.
Chuyện xưa xứ Quảng

Phải huyện Hà Đông trước ở đây?

.
Đó là câu đầu tiên của bài thơ mô tả phong cảnh phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, được phu nhân ông giáo thọ Tạ Quang Diệm (thân mẫu Giáo sư Tạ Quang Bửu) sáng tác hồi đầu thế kỷ XX.

Mô tả ảnh.
Vùng phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi xưa qua mô tả của Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư. (Ảnh tư liệu)
Bài thơ còn lưu hành tại vùng Tam Kỳ với nội dung như sau:
 
Phải huyện Hà Đông trước ở đây?
Có đồn Đại lý, có lầu Tây?
Nước sông Bàn Thạch quanh quanh chảy
Ngọn núi Thanh Lâm lớp lớp xây
Kim Đái đai vàng đâu chẳng thấy?
Thạch Kiều cầu đá hãy còn đây!
Sông Tiên nào thấy ông tiên tới?
Bủa lưới giăng câu mấy chú chài!

Người lớn tuổi vùng Tam Kỳ hẳn nhận ra vị trí đồn Đại lý (Delégué) Pháp nay ở góc đường Trần Dư - Trần Cao Vân, nơi dân 7 tổng thuộc phủ Tam Kỳ kéo đến đòi “ăn gan” viên đề đốc Trần Tuệ trong cuộc biểu tình “khất sưu, kháng thuế” năm 1908; nhận ra các địa danh làng Kim Đái (nay thuộc xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ), thôn Thạch Kiều (nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành), sông Bàn Thạch (nay chảy qua địa giới các phường An Phú, Tân Thạnh, Phước Hòa, Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ) hoặc núi Thanh Lâm (nay thuộc xã Tiên Thọ) và sông Tiên chảy qua thị trấn Tiên Kỳ (nay thuộc huyện Tiên Phước). Tất cả các địa danh ấy đều nằm ở phạm vi “huyện Hà Đông” được lập vào sau thời Gia Long (1802-1820).

Nhưng, người am hiểu vùng Tam Kỳ vẫn không hết thắc mắc. Chẳng rõ vì đâu, một người ở xứ khác như bà Tạ Quang Diệm lại rành địa lý vùng Tam Kỳ xưa đến thế? (Quê ông Diệm ở Nghệ An, còn bà thì không rõ quê ở đâu, dân gian ở Tam Kỳ thì nói bà là người Bắc). Nếu không hẳn bà đã không viết “Phải huyện Hà Đông trước ở đây?”.

Lâu nay, ngay cả dân bản địa cũng đinh ninh là huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa vốn được lập từ thời Hậu Lê sau khi vua Lê Thánh Tông lập Thừa tuyên Quảng Nam bao gồm bốn phủ Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (gồm hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi bây giờ) chính là huyện Hà Đông thời Nguyễn.

Nhưng, thực tế không phải vậy! Huyện Hà Đông thời Nguyễn có vị trí khác xa huyện Hà Đông thời Hậu Lê. Tra cứu danh sách phủ huyện, tổng, xã, man, nậu, thuộc… được ghi trong sách Phủ biên tạp lục (PBTL) do học giả Lê Quý Đôn soạn năm 1776 mới thấy rõ điều đó!

Năm 1775, khi quân chúa Trịnh vào chiếm đất Thuận Hóa và Quảng Nam của chúa Nguyễn, Lê Quý Đôn được cử vào Thuận Hóa làm Hiệp trấn tham tán quân cơ. Trong 6 tháng ở đây, ông đã ghi chép lại từ sổ sách của chính quyền các chúa Nguyễn trước đó; cùng các lời kể của các nhân chứng địa phương để soạn ra sách PBTL - một tư liệu quý về diện mạo vùng đất xứ Đàng Trong vào hạ bán thế kỷ XVIII và trước đó.

Căn cứ vào ghi chép của PBTL thì huyện Hà Đông trước năm 1776 nằm ở phía bắc sông Thu Bồn gồm hai phần Chính và Tân gồm các đơn vị hành chính mà đến nay một số vẫn còn nhận được tên như La Thọ, Thi Lai, Câu Nhi, Ngọc Kinh, Phú Khang…; các tên khác tuy thay đổi nhưng vẫn còn tìm được dấu tích. Tất cả các địa danh đó đều nằm ở phạm vi huyện Đại Lộc, Điện Bàn và ven vùng phố Hội An thời Nguyễn.

Tập bản đồ “Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư ” được giới nghiên cứu xác nhận được vẽ vào khoảng hạ bán thế kỷ XVII đã thể hiện vị trí “huyện Hà Đông” vào thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) nằm hoàn toàn ở phía bắc con sông Thu Bồn với tứ cận thể hiện như sau: phía bắc là huyện Hòa Vinh (Hòa Vang); phía đông là Hội An; phía đông nam là huyện Lễ Dương; phía nam là huyện Duy Xuyên.

Cũng trong phần vẽ “phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi” của tờ bản đồ này, vị trí tương ứng với huyện Hà Đông thời Nguyễn được chú thích là “Kim hộ xã” có các nhánh sông đổ vào vùng cửa biển được chú là Hiệp Hòa hải môn (cửa biển Kỳ Hà hiện nay). Những mô tả và ghi chú nói trên tương ứng hoàn toàn với ghi chép của PBTL về vùng “Kim hộ thuộc” nằm ở vùng nguồn và hạ nguồn Chiên Đàn.

Tra cứu một số văn bản ruộng đất thời các chúa Nguyễn còn lưu ở vùng này thì thấy ghi địa hiệu bắt đầu với danh xưng “Nội phủ kim hộ thuộc” sau đó mới đến tên tổng rồi tên xã tương ứng. Ví dụ: “Thăng Hoa phủ, Nội phủ kim hộ thuộc, Chiên Đàn trung tổng, tân lập vi tử Tam Kỳ xã” là tên của xã Tam Kỳ xưa được tìm thấy trong một văn bản lập năm 1760. Địa hiệu “Kim hộ thuộc” còn giữ mãi đến cuối thời Tây Sơn nhưng lúc ấy lại lệ vào huyện Lễ Dương; và trong các văn bản hành chính, sau tên phủ Thăng Hoa, người xưa dùng song hành địa hiệu “Kim hộ thuộc” hoặc “Lễ Dương huyện”.

Chính các làng xã nằm trong vùng Kim hộ nói trên đã cấu thành huyện Hà Đông thời Nguyễn - mà đến năm 1906 đã tách thành phủ Tam Kỳ và huyện Tiên Phước.

Vậy, chính quyền triều Nguyễn chỉ lấy lại tên của huyện Hà Đông có từ thời Hậu Lê để đặt cho một vị trí mới - bao gồm các vùng Trà My, Tiên Phước, Tam Kỳ và Núi Thành hiện nay.

Vì vậy, có phải ngẫu nhiên mà một phụ nữ đất Bắc lại rành về địa lý vùng nam Quảng Nam đến thế?

Phú Bình
;
.
.
.
.
.