.
Giới thiệu sách

Tự vấn và thức tỉnh

.
Đọc nhan đề cuốn tiểu thuyết thứ 12 của Đỗ Kim Cuông, thật khó đoán tác giả sẽ viết chuyện gì. Cũng “khó hiểu” vì sao một họa sĩ tên tuổi lại vẽ bìa bằng một “gam” màu dễ bị “chìm” trên các giá sách như thế! Có phải tác giả và họa sĩ muốn người đọc phải tìm hiểu phần “chìm” của một tảng băng, bao giờ cũng lớn hơn phần nổi?

Mô tả ảnh.
Quả là đọc những trang đầu, tưởng chỉ là một câu chuyện đơn giản và quen thuộc: ba người lính gặp lại nhau sau chiến tranh, những hồi ức xen lẫn với bao vất vả trong cuộc mưu sinh hiện tại… Sách dày chưa đến 250 trang, nhân vật không nhiều, nhà văn cũng khó “tung hoành”, triển khai những ý đồ rộng lớn. Ba người lính không thuộc loại có nhiều “sao vạch”, thời hậu chiến cũng không có công tích gì đặc biệt. Thái, nhân vật xưng “tôi” rời chiến trận về dạy học. Huynh về làng quê. Hùng may mắn hơn, trở thành sĩ quan, được đi học Liên Xô, nhưng rồi hư hỏng phải vào tù -  “sự tích” nhân vật như thế tưởng cũng khó nâng tầm tư tưởng của tiểu thuyết.

Vậy nhưng chính nhờ tác giả đưa nhân vật vào các “địa hạt” bình thường ấy - giáo dục và nông thôn - mà tác phẩm đã chạm đến những vấn đề xã hội và triết lý sâu sắc. Đây không phải là “dưới đáy” xã hội hay “mũi nhọn cuộc sống” như lâu nay khi bàn đến đề tài trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhưng với cách lựa chọn đó, tác giả đã tiếp cận cuộc sống thật của nhân dân với bao nỗi lo cơm áo hằng ngày và vô vàn những phi lý, bất công, chứ không “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” hay những chuyện tình tay ba tay tư nơi công sở cùng những pha “sex” câu khách rẻ tiền.

Mặt khác, tuy tác giả chưa có những đổi mới rõ rệt về mặt nghệ thuật, nhưng nhờ tránh được nhược điểm của không ít tiểu thuyết Việt Nam là lệ thuộc vào sự kiện và cuộc sống được thể hiện bằng nhiều điểm nhìn, giọng điệu - khi là “tôi”, lúc là lời kể của Huynh, lúc khác lại là ngôn ngữ bốp chát của Nụ (người vợ đã ly dị của Hùng), rồi những trang nhật ký của Kha (thầy hiệu trưởng nơi Thái dạy học)… - tác phẩm trở nên phong phú, chuyển tải được nhiều thông điệp đến người đọc.

“Giáo lý và cuộc sống… Chao ôi! Một khoảng cách quá lớn. Cái nhân cách và phi nhân cách của ông thầy chỉ trong gang tấc. Lẽ nào lại là một kẻ dối trá trước những đôi mắt ngây thơ, trong veo kia. Chỉ một điều đơn giản thôi: Lý tưởng và đạo đức. Mi có hàng trang dẫn chứng cho học trò trong buổi lên lớp giờ chính trị, đạo đức. Nhưng mi lại bất lực trước những câu hỏi của những đứa trẻ 15-16 tuổi. Tại sao một ông chủ tịch xã X. vô cớ bắt người giam cầm đánh đập cô Thuận cho đến phát điên?... Thầy ơi! Bạn B. Ở Mỹ Thạnh Hưng đêm qua theo gia đình vượt biên giới sang Hồng Công rồi thầy!... Thầy ơi! Cái L. học lớp 9B, thầy còn nhớ không? Em nghe nói có người gặp nó ở Nha Trang đi bán “hoa”!…”.

Chỉ một đoạn nhật ký của thầy Kha đã nói lên bao cảnh đời trớ trêu của xã hội không chỉ lay động lương tâm người thầy. Trong chuyện kể của Huynh thì còn nhiều xót xa hơn nữa. Từ chiến trường về, mặc dù cô Mến - vợ anh - có con với chủ tịch xã, anh vẫn nén lòng giữ cho gia đình không đổ vỡ, góp sức xây dựng hợp tác xã. Nhưng anh đã hai lần bị khai trừ khỏi Đảng vì đấu tranh với tệ ăn cắp và bè phái ở làng xã, đến mức phải bỏ quê đi lập nghiệp ở phía Nam… Cuộc đời không ít những số phận cay đắng như thế, nhưng tiểu thuyết của Đỗ Kim Cuông khiến độc giả sau khi gấp sách lại, phải suy ngẫm nhiều chính là nhờ tác giả đã thể hiện chúng với giọng điệu “tự vấn”. Xin hãy nghe Huynh “tự vấn” sau những bất hạnh khôn tả:

“…Bom đạn không giết nổi tôi. Lẽ nào tôi lại chết nhục nhã về tay những thằng xấu xa, đê tiện ở cái làng này… Bốn trăm con người đã nằm lại với đất rừng phương Nam, Lào, Campuchia và cả biên giới phía Bắc. Sự hy sinh ấy không bao giờ vô nghĩa; cũng không phải để cho những tay cán bộ hư hỏng thối nát đục khoét của Nhà nước, làm hại dân. Nếu tôi khuất phục tức là tôi có tội với bốn trăm con người kia cậu ạ. Tôi không tin họ đã chết, Thái ạ. Họ vẫn tồn tại và nhìn chúng ta đang sống, đang xử sự với nhau hằng ngày…”
.
Chỉ có con người mới biết tự vấn. Tự vấn cũng là thức tỉnh. Những người lính tưởng là vượt qua chiến trận khốc liệt, sẽ trở về  cuộc sống bình yên nhưng “đấu tranh chống đói nghèo, chống cái xấu xem ra cũng cay đắng, gian khổ…”; cũng như vượt qua cánh rừng lắm gai góc, bí hiểm thấy mặt biển bao la êm ả nhưng hóa ra nó sâu thẳm sóng gió khôn lường…

Nguyễn Khắc Phê
;
.
.
.
.
.