.

Sắc màu xa xăm

Cái rét cuối cùng của mùa lạnh rồi cũng tan. Nàng Bân tới Huế trong vài ngày, rồi cũng đi. Một chút xáo xác giữa lòng người rồi cũng tiêu như giọt nước trong lòng chảo khẽ reo lên trước lúc vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc đời.
 
Nhiệt độ cứ chênh vênh trong quãng bâm lăm đến bốn mươi, đày đọa con người qua lớp bụi mù mịt rớt trên quốc lộ khi xe ben ùn ùn chở đất đi san lấp ruộng đồng xây đô thị mới. Những nhà gần đường, nắng xiên qua lớp kính trắng lóa xông hơi nóng vào mọi ngõ ngách hiếm hoi con người có thể ngủ trưa được mà không cần dùng tới quạt điện. Mùi nhựa đường ngoài quốc lộ hăng hắc, càng khiến cho giấc ngủ trưa trở nên quý giá vô ngần.

Tôi đang ngủ, cửa mở choang oang. Trưa nào tôi cũng ngủ ngon lành cho tới hai giờ kém mà chẳng cần quạt. Cây vú sữa trùm gần hết ngôi nhà cũ tôi thuê, mát hơn là có máy điều hòa như ở cơ quan Nhà nước. Có tiếng xe phạch phạch ngoài kiệt rồi tiếng rú ga bò lên cổng, ai đó đã cho nó chạy thẳng vào sân nhà tôi mới chịu tắt máy. Khả. Đúng. Tôi biết bởi tiếng xe cúp cánh én Khả mang từ Sài Gòn ra, thường vẫn chở Khả tới tôi nhưng không phải vào giữa trưa mà là xế chiều, lúc tôi đã đọc được một lượng tài liệu kha khá cho luận án của mình. Tôi tỉnh, không buồn ngủ. Tôi có thừa thời gian để ngủ mỗi khi nghẽn mạch tư duy. Vừa học vừa làm luận án, cơ quan trích cho tới gần hai năm phép, nếu tôi có ngủ một năm thì luận án vẫn xong. Khả đã bước lên thềm nhà. Tôi mặc. Phải để cho Khả trông thấy cặp giò mịn của tôi nhờ chiếc quần Jeans cắt ngắn gần tới háng cái đã. Đó là thế mạnh của tôi mà chưa ai biết đến. Tôi tính cỡ khoảng ba mươi giây hay một phút gì đó, không có bước chân Khả. Thế là đủ. Tôi vờ ụn ượn rồi mới chồm dậy, mắt chỉ loáng nhìn Khả, cặp giò vẫn không quên dạng ra dạng vô một cách vô tình rồi duỗi. Khả cười khì khì. Ờ, mà sao tôi “ghét: nụ cười ấy đến thế không biết. Nó vui vui, hiền hiền nhưng lại quá ư thờ ơ.
- Nóng quá. Không thể chịu nổi nữa!

Ô hay, không lẽ đòi qua đây ngủ trưa. Tôi thấy thích kiểu cộc cằn của Khả. Phải, với riêng Khả, nếu có đột ngột ôm dí lấy tôi thì đó cũng là điều bình thường. Với tôi, Khả luôn dễ thương, dễ ghét nhưng không dễ trách. Mùa hè này - năm thứ ba Khả thất nghiệp tại quê nhà, đúng ba tư; hơn tôi những năm tuổi song Khả có cái gì rất trẻ thơ đáng mến. Đấy là thước đo sự chân thành con người Khả. Một con người nhỏ choắt mà cái đầu lại to tổ bố, nên khi Khả cau có trông tội. Thực sự tôi rất muốn ẵm Khả vào ngực mình những khi đó. Mùa lạnh không nói nhưng từ tiết xuân trở đi, chuyên đời Khả thay nhau mặc ba chiếc quần lửng quá đầu gối, cũ rích và màu phết be bét ở hai ống, chẳng thể đếm nổi tất thảy có bao nhiêu màu.

