.

Giới trẻ nên được “mắt thấy, tai nghe”

.
Những người sinh ra sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất cảm nhận như thế nào về chất độc da cam (CĐDC) mà quân đội Mỹ đã rải xuống các chiến trường Việt Nam và hậu quả của nó? Để tìm câu trả lời, chúng tôi đã tìm hiểu tại một số trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
Học sinh Trường THCS Trưng Vương giao lưu với trẻ em nạn nhân CĐDC thành phố.
 
“Em biết gì về CĐDC và hậu quả của nó?”, em Phan Thị Thanh Tuyên, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Khuyến thẳng thắn thừa nhận: “Em chỉ biết nhờ đọc báo và xem ti-vi về nạn nhân bị nhiễm CĐDC. Em chưa bao giờ tiếp xúc với họ. Em không biết ở Đà Nẵng có bao nhiêu điểm bị nhiễm CĐDC, tác hại của nó với môi trường ra sao. Em bận học suốt cả ngày”.

So với các bạn đồng trang lứa, em Nguyễn Thị Bảo Phước biết nhiều thông tin hơn vì: “Mẹ em làm ở Hội Chữ thập đỏ. Mẹ vẫn kể cho em nghe về họ”. Thế nhưng sự hiểu biết của Phước cũng chỉ dừng lại ở những chuyện mẹ kể. “Em mong một lần được đến các trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân để cảm nhận những mất mát đau thương, để biết rằng mình còn may mắn hơn họ rất nhiều”, Phước tâm sự. Nhiều học sinh khác cũng như Tuyên, Phước nói rằng các em không có thời gian để tìm hiểu sâu hơn về CĐDC. Những gì các em biết đều qua sách báo, phim ảnh, từ các cuộc phát động, tuyên truyền do nhà trường tổ chức.

Cần đa dạng hình thức

Hằng năm, đến ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Ngày Vì nạn nhân CĐDC (10-8), Sở GD & ĐT đều kết hợp với Hội Nạn nhân CĐDC thành phố Đà Nẵng tổ chức tuyên truyền như dán các pa-nô, áp-phích, trưng bày hình ảnh các nạn nhân CĐDC, nêu gương về nghị lực vươn lên của họ. Có trường còn phát động học sinh tiết kiệm tiền tiêu vặt ủng hộ cho nạn nhân. Năm 2009, các trường đã tổ chức cùng ký tên vì công lý ủng hộ nạn nhân CĐDC. Nhân sự kiện 50 năm thảm họa CĐDC năm nay, Hội Nạn nhân CĐDC tổ chức cuộc đồng hành đi bộ, huy động 5.000 học sinh trên địa bàn thành phố tham gia.

Được biết, cho đến nay, ngoài các hoạt động phối hợp trên, hầu hết các trường vẫn chưa tự tuyên truyền thêm về CĐDC hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa có liên quan đến vấn đề da cam. Một giáo viên dạy Văn (đề nghị giấu tên) của Trường THCS Trưng Vương cho biết: Trong chương trình dạy học theo chuẩn của Bộ GD&ĐT, nội dung về  CĐDC - hậu quả của nó chỉ được lồng ghép vào những bài học có liên quan trong các môn lịch sử, giáo dục công dân, hoàn toàn phụ thuộc vào sự linh động của giáo viên nên nội dung đưa vào giảng dạy còn ít. “Tôi nghĩ nếu nội dung này đưa vào chương trình chính khóa, giáo viên có thể yêu cầu học sinh tự tìm kiếm tư liệu hình ảnh, dùng slide trình chiếu cho cả lớp cùng xem, hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn nhiều” - giáo viên này tâm sự.

 Chị Nguyễn Hữu Hạnh Nguyên, Tổng phụ trách Đội của Trường THCS Nguyễn Khuyến cho biết: “Trường chúng tôi đã tổ chức cho học sinh tham quan di tích lịch sử, thăm Bà mẹ VNAH nhưng chưa lần nào đến thăm các nạn nhân CĐDC. Giá mà đưa các em đến trung tâm nuôi dưỡng, gặp gỡ trực tiếp các nạn nhân để các em hiểu, thông cảm với họ thì tốt”.

So với học sinh, sự hiểu biết của sinh viên về CĐDC có phần nhiều hơn. Theo bạn Y’Doan Niê, người dân tộc Êđê, ở xã Eatul, huyện Cư M’gar (Đắc Lắc) đang học tại Đại học Đà Nẵng: CĐDC mà quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở nước ta có tác hại rất lớn đến môi trường và con người. Những người trực tiếp tiếp xúc với nó không chỉ bị tàn phế, còn di truyền qua thế hệ thứ 2, 3 và ảnh hưởng vào thức ăn, nguồn nước. “Tôi nghĩ giới trẻ nên được tăng cường các hoạt động “mắt thấy tai nghe” về sự ảnh hưởng của CĐDC”, Y’Doan chia sẻ.

Thu Hà – Văn Giang
;
.
.
.
.
.