng nghĩ đến điều này thì dân Hà Nội và du khách được nhờ, khi một chiếc xe vào chợ đêm phố cổ xin gửi lại đến 20 nghìn đồng.

Hà Nội bao giờ cũng vậy. Lạ mà quen. Đi xa lâu ngày  thấy Hồ Tây thêm lô nhô cao ốc, các khu đô thị hết Nghi Tàm, Quảng Bá, giờ đến Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế, Xuân Phương… húng Láng đã nhường chỗ cho nhà cao nhà thấp, cho chật chội phố phường giờ đến hồng xiêm Xuân Đỉnh, đến cam Canh, bưởi Diễn. Nhiều lúc ngang qua Nghi Tàm, Nhật Tân bỗng tiếc, giá mà giữa thành phố có một làng hoa. Hà Nội bây giờ ồn ào và bụi bặm, chuyện kẹt xe đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện, ngồi nói chuyện người Hà Nội cứ tính cuối tuần đi Nha Trang, Đà Nẵng, nơi đối với họ giờ đây như chốn thiên đường với không gian thoáng đãng, với cát trắng và biển xanh, những khu nghỉ dưỡng nguy nga tráng lệ, và những món quà biển rẻ rề dù không như hoa hồng Hà Nội.

Hà Nội trong tôi đầy ắp kỷ niệm, dù giờ đây tôi đã là công dân ở thành phố có “đường lên tiên cảnh”, thành phố có núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi ( Thơ Ngân Vịnh). Nhưng mỗi lần về Hà Nội lại có gì như níu chân mình. Một góc phố, hàng cây, bờ đê, ngõ hẹp. Chiều lang thang phố phường, ghé phố sách Đinh Lễ, trong những dòng người lại qua bỗng ngân lên từ trong quán nhỏ âm thanh một bài hát của Nguyễn Đức Cường: “Đưa em đi qua thăng trầm bao tháng năm đã úa màu, gọi tên từng phố cổ, chiều nhạt nhòa hồ Gươm lung linh, ngọt ngào hoa sữa thơm. Gọi mùa thu về thật lâu để ta biết... nồng nàn…”. Tình yêu Hà Nội của những người trẻ vẫn vậy, nồng nàn như ngày xưa những người lính ra trận nhớ về thành phố tuổi thơ có tiếng ve trên đường vắng hát theo bước hành quân dù Hà Nội hôm nay đã bao đổi thay. Như tôi, mỗi lần về Hà Nội, lạ và quen, nhưng muôn đời Hà Nội vẫn là Hà Nội.

Trà Xuân Phương
;
.
.
.
.
.