Từ chỗ Khả tới quán cà-phê trước cổng nhà máy dệt chừng cây số, cùng bên đường, thành thử sáng sáng Khả điều khiển chiếc cúp cánh én chạy trên lề. Quán có đứa con gái đẹp lắm, như tiên vậy. Nó còn hơn tiên là biết làm việc kiếm tiền tiêu xài và múp máp. Tôi biết được nhờ thằng cha thợ cắt tóc thỉnh thoảng vẫn lui tới nhà tán tỉnh tôi. Một thanh niên nhỏ gầy, cao ráo, đàng hoàng, thoáng. Mỗi ngày y thu nhập khoảng mười lăm cái đầu cả ngoáy tai, cạo mặt, nhưng chiều chiều lại cùng tụi công nhân nhậu. Hễ tôi nhắc tới y là Khả nhăn mặt lại, bảo y luôn vẻ ta đây dân nghệ sĩ, lại còn bày đặt tiếng Pháp tiếng Nhật với con Út nữa. Cô bán cà-phê  Út đó, y bảo Khả không có cơ tán tỉnh, còn Khả thì chê y.

Tôi không tiếc buổi ngủ trưa, đi xuống cửa bếp rửa mặt, vẫn hỏi:
- Xe gì kêu như máy nổ vậy?
Khả cười khả khả trong cổ họng khoái trá.
- Cả xã này chỉ còn cái của mình đó.
Rất hợp với chiếc áo chỉ chít hai khuy cúc phía dưới, phanh bộ ngực lòi xương của Khả, với chiếc quần màu lộn xộn và đôi dép cao su cong vồng Khả cho vào ba lô từ Sài Gòn. Khả mua chiếc cúp cánh trong đợt trở lại Sài Gòn làm ăn lần thứ hai. Lần này Khả bỏ nghề vẽ áo dài, theo lời của người bạn nộp hồ sơ xin vào hãng phim hoạt hình Lây-nơ-guây.
Buổi đầu tiên thử việc, cô Hà đưa Khả một xấp sim bảo về phát cho cả phòng làm. Khả mừng, song ngại. “Cô giao cho người khác đi. Con mới vô lại dốt, sợ trong phòng họ tự ái…”. “Chị giao cho Khả, Khả cứ phát và làm. Nếu ai không nhận đưa lên đây trả chị”. Khả bê tập sim về phòng, mấy đứa tới nhốn nháo. “Này Khả, mày là gì với bà Hà?”. Khả ngơ, không biết trả lời sao…

Về Huế tôi không thấy Khả cưỡi chiếc cúp cánh lên phố bao giờ, chỉ loanh quanh trong xóm, đi uống cà-phê và... đến tôi. Khả chuyện với tôi bao giờ cũng thật như đếm và đặc biệt: không giấu giếm. Điều này khiến tôi buồn một cách lờm lợm, đến ghét Khả vô cùng. Khả kể với tôi chuyện cô Hà. Nhớ nhất là lần đi biển Mũi Né. Bước xuống biển đã ngà ngà, cả bọn uống tiếp và cởi đồ tắm, lại lên uống. Khả mệt mỏi và buồn khi nghe thời sự về một Huế đang chới với trong cơn đại hồng thủy. Dưới bóng râm của hàng dương liễu, cô Hà cùng ngồi tâm sự… Khả cứ vô tư vừa kể với tôi vừa cười toe toét. Tôi càng ghét, nhưng cứ nghĩ: sao lại trách cứ dòng ngây thơ trong trắng được nhỉ? Thế là mỗi lần Khả tới chơi, là một ngày hoàn toàn mới lạ, mặc dầu trong câu chuyện của Khả luôn lẫn lộn với những gì tôi đã nghe ở lần trước và lần trước nữa.

