.
Cửa sổ tri thức

"Bò đội nón"

* Vừa rồi, có một đứa bạn nói với em rằng “sao mà lơ ngơ cứ như “bò đội nón”. Xin cho biết “bò đội nón” nghĩa là gì và vì sao lại có cái thành ngữ rất khó hiểu này? (Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng).

- Thành ngữ “bò đội nón” xuất phát từ chuyện ngụ ngôn dưới đây.

Ngày xưa, có một khu rừng đang yên bình như mọi khu rừng khác thì tất cả bỗng xáo trộn khi một nàng Bò mộng xuất hiện. Nàng cảm thấy mình thật bé nhỏ khi cả rừng đầy ắp những âm thanh “ấn tượng” mà mình thì suốt ngày chỉ biết kêu “é ọ, é ọ”, lạc lỏng, bơ vơ. Buồn bực, tức giận, nàng lên kế hoạch để “đánh bóng” mình.

Mình sẽ dựa vào ngài Sư tử, chúa tể của khu rừng, nhờ vào uy quyền của ngài thì mới có thể thực hiện được ý đồ của mình. Nghĩ thế, nàng đi gặp Sư tử, nói với ngài những “lời có cánh” tâng bốc chúa Sơn Lâm lên tận mây xanh.

Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ sở hữu một tiếng gầm thét đầy quyền uy - nàng bắt đầu tán tỉnh. Khi bệ hạ cất lên tiếng gầm, thần vỡ vạc ra rất nhiều thứ mà trước đó cái đầu óc ngu muội này còn chẳng rõ ra môn ra khoai gì. Theo cảm nhận của thần thì mọi thần dân trong khu rừng này đều nhỏ bé trước tiếng gầm như sấm rền thác đổ của bệ hạ.

Sư tử còn chưa dứt trận cười khoái trá khi nghe lời tâng bốc thì Bò mộng đã nói tiếp: Nhưng thưa bệ hạ, nếu ngài chỉ biết có mỗi tiếng gầm thì thật khó để tiếp cận cũng như quản lý hết mọi thần dân trong khu rừng này, vì chỉ nghe tiếng gầm của bệ hạ thì họ đã vội cao chạy xa bay rồi.
Vậy ta phải làm sao? Sư tử vuốt bờm, hỏi.

Thần nghĩ - Bò mộng tâu tiếp, bệ hạ nên học tiếng của thần, chỉ đơn giản là “É ọ, é ọ” nhưng hiệu quả như một loại ngoại ngữ. Khi bệ hạ “É ọ, é ọ” thì muôn thú sẽ cảm thấy gần gũi hơn.

Rồi sao nữa? Sư tử hỏi tiếp, có vẻ đã xiêu lòng.

Sau đó, bệ hạ ra lệnh cho khắp thần dân phải học ngoại ngữ này và chỉ duy nhất một ngôn ngữ này thôi. Có như vậy thì bệ hạ mới lắng nghe và thấu hiểu hết những điều họ nói, thậm chí cả những lời không thuận tai cho lắm.

Hay lắm - Sư tử gật đầu tán thưởng, ta lấy làm tiếc là sao không gặp ngươi sớm hơn.

Từ đó, mọi loài trong khu rừng đều nói chung một ngôn ngữ “Bò”, từ hổ beo cho đến khỉ vượn, từ vịt gà cho đến ếch nhái..., đi đâu cũng nghe “é ọ, é ọ”. Vài con thú vì lòng tự trọng không thể đánh mất mình vì ngôn ngữ “Bò” nên đành từ bỏ khu rừng quê hương yêu dấu sang nơi khác sinh sống.

Chẳng mấy chốc, khu rừng có nàng “quân sư” Bò mộng chỉ còn tồn tại một ngôn ngữ duy nhất nên mọi người đặt cho nó cái tên: “Khu rừng của những con bò”.

Bò mộng nhà ta thấy rằng, chỉ với kiến thức... như bò của mình mà có thể sai khiến được muôn thú thì lấy làm đắc ý lắm, đi đâu cũng hếch mặt lên trời (đến tận bây giờ vẫn vậy) bất chấp nắng gió làm cho làn da trở nên vàng sậm.

Chúa Sơn lâm bất chợt chạnh lòng vì làn da Bò mộng không còn mượt mà như trước, và cũng để trả ơn cho người có công truyền dạy ngoại ngữ cho cả rừng, ngài xuống chiếu ban cho Bò mộng một chiếc nón lá. Nàng rất hãnh diện, đi đâu cũng đội chiếc nón ân sủng của Chúa Sơn lâm và ngày càng vênh mặt lên. Muôn thú trong rừng nhìn bò ta trông rất buồn cười nên thường hay nói thầm với nhau: Nhìn mặt như “Bò đội nón”.
Thành ngữ gắn với loài bò ra đời từ đó. Đồng nghĩa với đó còn có “ngu ngơ/lơ ngơ như bò đội nón”.

ĐNCT
;
.
.
.
.
.