.
Chuyện xưa xứ Quảng

Chuông đồng cổ làng Bích Trâm

.
Làng Bích Trâm (nay thuộc thôn Bích Bắc, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) hiện lưu giữ một chiếc chuông đồng cổ với số phận khá thăng trầm.

Mô tả ảnh.
Chuông cổ làng Bích Trâm có thể được đúc vào khoảng hơn 300 năm trước.
Từ công đức của vị Tiền hiền…

Theo gia phả của tộc Nguyễn Quang Tiền làng Bích Trâm thì người có công khẩn hoang, khai phá vùng đất mới, lập nên làng xã là ông Nguyễn Liễu và ông được phong Tiền hiền Tán lý lộc Quận công, được thờ làm thành hoàng làng Bích Trâm.

Theo phả đồ của tộc Nguyễn thì ông Nguyễn Liễu và Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng là anh em chú bác và đều là hậu duệ đời thứ 17 của Định Quốc Công Nguyễn Bặc (người cùng thời, cùng quê với Đinh Bộ Lĩnh, đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân). Năm Canh Thân (1560), ông Liễu cùng người em trai của mình là Nguyễn Văn Nghiêm theo tiếng gọi Nam tiến của Nguyễn Hoàng đã khăn gói từ Gia Miêu (Hà Trung, Thanh Hóa) vào khẩn hoang lập ấp tại làng Bích Trâm.

Thời gian trôi qua, hết đời này đến đời khác, con cháu, dân cư họ Nguyễn ngày một đông đúc và quần cư bên nhau, tảo tần khai phá, xây dựng cơ nghiệp, an cư nơi vùng đất mới. Vế đối có từ xưa tại nhà thờ tộc Nguyễn Quang Tiền và lăng mộ Nguyễn Liễu cũng đã ghi tạc công đức khai phá của các bậc tiền nhân họ Nguyễn làng Bích Trâm xưa: “Đại Hữu khởi nguyên – hậu duệ Gia Miêu xuất/ Bích Trâm khẩn ấp - Quang Tiền công tước lai”.

Cho đến nay, làng Bích Trâm đã được hình thành cách đây hơn 450 năm, kế tục 15 đời con, cháu. Để ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân, ông cha các thế hệ trước và thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, các thế hệ con cháu tộc Nguyễn qua các đời đã góp công, góp của xây dựng nhà thờ, lăng mộ, lập văn bia, phả tộc... khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên trải qua thiên tai, các biến cố chiến tranh..., các sắc phong, di tích bị tàn phá, thất lạc, hiện chỉ còn lại phần mộ ông Nguyễn Liễu, nhà thờ tộc Nguyễn Quang Tiền.

… đến chiếc chuông đồng cổ

Đặc biệt, làng Bích Trâm còn giữ một chiếc chuông đồng cổ được cho là có liên quan đến vị Tiền hiền Nguyễn Liễu.

Tương truyền, xưa có một chàng thế tử con của một vị chúa Nguyễn ở Đàng Trong cùng đoàn quan quân tùy tùng về kinh lý tại làng Bích Trâm. Khi nghe dân làng kể về công đức của bậc Tiền hiền Nguyễn Liễu, vị thế tử này bèn vận động và cùng với nhân dân trong vùng góp ngân lượng, tiền bạc để đúc một chiếc chuông đồng truy tặng cho ông Nguyễn Liễu. Nội dung bài minh văn bằng chữ Hán khắc trên chuông có nói về sự kiện này.
Số phận chiếc chuông khá thăng trầm với bao lần bị mất trộm, được buôn bán trao tay qua nhiều người trên mọi miền đất nước. Các cụ cao niên là hậu duệ của vị Tiền hiền Nguyễn Liễu hiện ở thôn Bích Bắc cho chúng tôi biết, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” trong những năm kháng chiến chống Pháp, một số người trong tộc họ đã khiêng chiếc chuông này dìm xuống ao và lấp đất lại. Sau chiến tranh, con cháu trong tộc đã đào và tìm lại được chiếc chuông. Nhưng sau đó chuông đã bị đánh cắp và bán cho một người sưu tầm cổ vật ở tận thành phố Hồ Chí Minh. Qua bao lần mua bán, chuông được một người sưu tầm cổ vật quê Quảng Nam mua và đem về Đại Lộc. Biết tin này, các chư tộc phái họ Nguyễn ở làng Bích Trâm đã góp tiền và cử người lên Đại Lộc chuộc lại chiếc chuông đem về làng.

Hiện nay chiếc chuông cổ quý giá này đang được bảo quản và cất giữ tại một căn phòng nhỏ ở Nhà Văn hóa thôn Bích Bắc. Theo khảo sát của chúng tôi, chiếc chuông cao khoảng 1,2m (kể cả móc treo), dày 3cm, đường kính miệng khoảng 70cm và nặng khoảng 200kg. Móc chuông chạm trổ cách điệu hình tượng hai con bồ lao quay đầu ra hai bên ôm chặt quả chuông. Thân chuông được chia làm bốn phần, trên hai mặt đối xứng nhau của thân chuông có khắc hai bài minh văn bằng chữ Hán nói về địa điểm, thời gian, lý do, mục đích... đúc chuông và hai quả cầu lửa. Bao quanh vành miệng chuông có bốn hình chạm bốn con vật giống như con nai (?) đang đi trên những đám mây cách điệu.

Về năm đúc chuông thì không thấy đề cập đến trong hai bài minh văn, chỉ biết rằng chuông được đúc vào ngày lành tháng 6 âm lịch tại chùa Bình An... (ngôi chùa hiện nay không còn). Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi dựa vào những dữ kiện được khắc trên thân chuông, các hoa văn trang trí và xâu chuỗi những sự kiện lịch sử... thì chiếc chuông có thể được đúc vào thời gian khoảng hơn 300 năm trước đây.

Những dữ kiện lịch sử và những thông tin liên quan chiếc chuông đồng cổ ở làng Bích Trâm rất cần sự quan tâm giải mã của các nhà nghiên cứu, các nhà sử học để góp thêm tư liệu tìm hiểu về quá trình hình thành các cộng đồng dân cư ở Quảng Nam vào các thế kỷ XVI - XVII và làm giàu thêm truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời của một vùng đất.

MAI HỒNG LÂM
;
.
.
.
.
.