.

“Cây gậy” cho các điểm nóng dioxin

.

Hơn 3 giờ chiều, trời vẫn gắt nắng. Trong Hồ Sen có hai chiếc bè nhỏ ghép bằng mấy tấm xốp nhựa trắng nổi bật trên nền lá sen xanh thẫm. Một chiếc được đẩy đi bởi một người đàn ông phơi vai trần trên mặt nước. Bên cạnh chiếc kia có hai thiếu niên đang vô tư nghịch nước, hết hụp đầu xuống nước lại giành nhau trèo lên bè.

Mô tả ảnh.
Hồ Sen không có biển cấm, người lớn vô tư câu cá...

 

Lửng lơ biển cấm

Một người đàn ông khoảng ngoài sáu mươi tuổi đang ngồi nhâm nhi ly bia dưới tán lá cây bên bờ hồ, chừng như đọc thấy thắc mắc trong mắt tôi, nói vọng ra: Tụi nó đi bắt ốc bươu vàng đó.

Ốc bươu vàng? Lâu nay tôi cứ nghĩ là cái giống ốc tai hại này đã tuyệt tích ở Đà Nẵng rồi kia mà. Nhìn xuống hồ, để ý kỹ mới thấy đây đó có những chùm trứng màu đỏ đặc trưng bám trên cuống lá sen. Chừ ai ăn ốc bươu vàng nữa mà bắt hả chú? Nghe tôi hỏi, ông thả ly bia xuống bàn: Giỏi chế biến thì vàng chi cũng thành đen hết...

Ông tên là Nguyễn Đức Kim, hiện ở tổ 64 phường An Khê, quận Thanh Khê, một thời là bộ đội dọc ngang Trường Sơn. Định cư nơi phía bắc sân bay Đà Nẵng từ sau năm 1975 đến nay, ông từng giúp cho các đoàn trực tiếp lấy mẫu lúa, rễ sen, trái cây, cá rô phi, cá tràu, ốc bươu vàng, gà vịt, bùn ở độ sâu 1m dưới đáy hồ… ở Hồ Sen (phường Hòa Khê), hồ Công viên 29-3 (phường Chính Gián). Trước đó ông còn bán tín bán nghi khi người ta nói rằng Hồ Sen bị ô nhiễm dioxin nặng. Đến khi được theo đoàn chuyên gia Mỹ vô khảo sát sân bay, thấy cái kho chứa dioxin hồi chiến tranh nằm sát bên hồ, cách tường rào sân bay không xa, nơi đầu đường băng, ông đâm ra lo ngại cho cái sự điếc không sợ súng của người dân quanh vùng.

 

Mô tả ảnh.
Năm 2009, 20 nghìn tờ rơi phòng phơi nhiễm dioxin qua thực phẩm đã được cấp cho người dân 4 phường ở Thanh Khê.

 

Cùng lúc đó, hai cha con một anh trung niên đi xe máy tới định buông cần câu cá, nhưng thấy tôi cứ giơ máy lên chụp cảnh hồ, cả hai loay hoay một lát rồi lên xe  chạy đi. Ông Kim giải thích: Cha con họ ngại bị ghi hình nên chạy lên phía trên câu rồi. Trời mát chút nữa là người đi câu ngồi đầy. Cá câu, có ai ăn đâu, toàn bán cho chợ, cho nhà hàng.

Khi tôi hỏi vì sao người ta không cắm biển cấm, ông cười: Anh đi mà hỏi cán bộ. Đến gặp ông Lê Quang Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khê, ông cho biết từ tháng 6 năm ngoái có cắm 6-7 bảng quanh hồ, nội dung: “Không nên đánh bắt, tiêu thụ, sản xuất cá và các loại rau quả ở hồ”. Hiện nay, theo ông Vũ, các chủ dự án cho đổ tre cây đóng cọc làm công trình nên các bảng cấm hỏng hết.

“Nhiễm thế nào, chúng tôi bí”

Đã có nhiều đoàn đến Hồ Sen lấy mẫu dioxin rồi... một đi không trở lại. Ông Vũ lo ngại: “Dân hỏi nhiễm là nhiễm như thế nào, chúng tôi bí. Công tác tuyên truyền về nhiễm dioxin trong dân vì thế mà rất khó, không đạt hiệu quả như mong muốn. Đối với việc đánh bắt, chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn Hồ Sen, chỉ mới dừng ở tuyên truyền, vận động, khuyến cáo, có nghĩa là thực hiện cũng được mà không cũng chẳng sao, vẫn chưa có biện pháp chế tài. Chúng tôi cấm câu cá tại hồ, người trong phường không câu, mà người các phường bạn đến thì chúng tôi cũng chỉ đẩy đuổi chứ không thể xử phạt”.

