Nhiều thập kỷ qua, phim ảnh Bollywood phát hành đều được sự giúp đỡ, quảng cáo, giới thiệu của bạn đồng hành là những bức tranh áp-phích đẹp, đầy màu sắc được trang trí trên các con đường khắp đất nước Ấn Độ. Hình ảnh diễn viên hay phong cảnh trong phim từ nàng công chúa, anh hùng, các công thần hay những kẻ thiện ác đều được các họa sĩ chuyên vẽ tranh áp-phích tô điểm bằng nhiều màu sắc mạnh mẽ, rực rỡ trên các pa-nô khổ lớn treo chót vót trên cao ngoài đường phố.
Phố Bollywood, Mumbai, nơi lâu nay vốn có đến 300 họa sĩ, nghệ nhân chuyên sống bằng nghề vẽ tranh áp-phích phim nhưng hiện nay số người làm công việc này chỉ còn lại đủ đếm trên đầu ngón tay, bởi hầu hết, tranh vẽ bằng tay của họ đang chạm trán với địch thủ mới: Thời đại tin học - tranh áp-phích vẽ và xử lý qua phần mềm của máy tính. Họa sĩ Sheikh Rehman, người có 54 tuổi nghề là một trong số họa sĩ ít ỏi còn lại đó. Ông chứng kiến sự giẫy chết của tranh áp-phích-vẽ-tay trước giá thành rẻ như cho và độ chính xác, nhanh nhẹn của tranh áp-phích xử lý qua vi tính.
Hinesh Jethwani, chuyên gia nghiên cứu và sưu tập tranh áp-phích phim ở Bollywood nói: “Nhiều họa sĩ của chúng tôi xem tranh áp-phích-vi-tính bây giờ như món ăn nhanh “fast food”, còn tranh áp-phích-vẽ-tay trước đây như bữa cơm nhà thương yêu do chính tay bà mẹ nấu nướng”. Ông nói thêm “Không thể khác được, tốc độ là điểm cốt yếu của dịch vụ, họa sĩ vẽ áp-phích bằng tay khó có thể theo được vì 2 lý do: Tranh vẽ tay tốn nhiều thời gian và vì thế nên giá thành rất cao”. Tuy vậy ông cũng phải thừa nhận rằng “Tranh áp-phích vẽ tay như bức thư tình được viết bằng nguyên vẹn cảm xúc từ trái tim, khối óc thậm chí cả bằng mồ hôi và nước mắt, trong khi ngược lại, tranh áp-phích vẽ bằng vi tính thì vô hồn, không sinh động và tẻ nhạt”. Ông cũng đồng tình với một số ý kiến của những diễn viên gạo cội của Bollywood, họ thích tranh áp-phích được vẽ bằng tay hơn vì qua đó, diện mạo hay nhân cách của nhân vật trong câu chuyện phim được họa sĩ lột tả sâu sắc hơn, phù hợp với phong cách, tình cảm khi qua sự diễn xuất của diễn viên.
Tuy nhiên, như chuyên gia Hinesh Jethwani đã nói, tranh áp-phích vẽ tay ở Bollywood ra đời từ những năm 30 đến nay đã “hết mùa”, đã thực sự chết dưới sức vóc đa dạng, phong phú và cực kỳ tốc độ của thời kỳ vi tính. Nếu còn, ông chỉ gặp được ít ỏi một vài pa-nô tranh áp-phích giới thiệu phim xuất hiện cũ kỹ trong những thôn làng xa xôi, hẻo lánh. Và, áp-phích phim Bollywood vẽ bằng tay, được xem là bộ môn nghệ thuật rực rỡ một thời nay chỉ còn trong bộ sưu tập quý giá mà ông mong muốn giữ lại cho các thế hệ về sau.
Hoàng Đặng