Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), kể từ ngày 1-1-2010, học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Tuy nhiên, do chưa có chế tài bắt buộc nên việc thu bảo hiểm HSSV của các trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Học sinh, sinh viên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT. |
Hưởng nhiều ưu đãi
Những quy định của Luật BHYT có lợi hơn cho người tham gia, đặc biệt là HSSV. Người tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) được mở rộng hơn trước, được trích chuyển 12% quỹ KCB để làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đây là tiền đề quan trọng để các trường thực hiện y tế học đường, giúp HSSV chăm sóc sức khỏe ngay tại trường học, giúp phụ huynh giải quyết những khó khăn khi con em họ không may bị ốm đau, bệnh tật.
Số liệu từ Phòng Giám định y tế, Bảo hiểm Xã hội thành phố Đà Nẵng (BHXH) cho biết, trong năm học 2009 – 2010, các cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT đã điều trị ngoại trú cho trên 130.000 lượt, điều trị nội trú gần 10.000 lượt HSSV với tổng chi phí gần 15 tỷ đồng. Trong đó có những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, điều trị tại bệnh viện với các dịch vụ phẫu thuật cao, chi phí lớn.
Em Nguyễn Thảo Nhi, học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ, bị đa chấn thương, phù não nặng do tai nạn giao thông, phải điều trị gần ba tháng, tổng chi phí lên tới 148.890.000 đồng, được BHXH thành phố chi trả 119.116.000 đồng. Em Lê Văn Phong, học sinh Trường tiểu học Phan Phu Tiên (Liên Chiểu) bị viêm dạ dày, xuất huyết giảm tiểu cầu, nhập viện 7 ngày, chi phí điều trị lên tới 41.129.000 đồng, được bảo hiểm chi trả 32,903 triệu đồng. Em Hứa Vũ Hạnh Nguyên, sinh viên Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng mổ vẹo cột sống chi phí lên tới 37.489.000 đồng và được bảo hiểm chi trả 30.279.000 đồng... Đây là những trường hợp trong rất nhiều trường hợp HSSV đã giảm được một khoản chi phí rất lớn khi điều trị bệnh, nhờ tham gia BHYT. Tuy nhiên, bà Đặng Thị Phong, Phó trưởng phòng Thu-BHXH thành phố Đà Nẵng cho biết công tác thu BHYT HSSV trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn còn những vướng mắc. Bên cạnh những trường có tỷ lệ HSSV tham gia đạt trên 90% như Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm, Đại học Đông Á thì vẫn còn một số trường tỷ lệ HSSV tham gia còn thấp như Đại học Bách khoa (53%), Cao đẳng Công nghệ (51%), đặc biệt khối trung cấp chỉ đạt 37,51%, khối Giáo dục thường xuyên đạt 39,96%.
Bắt buộc hay tự nguyện?
Anh Trần Văn Phi, cán bộ y tế Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho biết, năm 2010 trường có 95,7% sinh viên tham gia BHYT. Đây là tỷ lệ khá cao so với các trường trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên việc thu BHYT vẫn còn rất nhiều bất cập. Luật bảo hiểm bắt buộc HSSV tham gia nhưng không có một chế tài bắt buộc nào nên việc mua bảo hiểm vẫn chỉ trông chờ vào sự tự nguyện của sinh viên. Anh Phi nhấn mạnh: BHYT với sinh viên rất cần thiết. Gia đình càng nghèo, càng khó khăn thì càng cần.
Một thực tế cho thấy, trường nào cũng muốn học sinh trường mình tham gia BHYT vì chính bản thân các em. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện và hiểu rõ tầm quan trọng của BHYT. Vì vậy, dẫn đến tình trạng một số trường học trên địa bàn thành phố tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT còn thấp. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Bá Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (Xuân Hà, Thanh Khê) cho biết, chủ trương của BHYT học sinh nói chung là việc làm mang tính nhân đạo rất lớn. Nhất là trong cộng đồng dân cư nghèo, vì nó mang tính tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Nhà trường cũng biết đây là việc làm đúng nên đã vận động cha mẹ học sinh trong các cuộc họp phụ huynh. Song, do địa bàn dân cư quá nghèo nên việc thu gặp rất nhiều khó khăn. Trường có 719 học sinh, nhưng có tới 144 em thuộc diện hộ nghèo được miễn BHYT, thành ra trong năm học 2010 – 2011, trường chỉ có 200 học sinh có điều kiện mua BHYT.
Đây cũng là cái khó chung cho những trường nằm trên địa bàn vùng ven biển, vùng nông thôn còn nhiều khó khăn của Đà Nẵng. Thiên tai, bão lụt, cùng với kinh tế giảm sút, nhiều gia đình lo cho các em được đến trường đã là một cố gắng quá sức. Số tiền gần 200 ngàn đồng mua BHYT với gia đình khá giả là rất nhỏ nhưng với hộ thu nhập thấp, đó là con số không hề nhỏ. Vì vậy để người dân hiểu được “gia đình càng nghèo, càng khó khăn thì càng cần BHYT” là một điều không hề dễ dàng.
Cũng theo ông Thanh, để triển khai tốt việc thực hiện BHYT học sinh trong những năm học tới, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền. Ngoài việc các thầy, cô giáo tham gia với góc độ vận động phụ huynh học sinh, thì các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần quảng bá những mặt tốt của BHYT và chú trọng tuyên truyền về Luật BHYT mới. Phải có chế tài cụ thể để việc thực hiện mua BHYT đạt kết quả cao.
Quyền lợi KCB bằng BHYT: HSSV được thanh toán 100% chi phí KCB khi tổng chi phí một lần KCB thấp hơn 15% mức lương tối thiểu hiện hành hoặc KCB tại tuyến phường, xã. Trong trường hợp KCB không đúng tuyến đăng ký ban đầu và đến những bệnh viện công lập thì được hưởng mức thanh toán 70% chi phí KCB tại các bệnh viện hạng 3, 50% khi KCB tại bệnh viện hạng 2 và 30% tại bệnh viện hạng 1. Đây là quy định mới tạo điều kiện cho HSSV tham gia được quyền lựa chọn nơi KCB mà không phụ thuộc vào nơi đăng ký ban đầu. |
Thu Hà