.

Ẩn trong những trang viết ngây thơ

.
Từ ngày 6-7 đến 16-8-2011, Trại sáng tác Văn học – Mỹ thuật thiếu nhi Đà Nẵng hè 2011 đã diễn ra theo kế hoạch liên ngành do Liên hiệp các hội VHNT và Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng tổ chức. Đây là một trong những hoạt động phát hiện, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu văn học - mỹ thuật, góp phần phát triển lực lượng sáng tác trẻ của thành phố.

Mô tả ảnh.
Các em tham dự Trại sáng tác hè - mảng Văn học 2011.
 
Riêng mảng Văn học, hơn 40 tác phẩm thơ văn của 14 tác giả thiếu nhi được tuyển chọn từ các trường THCS, THPT đã tham gia Trại sáng tác năm nay. Trong số đó, các em nhỏ nhất thuộc lứa tuổi học lớp 6, lớn nhất ở lứa tuổi học lớp 10. Có em lần đầu đến với trại viết, cũng có em đã từng tham gia và đoạt giải thưởng một vài lần. Nhìn chung, trong một thời gian ngắn ngủi 20 ngày, hầu hết các em đều tập trung, nỗ lực để hoàn thành tác phẩm. Thậm chí,  nhiều em hoàn thành cả chùm thơ văn, gồm nhiều sáng tác cấu trúc khá công phu.

Em Đinh Quỳnh Như (lớp 8/2 THCS Nguyễn Khuyến) có đến 9 tác phẩm dự Trại. Đọc những trang viết của Đinh Quỳnh Như có thể thấy rõ nơi tác giả này thể hiện một phong cách khá riêng biệt đó là những truyện ngắn, tản văn đậm chất thơ, hoặc có bài thực sự là Thơ văn xuôi (mà chính tác giả có lẽ chưa xác định được thể loại). Điển hình như ở một số đoạn ở bài “Bằng lăng tím”: “Này bạn hiền. Có cái gì vương trên mái tóc bạn. Cúi xuống cho tôi xem nào. À thì ra một bông bằng lăng. Bằng lăng đã tím thẫm cả một góc trường rồi kia, bạn có thấy không?/ Này bạn hiền. Cuốn vở bạn có cái gì đo đỏ kia. Sao lại tủm tỉm cười như thế? Đưa cho tôi xem với nào! Ồ, thì ra là một cánh phượng ép khô”. Chủ đề của Đinh Quỳnh Như thường giàu tính nhân văn, em đi sâu vào những mảnh đời cơ nhỡ, những bạn nhỏ bị chất độc da cam... Tuy nhiên, để tác phẩm hoàn chỉnh hơn, Quỳnh Như cần chú ý không nên trích dẫn lồng vào bài viết những mẩu câu dư thừa, sáo ngữ, chỉ mang tính trang trí mà không phục vụ nội dung.

Mô tả ảnh.
Thăm người lính đảo.(Đỗ Chí Quyên)
Em Đinh Quỳnh Anh (lớp 10/6 THPT Phan Châu Trinh), chỉ tham gia với truyện ngắn duy nhất “Chong chóng gió”. Nhưng chính đây là một trong những tác phẩm được Ban Giám khảo đánh giá thành công của Trại viết. Nội dung câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ giữa hai mảnh đời trái ngược: Một bên là gã thiếu niên giàu có chán ghét gia đình, muốn bỏ nhà đi hoang; một bên là một cô bé nghèo khổ bán chong chóng gió chỉ mơ ước có một mái nhà để trở về. Câu chuyện diễn đạt hồn nhiên, tình tiết khéo léo, dẫn đến một kết thúc có hậu bất ngờ.

Em Đinh Anh Thư (lớp 8/6 THCS Nguyễn Khuyến) có hai tác phẩm “Sâu” và “Bạn”  có lối viết nhẹ nhàng, trong sáng, nội dung phù hợp với lứa tuổi mới lớn. Song cũng tương tự trường hợp đã nêu của tác giả Đinh Quỳnh Như, Anh Thư cũng thường chen vào bài viết những đoạn dẫn đề không cần thiết, dễ gây nên rối rắm nội dung (nguyên nhân có thể những tác giả này thường dùng các dẫn đề trang trí ở các blog, để giao lưu bạn bè trên mạng).