Rửa mặt xong tôi thấy hành động đó thừa ra khi quyết định tắm. Mỗi khi ngủ trưa dậy tôi vẫn tắm để ngồi vào bàn cho thông thoáng trí não, nghĩa là hôm nay tắm hơi sớm. Tôi cũng muốn thử lòng kiên nhẫn của Khả tới đâu. Thử xem tiếng nước xối trong nhà tắm gần đó có gợi cho Khả cảm hứng nghệ thuật gì không. Khả vẫn ngồi trên chiếc ghế tôi làm việc nhưng quay mặt ra ngoài, lật mấy cuốn tạp chí cũ có giới thiệu họa sĩ ở bìa hai. Xem rồi cười nhem nhẻm một mình. Tôi bực, vặn vòi hết cỡ cho nước xối trôi mình đi. Qua nhà Khả mỗi ngày, nhìn vào tôi thấy khá nhiều tranh. Tôi vẫn hằng mong được tận mắt thưởng ngoạn mà chưa có dịp. Khả bảo hồi vào Sài Gòn vẽ nhiều lắm, đơn giản vì có màu. Kiếm tiền thì vẽ áo dài... Trong khoảng trí nhớ mênh mang của Khả còn sót lại hình ảnh một cô gái cùng bà mẹ tới chọn mẫu cho chiếc áo dài đặc biệt. Cô sắp bước vào cuộc thi hoa hậu thành phố. Khả vắt óc ra mẫu suốt hai ngày mới thành. Tôi hỏi cắt ngang: “Cô ta có được không?”. Khả giương cổ lên: “Đẹp chớ. Cỡ như mình nhìn hắn là sái cổ lận”. “Thế nó trả cho bao nhiêu?” - Tôi hằn học hỏi. “Mình không lấy tiền. Nó cảm ơn và bảo nếu đậu sẽ tới tìm. Mà có thấy mô”. Khả lại cười như nghe chuyện tiếu lâm. 

- Sao làm ăn phát đạt vậy lại về Huế? Nhớ nhà à?
- Thực ra đợt sau đó ế ẩm. Tới quầy nào họ cũng giục ra mẫu, bất mệt đi. Nợ nhiều mà không quầy nào chịu trả bớt. Mình mới tính về nhà một thời gian làm thử. Nói chung lúc về làm cũng được. Mối nhập cho các sạp ở chợ Đông Ba nhiều lắm.
- Thế có vẽ tranh không?
- Có chớ. Thừa màu mà. Màu vẽ áo dài đắt lắm, không ai đưa vẽ tranh mô. Nhưng mình sẵn nên cứ phết bừa vào. Bị điên mà.
- Vẽ nhiều không?
- Nhiều. Nhiều lắm…
Tôi quay nhìn rất kỹ Khả, Khả không hay. Khả mơ màng: “Ở Sài Gòn có hàng trăm bức, cuốn gửi chỗ thằng bạn, chẳng biết còn không. Giờ đây chỉ còn vài chục bức thôi. Cha Tèo cha lấy hết. Nhiều bữa qua nhà cha, giật cả mình. Tranh mình treo khắp nhà cha. Tức nghẹn cổ.
- Tèo nào?
- Tèo bán cà-phê ngoài Dệt ấy.
- A. Tèo có con nhân viên Út chứ gì?
- Ờ. Đúng rồi đó. Cha biết mình nể con Út, nên nhờ nó xin.
- Biết thế sao còn cho?
- Mình đâu biết!
- Sao biết?
- Thì con Út nói. Nó nói, anh Tèo anh nhờ em xin. Bạn bè thân thiết tặng bức cho vui chứ mình cho ai. Biết con Út thích tranh, mình bảo, Út ưa cái mô về nhà anh mà lấy. Nó lấy một cuộn luôn. Bữa sau ra uống cà-phê hỏi, Út về treo ở mô? Có đẹp không?… Mới biết cha Tèo cha lợi dụng mình.
- Con Út chứ!
- Không. Út nó tội thôi. Ghét cha Tèo. Từ bữa đó mình có chơi với cha nữa mô.
- Nhưng vẫn uống cà-phê ở đó.
- Vẫn. Buổi sáng không ngó trời nhìn đất chút thì thành ông già mất. Cũng sắp rồi.
Khả cười tiếp, không đáng ghét chút nào. Tôi gợi:
- Bữa này ở nhà làm tượng đi!
- Tượng a. Vẫn làm đấy chứ. Lâu lâu làm cái cho... buồn. Nói chứ cũng nhiều rồi. Hai lăm cái. Ngặt cái nỗi phải cứ đi xin xi-măng thấy kì kì răng a.
- Đó kìa. Còn nửa bao chỗ góc kia kìa.
- Của chủ nhà mà?
- Chủ nhà gì. Bữa hôm họ làm tường bao thừa vứt đó, không dùng vài bữa chết cho coi.
- Ờ.
- Cả cát ngoài nữa kìa.
Tôi chỉ tay ra đống cát bằng một xe cút-kít đổ sát hồi nhà, lũ chó quanh xóm thay phiên nhau tới ỉa, hôi rình. Tôi nghĩ Khả cứ dùng sạch đi cho hết nợ. Tôi vui hẳn lên. Mùi xà phòng thơm từ thân tôi phả dìu dịu. Khả vá miệng ngẫm nghĩ gì đó. Tôi nhìn Khả. Vẫn cái đầu to, khổ sở như lão Khốt-ta-bít. Không hiểu nổi tôi nữa, bao giờ tôi cũng muốn níu cái đầu Khả ấp vào ngực mình và cảm nhận…
- Lâu nay Tình có tới rủ đi nhậu nhẹt gì không?

