Việc Quốc hội ban hành Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005 đã đánh dấu bước phát triển mới, thể hiện quyết tâm trong việc thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền SHTT vẫn còn diễn ra đối với hầu hết các đối tượng được bảo hộ. Từ thực tế này, cuối tháng 7 vừa qua, tại Trường Cao đẳng Công nghệ (thuộc ĐH Đà Nẵng), Cục Bản quyền tác giả, ĐH Đà Nẵng và Microsoft Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Thực thi Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan trong trường đại học” dành cho lãnh đạo của các trường ĐH, CĐ miền Trung - Tây Nguyên.
Theo TS Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL), nguyên nhân của tình trạng này là nhận thức, hiểu biết trong công chúng, người có quyền và nghĩa vụ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật không nghiêm. Mặt khác, bản thân Luật SHTT cũng còn một số điểm chưa tương thích với pháp luật quốc tế và bộc lộ những hạn chế, bất cập từ thực tiễn thực thi trong những năm qua.
Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, thực trạng bảo hộ quyền SHTT tại các trường ĐH hiện gặp phải nhiều khó khăn. Đáng chú ý là việc thiếu các quy định chi tiết về quyền sở hữu của nhà trường đối với các tài sản trí tuệ phát sinh trong quá trình nghiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên tại trường; thiếu một đơn vị chuyên trách để giải quyết các vấn đề về bảo hộ quyền trí tuệ phát sinh ngay tại các trường; các trang thiết bị, nhằm kiểm soát và khống chế hành vi xâm phạm quyền SHTT còn hạn chế. Nạn sao chép tài liệu, luận văn... diễn ra thường xuyên đã khiến cho trường đại học - môi trường giáo dục bậc cao - trở thành nơi vi phạm quyền SHTT vừa nhiều, vừa phức tạp. Thậm chí có đại biểu lên tiếng gay gắt: “Nhiều giảng viên, sinh viên vi phạm rất hồn nhiên. Việc sao chép tài liệu, giáo trình… “không phép” đang diễn ra phổ biến trong sinh viên mặc dù hành động này là trái luật”.
Từ chuyện đạo văn
Theo TS Vũ Mạnh Chu, ở nhiều công trình biên soạn, hiện nay có những “chủ biên” nhưng không bao giờ “biên” một chữ nào. Điều này là không nên vì nó sẽ ảnh hưởng đến những người “biên” khác.
Một thông tin dẫn chứng từ báo Nông Nghiệp Việt Nam: “Chỉ từ tháng 6-2009 đến nay, có tới 4 TS của ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) bị phát hiện “đạo văn”. Trong đó, chỉ riêng TS Mai Hảo Yến đã “đạo” liền 3 công trình khoa học của cố GS Đỗ Hữu Châu, GS Diệp Quang Ban, đề tên mình rồi bán cho học trò.
Gần đây nhất, vào tháng 6-2011 là vụ “lùm xùm” từ cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” của GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương (Trường ĐH KHTN- ĐHQGHN) và PGS.TS Phạm Hồng Tung (ĐHQGHN) chủ biên. Cuốn sách được coi là nhánh của công trình khoa học cấp Nhà nước do các bậc thầy trường ĐH biên soạn đã đạo văn hàng chục trang. Cụ thể, trong số 4 bài viết nhân vật tiêu biểu trên thế giới, người đọc đều có thể nhận ra, có đến 3 bài viết nhiều đoạn copy nguyên văn từng câu từng chữ. Song khi bị báo chí phát hiện chất vấn, thì các tác giả đã trả lời loanh quanh, không biết ai là “chủ biên”, không biết ai là “biên”!
Đến chuyện vi phạm nhãn hiệu
“Cần thiết mở các lớp ngắn hạn về SHTT cho các đối tượng khác nhau (trình độ A,B,C); đưa môn học SHTT vào giảng dạy cho sinh viên các trường ĐH, CĐ, trên cơ sở khai giảng thử chương trình tài liệu của 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ trọng điểm về xây dựng chương trình, tài liệu giảng dạy SHTT trong lĩnh vực khoa học giáo dục, lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực kỹ thuật và nông-lâm-y dược. Trong đó khoa Luật-ĐH Huế được giao biên soạn chương trình, tài liệu môn học SHTT trong các trường ĐH, CĐ lĩnh vực khoa học giáo dục”. |
Câu chuyện khiếu nại của ĐH Đông Á Đà Nẵng xuất phát từ việc ĐH Công nghệ Đông Á tại Bắc Ninh bị Bộ GD-ĐT cấm tuyển sinh năm học 2010-2011, khiến nhiều phụ huynh, sinh viên hiểu nhầm đấy là Trường Đông Á tại Đà Nẵng. Theo lãnh đạo trường ĐH Đông Á Đà Nẵng: Nhãn hiệu ĐH Đông Á đã được ĐH Đông Á (Đà Nẵng) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục SHTT với hai giấy chứng nhận vào các năm 2008 và 2009. Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ Đông Á tại Bắc Ninh có quyết định thành lập vào tháng 12-2008 và trường không hề biết có một tên trường như thế tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, trường này cho rằng, tên hai trường khác chữ “Công nghệ”.
Nhận định về vụ việc này, TS Trần Văn Hải - Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQGHN) cho rằng: “Việc tranh chấp và khả năng xảy ra tranh chấp nhãn hiệu giữa các trường đại học là có thật, nguyên nhân thuộc về các trường đại học có một phần, phần khác thuộc về quy định pháp luật cho hoạt động của hệ thống quản lý và thực thi quyền SHTT, khi mà quyền quản lý tên thương mại và nhãn hiệu lại thuộc về các cơ quan khác nhau, sự phối hợp giữa các cơ quan này không đồng bộ”.
Các ý kiến tại Hội thảo nhấn mạnh, nhiệm vụ cấp bách của các trường là cần xây dựng cơ chế quản lý và bảo hộ quyền SHTT trong trường ĐH một cách hiệu quả hơn. Trước mắt, các trường cần sớm thành lập tổ chuyên trách để xây dựng rõ các quy định về bảo hộ quyền SHTT trong trường ĐH dựa trên các quy định của pháp luật về SHTT. TS Vũ Mạnh Chu nêu rõ, nên có quy chế quản lý sản phẩm của sinh viên khi ra trường để bảo đảm lợi ích của trường, của sinh viên mà không vi phạm Luật bản quyền. Theo đó, sinh viên cần làm thủ tục nêu rõ sản phẩm sinh viên tạo ra để lại cho trường - trường được phép sử dụng trong trường hợp nào, khi nào phải trả tiền cho sinh viên và trường hợp nào thì thôi.
TRẦN TRUNG SÁNG