Lê Thị Huyền Nga (lớp 10/12 THPT Thái Phiên) tham gia hai truyện ngắn “Ma nữ” và “Nụ cười tuổi 15”. Điều gây nên ấn tượng đầu tiên của Huyền Nga, là ở mỗi tác phẩm của em đều khá dài, tình tiết cấu trúc phức tạp, gay cấn. Tuy nhiên, có lẽ cũng từ yếu tố này đã thể hiện Huyền Nga đang có những nỗ lực ngoài sức mình, do đó dẫn đến nhiều chi tiết, tình huống tác giả không giải quyết nổi. Cụ thể, có nhiều đoạn rất cảm động, nhưng cạnh đó, lại có nhiều đoạn dẫn dắt vội vã, bất hợp lý... Nếu chú ý giảm bớt những chi tiết dư thừa, cấu trúc nội dung súc tích hơn, hy vọng thời gian đến sẽ có những tác phẩm thành công.

Huỳnh Thị Ánh Nguyệt (lớp 10/1 THPT Nguyễn Thượng Hiền) tham gia nhiều tác phẩm cả thơ lẫn văn, nhưng tác phẩm thành công là một bài thơ “Ẩn” đơn giản, hiền hòa mà nhiều ý nghĩa: “Phần thơm nhất của hoa/ Là nhụy vàng óng ánh/ Phần thơm nhất của bánh/ Là nhân đậu, hạt sen/ Phần sáng nhất của đèn/ Là ngọn bấc li ti/ Ẩn trong vẻ xù xì/ Là múi mít thơm ngát/ Ẩn trong vỏ trấu vàng/ Là hạt gạo quê hương...

Hoàng Thị Vân Anh (lớp 10C1 THPT chuyên Lê Quý Đôn) với truyện ngắn “Vấp ngã”, Phan Thị Thảo Hạnh (lớp 7/5 THCS Nguyễn Khuyến) với truyện ngắn “Chuyện kể về những chiếc lá”... là những gương mặt mới đem đến sắc màu phong phú cho Trại viết năm nay.

Một số em khác, có thể  do chủ quan, hoặc do lần đầu mới làm quen với Trại sáng tác, nên tác phẩm chưa được đánh giá cao. Tuy nhiên, qua suốt thời gian 20 ngày dự Trại, với các em không chỉ là sáng tác, mà còn có những cuộc gặp gỡ giao lưu, vui chơi, khảo sát đầy thú vị bổ ích. Hy vọng từ những thực tế sống động ấy, sẽ gợi mở cho các em nguồn cảm hứng  phong phú để có những trang viết thành công trong thời gian đến.
 

Trại sáng tác Văn học – Mỹ thuật thiếu nhi Đà Nẵng hè 2011 kết thúc với 3 giải nhì và 4 giải ba (Văn học) và 1 nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba (Mỹ thuật)

1- Văn học

Giải nhì:
+ Thơ: Có một mùa mưa (Đinh Quỳnh Như, lớp 8/2 THCS Nguyễn Khuyến)
+ Văn: Chong chóng gió (Đinh Quỳnh Anh, lớp 10/6 THPT Phan Châu Trinh); “Sâu” và “Bạn” (Đinh Anh Thư, lớp 8/6 THCS Nguyễn Khuyến).
Giải ba:
+ Thơ: Ẩn (Huỳnh Thị Ánh  Nguyệt, lớp 10/1 THPT Nguyễn Thượng Hiền).
+  Văn: Nụ cười tuổi 15 (Lê Thị Huyền Nga, lớp 10/12 THPT Thái Phiên); Vấp ngã (Hoàng Thị Vân Anh, lớp 10C1 THPT chuyên Lê Quý Đôn); Chuyện kể về những chiếc lá ( Phan Thị Thảo Hạnh (lớp 7/5 THCS Nguyễn Khuyến).

2- Mỹ thuật

Giải nhất: Vui chơi bên bãi biển (Phan Thị Kim Duyên, lớp 4/3 Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh).
Giải nhì: Các chú công nhân điện (Hà Thảo Linh, lớp 5/3 Trường tiểu học năng khiếu ĐN), Thăm người lính đảo (Đỗ Chí Quyên, lớp 8/3 Trường THCS Lý Thường Kiệt).
Giải ba: Bảo tàng Đồng Đình (Trần Nguyễn Thục Đoan, lớp 5/2 Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ); Lễ hội cầu ngư (Nguyễn Cửu Nguyên Nguyên, lớp 6/1 Trường THCS Nguyễn Khuyến); Hải Quân (Phạm Phương Cát Minh, lớp 7/1 Trường THCS Kim Đồng).

TRẦN TRUNG SÁNG
;
.
.
.
.
.