Tôi biết Khả và y là bạn cùng lớn lên trong làng. Y chưa học đến mười hai đã đi bộ đội, về có lên chùa sống một năm. Sau đó nối nghiệp cha cúp tóc và học tiếng Pháp, đến nay đã nói bập bẹ. Tôi chẳng rõ y học để làm gì, vì y không hề có mục đích cho tương lai. Y học tiếng Pháp như một tiêu khiển có nhận thức, kiểu như mỗi chiều cùng lũ bạn bông nhông vài xị rượu và tối bắt con tỷ số dăm ngàn để xem cho có hứng vậy. Mỗi lần tới tán tỉnh tôi, y luôn mở đầu bằng câu vu-vu-xa-p-lê-cô-moong rồi tuôn ra một tràng nữa, sau phiên dịch; sau nốt là ô-r-voa, bông-nuy…
Khả tức:
- Có vài ba chữ tiếng Pháp mà đi mô cũng vẽ sành điệu. Ăn thua chi so với cô Hà. Cô nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió rứa.

Lại cô Hà. Thật ra giữa Khả và cô Hà có gì vấn víu? Tại sao đứt đoạn với Sài Gòn đã ba năm, Khả vẫn luôn mồm nhắc tới người đàn bà vốn là trưởng phòng dân sự công ty hoạt hình Lây-nơ-guây đó. Tôi dằn lòng, nhưng lại cố tự an ủi...

Hình như Khả chẳng hề bận tâm tới việc y đang có ý muốn lấy vợ, là tôi. Mà cả hai cũng chưa hề chạm trán với nhau tại nhà tôi. Y tới buổi tối, còn Khả chừng chiều. Có khi cưỡi cúp cánh tới chỉ để xin xi-măng và cát rồi về liền. Khả đã lôi cái bì xi-măng Kim Đỉnh từ góc nhà ra vốc tay vào đó tới bốn bữa mà chẳng vơi. Phải, tôi có mua năm cân lặng lẽ đổ thêm vào. Còn cát thì thoải mái. Khả cứ gạn lọc cứt chó mà sử dụng, thoải mái. Khả đắp tượng mỗi sáng, đi uống cà-phê ở quán có nhân viên Út về. Xong cái nào bê lên nhà cái đó, nằm nghe nhạc, ngắm. Nhàm mắt lại làm cái khác. Hết bảy mươi phần trăm là thiếu nữ, cái nào cũng to và ấn tượng... Tất cả, cũng chỉ khuấy động chút xíu ý vị cuộc đời Khả giữa cõi tạm. Giờ mỗi lần ngang nhà, tôi đều ngó vào xem những bức tượng Khả mới làm có bóng dáng gì của tôi không?

