.

Trà Bắc ở Đà Nẵng

.
Những năm đầu sau ngày giải phóng, người dân Đà Nẵng bắt đầu được thưởng thức vị trà Bắc. Qua năm tháng, chính vị chát, ngọt của trà Bắc đã dần chinh phục người Đà Nẵng và người miền Nam, nói chung. Đến nay, những người miền Bắc đang công tác, sinh sống tại Đà Nẵng không mấy khó khăn để có một bạn trà là người gốc Đà Nẵng.

Nghệ thuật uống trà Bắc

Mô tả ảnh.
Chị Nguyễn Thị Trinh - chủ tiệm trà Bắc, ki-ốt số 7 chợ Hàn - Đà Nẵng.
Tuy không rườm rà như trà đạo Nhật Bản, nhưng việc pha trà Bắc cho ngon, nhất thiết phải tuân theo một số bước như sau: Đầu tiên là chọn trà, sau đó đun nước sôi, thường là nước mưa, nước giếng đất (giếng nước cổ ở các vùng nông thôn miền Bắc), nhưng ngon nhất là nước giếng đào ở chính vùng đất đá ong của vùng trung du. Ở Đà Nẵng, người cầu kỳ có thể lên lấy nước suối ở Hải Vân hoặc núi Sơn Trà, còn đơn giản thì dùng nước máy, nước sạch, tất nhiên là không thể ngon bằng các loại nước trên, vị ngon của trà cũng sẽ giảm đi.

Kế đến là công đoạn rửa trà. Sau khi bày ấm chén xong, người ta dùng nước đun sôi tráng cả ấm và chén cho nóng. Cho trà vào, đổ nước sôi sao cho ngập trà, để chừng 30 giây đến 1 phút, chắt nước ra. Sau đó đổ một lượng nước  vừa phải vào ấm chờ vài phút, chắt ½ lượng nước ra chén và nước trong chén chỉ đạt ½ chén. Tiếp tục đổ nước sôi vào ấm, chờ tiếp vài phút, tiếp tục chắt nước từ ấm vào chén đến khi lượng nước đạt ¾  thể tích của chén thì thôi…

Uống trà phải có 3 người mới thú, mới vui (trà tam, tửu tứ). Sau khi làm đủ các công đoạn trên, cả khách và chủ nâng ly nước trà sóng sánh, lúng liếng như mắt cô gái tuổi trăng tròn, phảng phất hương thơm dịu nhẹ. Khi bưng ly trà lên uống phải bưng khẽ, không để mặt nước lay động, vỡ mất hương trà đang tụ ở mặt chén. Trước khi uống phải uống bằng mũi, rồi từ từ nhâm nhi, từng ngụm trà thì trà mới ngon. Tuy nhiên, hiện nay để đơn giản, người ta thường đổ nước một lần sau khi đã rửa trà.

Đối với các loại trà đã ướp hương, với hương hoa nào, người ta gọi tên cho trà bằng loại hoa ấy. Ướp hương hoa cũng có những công nghệ khá cầu kỳ. Chẳng hạn, để có ấm trà sen ngon, người uống trà lấy đủ lượng trà cho vừa một ấm. Vào buổi chiều, người ta đi thuyền, thúng, hoặc ghe nhỏ ra hồ sen, tìm một bông hoa chuẩn bị nở, bỏ nhúm trà vào trong hoa. Sau đó dùng dây cột lại (không cho hoa nở). Sáng hôm sau, khi trà đã thấm hương hoa, người ta ngắt cả bông hoa sen mang về và lấy riêng trà ra, pha theo quy trình đã trình bày ở trên, sẽ được ly trà vừa ngon, vừa quyện với hương sen.

 Nếu có nhiều người bạn trà mà mỗi người lại thích một thứ hương của các loại hoa khác nhau thì người ta chỉ cần pha một ấm trà chung cho tất cả. Nhưng sẽ ướp hoa trực tiếp vào ly, bằng cách lấy một vài bông hoa còn tươi, để hoa vào những chiếc đĩa để đựng ly, sau đó úp ly vào đĩa có hoa, để từ 12 giờ trở lên, trước khi uống. Như vậy, chỉ cần một ấm trà có thể thỏa mãn được sở thích của nhiều người uống trà với các loại hương hoa khác nhau.

Người Đà Nẵng, mê trà Bắc

Trước giải phóng, người Đà Nẵng uống các loại trà nổi tiếng thời bấy giờ như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Kim Long, Mai Hạc (Tam Kỳ), Phú Thượng - Hòa Vang. Riêng trà Phú Thượng là một trong 3 đặc sản nổi tiếng của người Hòa Vang.

Một người khách mua trà tại quầy số 7 chợ Hàn cho biết, sinh ra ở vùng quê Tiên Phước, từ nhỏ cho đến khi trưởng thành ở với cha mẹ, ông chỉ quen uống chè xanh. Lớn lên, có gia đình ở Đà Nẵng, qua quá trình tiếp xúc với người Đà Nẵng, trong đó có nhiều người Bắc đang sinh sống ở Đà Nẵng nên ông thường xuyên được mời uống trà Bắc. Lâu dần, thành quen và nghiện trà Bắc. Ông kể rành rọt quy trình pha trà. Tuy chưa đạt tới trình độ “Hàn lâm”,  nhưng ông cũng đã biết cách chọn trà, nếm trà để phân biệt được trà ngon. Sau bữa cơm, dứt khoát phải có một ly trà Bắc tráng miệng, nhất là trà Thái Nguyên. Chị Nguyễn Thị Trinh - chủ tiệm trà Bắc này cho biết: Mỗi  ngày tiệm của chị bán từ 10 đến 20kg trà Bắc các loại, trong đó trà Thái Nguyên chiếm trên 50%. Nguồn trà lấy từ những người đi Bắc mang vào, hoặc một số đại lý lớn ở thành phố. Song do trà chủ yếu không có nhãn mác và kinh nghiệm chưa nhiều, nên nhiều khi mua nhầm một số trà không phải trà Thái Nguyên.

Gia đình chị Lâm Diệu Xoa, đã có 3 đời kinh doanh trà,  tại cửa hàng trà Hải Âu 362 Ông Ích Khiêm của chị, người ta có thể mua được hàng chục loại trà khác nhau. Trà Thái Nguyên được bán từ năm 1976. Hiện cửa hàng của chị, trà Thái Nguyên chiếm tới trên 30% sản lượng bán, với doanh thu khá lớn. Một số cơ sở chế biến trà có tiếng ở Thái Nguyên như: Cơ sở Kim Hương, Đại Từ... là nơi cung cấp hàng thường xuyên cho cửa hàng. Nhưng phổ biến vẫn là trà Mộc (không có nhãn mác, người sành trà mới phân biệt được), vì thế đôi khi cũng không tránh được sự nhầm lẫn giữa trà Thái Nguyên với các loại trà ở các địa phương khác của miền Bắc.

Hiện nay, trà Thái Nguyên đã là thứ nước uống phổ biến, sành điệu của người Đà Nẵng. Song để giúp người tiêu dùng khỏi nhầm lẫn khi mua phải trà cần phải có sự quảng bá rộng rãi, một cách có tổ chức. Ngoài ra, phải có những đại lý trà của các cơ sở sản xuất, chế biến nhằm phổ biến một đặc sản quý của Thái Nguyên đến người tiêu dùng.

Đức Thịnh
;
.
.
.
.
.