.

Chiếc khóa nịt có hình ngôi sao năm cánh

.
Hạ tuần tháng 1-2011, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp nhận một hiện vật - gọi đúng tên là một kỷ vật - tuy chỉ nhỏ bé thôi, nhưng đằng sau nó là một câu chuyện xúc động.

Mô tả ảnh.
Hình Larry Hoffman khi tham chiến ở Việt Nam và chiếc khóa nịt có hình ngôi sao năm cánh được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng.
 
Larry Hoffman, cựu binh Mỹ, từng được điều đến Đà Nẵng làm bác sĩ cứu thương trên chiến trường. Mùa hè năm 1969, L.Hoffman cùng lính bộ binh Mỹ có trận đánh với quân giải phóng tại tây nam Đà Nẵng. Hai bên có nhiều binh lính bị thương, được đưa đến căn cứ quân y nơi L.Hoffman làm việc.

Trong số người của “phía bên kia” có một bộ đội người miền Bắc bị trọng thương. Trong hồi ký của mình, L.Hoffman tỏ ý rất tiếc khi đã nỗ lực hết khả năng của mình nhưng vẫn không cứu sống được người lính bên kia chiến tuyến. Sau khi anh bộ đội hy sinh, người bác sĩ quân y cắt cái khóa nịt có hình ngôi sao năm cánh từ dây lưng của anh, luôn mang theo bên mình cùng với ánh mắt cuối cùng của người lính trẻ. Năm 1970, L.Hoffman về nước, mang theo nhiều kỷ vật gắn với thời gian ông tham chiến ở Việt Nam, nhưng rồi, tất cả đã mất dần, mất dần, chỉ còn chiếc khóa nịt của người lính bên kia chiến tuyến...

Thời gian trôi qua, mỗi lần nhìn ngôi sao năm cánh trên kỷ vật gợi nhớ về một khoảng đời binh nghiệp, ông lại trĩu nặng mặc cảm trong lòng. Thỉnh thoảng, hình ảnh người lính Bắc Việt quay về trong giấc mơ ông, đòi lại chiếc khóa nịt khiến ông muốn gửi trả nó về với nơi nó đã ra đi.

Thuy Smith, cô gái có cha là người Mỹ, mẹ là người Campuchia, nhưng sinh ra ở Việt Nam, đã giúp L.Hoffman toại nguyện.

Thuy Smith rời Việt Nam khi mới vài tháng tuổi, tuy không tận mắt nhìn thấy chiến tranh, nhưng cô cảm nhận được nỗi đau từ chiến tranh qua cha mình và những lính Mỹ trở về.

Khi lớn lên, Thuy Smith lập trang web Thuy Smith Organization, một địa chỉ để những lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam chia sẻ cảm xúc, vơi đi mặc cảm. Trong hơn 700 cựu chiến binh Mỹ tham gia trang web của cô với từng ấy câu chuyện đau thương về cuộc chiến Việt Nam, có L.Hoffman và chiếc khóa nịt có hình ngôi sao năm cánh. Thuy Smith lắng nghe, câu chuyện cảm động đó cũng đã gợi lại những kỷ niệm buồn đau từ một quãng đời của cha mẹ cô khi họ sống ở Việt Nam. Và đó là kỷ vật đầu tiên của cựu binh Mỹ mà cô được “chọn mặt gửi vàng” mang trở về Việt Nam.

42 năm trôi qua, kỷ vật xưa giờ đã “châu về hợp phố”, nhưng người lính Bắc Việt xưa vẫn chưa biết tên. Trao kỷ vật lại cho Bảo tàng Đà Nẵng, Thuy Smith tin rằng sẽ còn mang nhiều kỷ vật nữa trả về đúng nơi của nó. Với cô, đó là cách để làm vơi đi nỗi đau quá khứ và làm đầy hơn giá trị nhân văn trong mỗi tâm hồn con người.

LÊ HUỲNH
;
.
.
.
.
.