Buổi tối đến nhà Khả, vào chừng chiều, đồ trang trí nội thất và tường còn ủ nóng. Có một bức tượng Khả mới làm xong sáng nay. Tôi nhìn qua rồi hỏi vội: “Gì ghê vậy?”. Khả bình thản: “Có chi ghê, chỉ là con nớ nhảy lên ôm ngực hôn thằng nớ. Chứ nếu ở thế làm tình, thì cái đầu của con nớ phải cao hơn thằng nớ chứ.” “Ừ nhỉ. Không để ý tề”. “Tính tỷ lệ kỹ rồi chứ giỡn à?”. “Phải, nhưng dẫu sao trông - giọng tôi nhỏ lại: vẫn cứ thấy… giông giống…”. Cha Khả vui vẻ gật đầu với khách, không có biểu hiện “nịnh” giùm con. Vào nhà, tượng và tranh lẫn lộn trong không gian hẹp. Riêng tranh gần như chồng lên nhau. Đấy là những nét vạch không hề có trường lớp và thầy cô nào dạy cho Khả cả. Khả “vận công” tự vẽ lấy từ những mảnh vỡ của trí tưởng chưa được chắp nối…

Khả chưa bao giờ đến tôi vào buổi tối, trừ bây giờ - chập choạng tối.
- Nhậu với ai về à?
- Với ai mô... - giọng Khả vút lên.
Tự dưng tôi bật cười trong lòng: hai thằng cha ni lại gây nhau đây. Tôi nhớ y. Tối qua y mới ở đây.
Tôi hỏi dạo này có còn uống cà-phê ở quán Út nữa không. Y trả lời như biện hộ: “Con Út có liên can chi đến miềng mô. Khả ấy. Khả mê nó lắm”. Y cũng có tâm sự với tôi một đoạn. Rằng y muốn bỏ nghề cắt tóc, đi làm phiên dịch cho tây hay nhân viên phục vụ nhà hàng khách sạn cũng được, miễn là được nói tiếng Pháp.
“Hắn mà nói tiếng Pháp chi, cô Hà cô nói như gió rứa” - lời Khả như còn váng vất quanh màng nhĩ tôi. Ờ, chỉ điểm này là tôi ghét Khả nhất, đến nỗi đôi lúc tôi còn đưa cả y đặt lên bàn cân, bên Khả.

Tôi hỏi Khả như với tư cách một người chị:
- Gây nhau à?
- Gây chi!
Sực nhớ bếp lửa, tôi ra đẩy củi. Trở vào thì thấy Khả chặn ngay cửa nách. Tôi trợn mắt Khả mới cất tay để tôi vào.

“Ông già đau, nằm viện”. “Nặng không?”. Khả thở hắt: “Ôi chà, gan lòng phèo phổi của ông quá hạn sử dụng hết cả rồi. Mà không phải ông đau vì bệnh. Ông buồn thằng em mình”. “Sao?”. “Hắn điện về báo sắp cưới”. “Thì cưới”. “Mình chưa có vợ ông già bực phát đến bệnh, nay hắn đòi cưới…”. “Răng rứa?” - tôi hỏi rặt giọng Huế. “Hắn đòi cưới bà hai con rồi!”.

Tôi cúi mặt. Ngước lên, tôi định hỏi: Bà tên gì?
- Ông già phái mình vào Sài Gòn gấp.
- Khả đi Sài Gòn?

… Thì, Khả ôm tôi từ phía sau. Khả hôn một cách tham lam vào cổ rồi ngực. Khả vào lại Sài Gòn liệu có gặp cô Hà… - gam màu cũ kỹ nhưng chưa bao giờ phai mà Khả từng vẽ trên những chiếc áo dài phận mỏng? Tôi gần như phó mặc thân xác. Ngửa cổ... tôi thấy được những đường xà đen xẩm, một số viên ngói nứt, xộc xệch…

NHỤY NGUYÊN
;
.
.
.
.
.