Theo công bố của Công ty Hatfield Consultants, Canada, Sân bay Đà Nẵng hiện vẫn là một trong 3 điểm nóng được cảnh báo là có mức độ nhiễm dioxin cao nhất tại Việt Nam với nồng độ dioxin cao hơn 300 - 400 lần tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, đứng về cơ quan quản lý Nhà nước, ông Trần Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê thừa nhận rằng: “Hai phường Hòa Khê và An Khê có ô nhiễm dioxin, nhưng hậu quả thế nào vẫn chưa được công bố chính thức. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được công văn chỉ đạo của UBND thành phố liên quan đến vấn đề này. Vì thế, chúng tôi không thể cấm đoán chính thức bằng văn bản”.

 

Mô tả ảnh.
… trẻ con thì hồn nhiên tắm mát.

 

Một số vướng mắc này đã được tháo gỡ vào chiều ngày 27-7 vừa qua, khi đoàn công tác do GS.TS Lê Vũ Anh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Y tế Công cộng (YTCC) Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học YTCC có buổi làm việc với lãnh đạo quận Thanh Khê và 4 phường được cho là đã và đang đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm dioxin gồm Hòa Khê, An Khê, Thanh Khê Tây và Chính Gián.

Tại buổi làm việc, đoàn đã cung cấp cho mọi người bộ tài liệu về “Chương trình Cải thiện sức khỏe người dân sống tại khu vực nhiễm dioxin thông qua các giải pháp YTCC” do Hội YTCC Việt Nam và Hội YTCC Đà Nẵng phối hợp thực hiện. Theo GS. TS Lê Vũ Anh, về dioxin, đã có khá nhiều nghiên cứu liên quan đo lường nhưng chưa có một nghiên cứu có tính thực dụng nhằm bảo vệ người dân cụ thể, bộ tài liệu này là nghiên cứu đầu tiên liên quan đến điều đó.

Trước đó, cuối tháng 5-2009, Hội YTCC Việt Nam đã phối hợp với Hội YTCC Đà Nẵng triển khai Chương trình can thiệp YTCC phòng phơi nhiễm dioxin qua thực phẩm cho người dân 4 phường ở Thanh Khê. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho rằng đây là hoạt động tuy không lớn, chủ yếu tập trung ở công tác tuyên truyền, nhưng góp phần cho người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trước nguy cơ phơi nhiễm dioxin qua đường thực phẩm.

Ông Trần Đình Chiến xem tài liệu này như “cây gậy”, từ đó sẽ rút ra những thông tin cần thiết để chỉ đạo các địa phương hướng dẫn cho dân: “Tôi cho rằng cũng hơi chậm, nhưng chậm còn hơn không”. Ông Lê Quang Vũ thì dựa trên những thông tin dữ liệu chính thức này, sẽ kiến nghị với các cấp liên quan để có biện pháp chế tài, tạo điều kiện cho cấp cơ sở dễ làm việc hơn.

 

Mô tả ảnh.
GS.TS LÊ VŨ ANH (ảnh): Qua tài liệu đã được đánh giá cao ở Hà Nội và các diễn đàn quốc tế này, chúng tôi mong muốn được cung cấp “cây gậy” cho người dân trong vùng ô nhiễm để họ ứng xử với dioxin một cách tích cực hơn và chính quyền sẽ ban hành quy định cấm hoàn toàn việc câu, đánh bắt, tiêu thụ cá, tôm, cua, ốc... nuôi, trồng, tiêu thụ thực phẩm nguy cơ cao xung quanh Sân bay Đà Nẵng và dọc các tuyến kênh thoát nước từ sân bay.

 

 

Nước máy cho người dân vùng nhiễm dioxin

Năm 2009, được Tổ chức quốc tế Vitens-Evides International (VEI) tài trợ, Công ty Cấp nước Đà Nẵng đã tiến hành cấp nước sạch, cải thiện hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường tại hai phường An Khê và Hòa Khê – vùng giáp ranh Sân bay Đà Nẵng có nguồn nước ngầm bị nhiễm dioxin nhưng đa số người dân thuộc diện nghèo nên chưa có đủ điều kiện để sử dụng nước máy.

Dự án có tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, trong đó VEI tài trợ gần 4,2 tỷ đồng, số còn lại là vốn đối ứng của quận Thanh Khê (241 triệu đồng) và Công ty Cấp nước Đà Nẵng (485 triệu đồng), đã cấp nước sạch cho gần 3.000 hộ dân (trên 9.000 nhân khẩu), xây dựng hệ thống cống thoát nước và nền đường cho các hộ dân thuộc hai phường An Khê và Hòa Khê.

Đến cuối tháng 7-2011, 100% hộ dân (17.102 nhân khẩu) phường Hòa Khê đã có nước máy; 98% hộ dân (22.000 nhân khẩu) phường An Khê đã có nước máy, số còn lại nằm ở khu tái định cư Phần Lăng 2 đang xây dựng dở dang.

Nguồn: Chi nhánh Cấp nước Thanh Khê (Công ty Cấp nước Đà Nẵng)

Phóng sự của VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.