.

Nỗi đau chưa dịu lại

.

Vốn là giao liên, rồi đi thanh niên xung phong, chị Trương Thị Kép (tổ 41 phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) đã trải qua khắp các chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng. Những ngày lăn lộn ở rừng rú chị không thể ngờ rằng cơ thể chị đã ngấm thứ chất độc dioxin. Hòa bình lập lại,  lập gia đình với anh Phan Xuân Tiệp, chị hân hoan chào đón đứa con đầu lòng. Nhưng chưa kịp mừng nỗi buồn ập tới…

Những nỗi đau tiếp nối

 

Mô tả ảnh.
Sức tàn phá của dioxin qua thế hệ thứ 3 của gia đình anh Sơn.

Theo ông Trần Quang Đáng – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Khuê Trung, hiện nay trên địa bàn phường có khoảng 85 em bị nghi nhiễm CĐDC. Hầu hết các em bị bại não, down, tim bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ.

 

Đứa con chị Trương Thị Kép, vừa sinh ra đã mất. May mắn mỉm cười với anh chị, khi cậu con trai thứ hai khỏe mạnh bình thường (giờ đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng), đến  cô con gái út Phan Thị Thịnh (sinh 1990) lại bị nhiễm độc từ trong bụng mẹ. Hằng ngày, nhìn con nằm một chỗ, chị không khỏi xót xa. Từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cả ngày định kỳ của thiếu nữ cũng đều một tay chị chăm lo. Suốt 21 năm qua, ngày nào chị Kép cũng tất bật. Mỗi bữa ăn của con, chị vật lộn suốt 2 tiếng đồng hồ. Cháu có răng nhưng không biết nhai, nuốt. Thức ăn phải xay thật nhuyễn, mỗi lần ăn, chị vừa đút, vừa vuốt cổ cho thức ăn xuôi xuống. Cũng mỗi lần ăn, cháu gồng người lên, chống chọi, hai cánh tay chị bị con cào cấu luôn trầy xước và bầm tím.

Tại Hòa Tiến, gia đình anh Đặng Văn Sơn, thôn Lệ Sơn 1 là một trong những gia đình điển hình về nỗi đau da cam. Nỗi đau kéo dài suốt ba thế hệ. Cha anh vốn là bộ đội ở chiến trường Quảng Đà (1954 - 1967). Cũng như bao đồng đội của mình, ông không biết chất độc dioxin ngấm vào mình từ lúc nào. Những người anh, người em của anh Sơn vừa mới ra đời đã phải từ biệt cuộc sống. Tưởng chừng số phận sẽ mỉm cười với anh nhưng thật bất hạnh, anh bị teo cơ, dị tật bẩm sinh ở chân, di chuyển phải nhờ đến đôi nạng gỗ.

Anh lập gia đình và lại hứng chịu tiếp nỗi đau. Đứa con đầu cũng mất sau mấy ngày chào đời. Cô con gái thứ 2 sinh năm 1991 bị teo cơ, dị tật ở chân. Suốt những ngày thơ bé em đã đến trường bằng đôi chân của ông nội và mẹ. Nhưng con đường đến trường của em cũng chỉ kéo dài tới lớp 9.

 

Mô tả ảnh.
Vân may mắn hơn các bạn vì em được lên tàu Hòa Bình đi đòi công lý.

 

Không thể tuyệt vọng

Vẫn là khung cảnh đầy chật vật của một bữa cơm dành cho những đứa con bị nhiễm CĐDC. Chị  Lương Thị Ngọc Ánh (31 tuổi, ở tổ 28, Khuê Trung) một tay giữ chặt lấy 2 tay em Nguyễn Phan Hoài Linh (12 tuổi), một tay đút và nâng đầu để em khỏi bị trớ. Khuôn mặt Hoài Linh hồn nhiên, xinh xắn đến vậy, lại phải gánh trên cơ thể mình đôi chân đang ngày một teo nhỏ.

Linh sinh ra như những đứa trẻ khác, đến 6 tháng tuổi em phát triển chậm dần rồi sau đó yếu dần đi. Gia đình đưa em đi chạy chữa khắp nơi, nhưng vô vọng. Giờ chị Ánh chỉ mong cháu có được chiếc xe tập đứng để chị có thể vừa chăm vừa giúp cháu luyện tập ở nhà, vì gia đình không có điều kiện đưa Linh đi điều trị  ở các Trung tâm Phục hồi chức năng.

Còn Nguyễn Thị Trang Ngân, dù đã 22 tuổi nhưng mãi mãi vẫn là một đứa trẻ ngây ngô. Trong căn phòng nhỏ, Ngân ngồi dựa vào tường, thỉnh thoảng lại đưa tay lên miệng mút vu vơ rồi ngửa cổ thở một cách khó nhọc. Chị Nguyễn Thị Thúy Liễu, mẹ Ngân không thể ngờ được quãng thời gian chồng chị, anh Nguyễn Hữu Phúc luân chuyển ở các chiến trường miền Nam và Campuchia về lại mang theo di chứng tàn khốc đến vậy. 2 tháng, bác sĩ nói Ngân bị bại não. 5 tháng, gia đình được báo tin, cổ em không có xương... Em không hề có cảm giác  đói, no, đau đớn. Để có được Ngân như bây giờ, gia đình chị Liễu đã vượt qua bao nỗi tuyệt vọng và mặc cảm.

May mắn hơn, có lẽ là em Nguyễn Thị Hồng Vân (sinh năm 2001), tổ 11 phường Khuê Trung. Khi sinh ra Vân đã bị bệnh u máu bẩm sinh, khắp người đỏ rực nhưng em vẫn có thể đi lại và là một trong 3 nạn nhân được lên tàu Hòa Bình năm 2008 sang Singapore đi đòi công lý.

Điều chúng tôi cảm phục nhất là sự hy sinh, là tấm lòng vô bờ bến của những bậc làm cha làm mẹ. Dù hoàn cảnh gia đình đều rất khó khăn, nhưng họ đã cố gắng đến kiệt sức để níu kéo từng ngày một cuộc sống những đứa con mình rứt ruột sinh ra. Khi nỗi đau chưa dịu lại, họ lại đứng trước một nỗi lo lớn dần theo ngày tháng. Ấy là nỗi lo mà chị Ánh đã nói về con: “Giờ vợ chồng còn trẻ, còn chăm cháu được, chỉ sợ sau này, chúng tôi không còn sức khỏe, hoặc khi khuất núi rồi sẽ thế nào”.

Thấu hiểu nỗi khổ đau tận cùng, và nỗi lo âu của những gia đình có con em là nạn nhân CĐDC, cuộc hành trình của những người đi đòi công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam đã được khởi xướng. Dầu đường đi tới đích còn quá xa xôi, nhưng những việc làm thiết thực của Hội Nạn nhân CĐDC, cộng đồng, các tổ chức xã hội đã tiếp thêm nghị lực và sức mạnh cho những nạn nhân CĐDC trong cuộc sống.

Thu Hà

;
.
.
.
.
.