.

Đồng cảm con người

Cuối tháng Tám năm ngoái, Hạ nghị sĩ Eni F. H. Faleomavaega, Chủ tịch Tiểu ban Châu Á- Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ đã đến thành phố Đà Nẵng.
 
Nhìn dáng đi khập khiễng của người cựu binh gần 70 tuổi, ít ai nghĩ rằng ông có thể vượt qua nửa vòng trái đất với bao nhiêu bệnh tật đang hành hạ con người ông để tận mắt chứng kiến những nỗi đau do chính mình cũng như các đồng đội đã gây ra trên đất nước Việt Nam. Ông đến, để chứng kiến và để củng cố thêm những bằng chứng xác thực nhất cũng là đau đớn nhất cho công cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân da cam Việt Nam (NNDCVN). Ông là một trong những người đi đầu ủng hộ cuộc đấu tranh mới này của Việt Nam với việc tổ chức 3 cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ, vận động Quốc hội Mỹ tăng chi ngân sách cho việc tẩy độc dioxin tại Sân bay Đà Nẵng...

Cuộc đấu tranh của Hạ nghị sĩ Eni F. H. Faleomavaega và những người có trách nhiệm là các nghị sĩ trên chính đất Mỹ đã đem đến hiệu quả bước đầu, góp sức cùng với NNDCVN trên hành trình đấu tranh đầy gian khổ của mình. Trong đó, có việc xúc tiến các bước triển khai chương trình tẩy độc tại Sân bay Đà Nẵng.

Điều gì đã lôi kéo họ vào cuộc đấu tranh này của các NNDCVN? Điều dễ dàng nhận thấy nhất, đó chính là sự thức tỉnh lương tri, là sự đồng cảm trước nỗi đau nhân loại mà có lúc, do hoàn cảnh hoặc ý thức, chính mỗi người trong họ đã gây ra nỗi đau đó.

Cách đây hơn 5 năm, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 20 hành trình Tàu Hòa Bình (Peace Boat), trong chuyến dừng chân tại Đà Nẵng, gần 1 nghìn thành viên trên tàu đã có một hành động ý nghĩa là tham gia cuộc tuần hành lớn đầu tiên tại Đà Nẵng nhằm ủng hộ NNDCVN. Trong đó, có cả những cựu chiến binh Mỹ tham gia cuộc chiến Việt Nam, có cả nạn nhân và người nhà nạn nhân của thảm họa bom nguyên tử tại Nhật Bản năm 1945, và những giáo sư, bác sĩ người I-rắc của Đại học Y khoa Baghdad... Những giọt nước mắt đã rơi xuống trong một cuộc giao lưu đầy cảm động của các nạn nhân; dù đó là nạn nhân của cuộc chiến đã lùi xa 60 năm, 35 năm hay đang diễn ra... liên quan trực tiếp đến nước Mỹ. Những giọt nước mắt ấy, đã góp phần thức tỉnh lương tri trong mỗi con người, bởi đó là giọt nước mắt đồng cảm trước nỗi đau của nhân loại. Nỗi đau đó rất hiện hữu, trong mỗi gương mặt, mỗi thân thể không còn nguyên vẹn, không được nguyên vẹn về thể xác và cả tâm hồn; không kể sắc tộc, quốc gia, ngôn ngữ, tôn giáo, lứa tuổi...

Nỗi đau, dễ đưa con người ta đến gần nhau hơn. Chính vì thế, trong những lần ghé thăm Đà Nẵng, các thành viên Tàu Hòa Bình đều tham gia các hoạt động ủng hộ NNDCVN; mà mới đây nhất là cuộc giao lưu trong nước mắt của các nạn nhân thảm họa động đất, sóng thần đến từ đất nước “mặt trời mọc” với nạn nhân da cam Đà Nẵng. Không những vậy, những hoạt động đấu tranh đòi công lý của NNDCVN nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã nhận được sự đồng cảm và ủng hộ ngày càng nhiều hơn từ khắp bạn bè thế giới, trong đó có rất nhiều người là nạn nhân chiến tranh... bởi họ chính là người thấu hiểu nỗi đau lớn hơn ai hết. Chính họ cũng biết một điều rằng, là từ những nỗi đau tột cùng đó, con người cần phải được cảnh tỉnh để xích lại gần nhau hơn, để những nỗi đau trong tương lai được giảm dần chứ không phải ngày một nhân lên; để nỗi đau không biến thành lòng thù hận...

Vì thế, khi được hỏi về sự quan tâm của giới trẻ Hoa Kỳ đối với vấn đề chất độc da cam nói riêng và chiến tranh nói chung, Hạ nghị sĩ Eni F. H. Faleomavaega đã trả lời phóng viên Báo Đà Nẵng rằng: Giới trẻ Hoa Kỳ hiện nay chỉ biết về Việt Nam là Việt Nam thôi, họ không biết gì về quá khứ chiến tranh vì chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đã lùi xa hơn 35 năm. Cuộc chiến tại Việt Nam thuộc về thế hệ của ông, giới trẻ ở Mỹ hiện nay chỉ có biết về chiến tranh của Mỹ ở I-rắc. Nhưng rõ ràng chiến tranh ở Việt Nam hay I-rắc thì đó đều chiến tranh. Chiến tranh luôn là bức tranh tồi tệ... “Giới trẻ cần quan tâm đến việc không nên gây ra các cuộc chiến tranh, mà phải tạo nên những  mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển” - Hạ nghị sĩ Eni F. H. Faleomavaega nhấn mạnh.

Huyền Phi
;
.
.
.
.
.