.

Tấm lòng Hòa Nhơn

.
Ông Võ Chiến nhớ lại: Hồi năm 2009, khi nghe cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Nhơn đi vận động nhân dân hiến tặng giác mạc nhân đạo, nhằm đem lại ánh sáng cho người mù, người dân trong xã không mấy mặn mà cho lắm. Bà con nghĩ rằng, khi sống cũng như chết, cơ thể phải còn nguyên vẹn để khi đầu thai kiếp khác thì mới thấy đường mà đi lại…

Mô tả ảnh.
Vợ chồng ông Võ Chiến và bà Lê Thị Hoa là người đầu tiên làm dấy lên phong trào hiến giác mạc ở Hòa Nhơn.
Cứu giúp người  là điều hạnh phúc

Nhà vợ chồng ông Võ Chiến (62 tuổi) và bà Lê Thị Hoa (58 tuổi) ở thôn Phước Thái, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang là  những người đầu tiên trên địa bàn xã đăng ký nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

Cách đây không lâu, khi nghe cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Nhơn đi vận động nhân dân hiến tặng giác mạc nhân đạo, nhằm đem lại ánh sáng cho người mù, người dân trong xã không mấy mặn mà cho lắm. Bởi ai cũng nghĩ là khi sống cũng như chết, cơ thể phải còn nguyên vẹn để khi đầu thai kiếp khác thì mới thấy đường mà đi lại. Nhưng vợ chồng ông Chiến và bà Hoa lại nghĩ khác. Theo họ chết là hết. Là về với cát bụi.
Nhưng nếu sau khi chết đi mà một phần cơ thể của mình để lại có thể dùng giúp ích cho những người còn sống, giúp họ vượt qua nỗi bất hạnh, đau buồn, để có một cuộc sống hạnh phúc thì nên làm. Vậy là ngay sau đó, cả hai vợ chồng ông Chiến lên Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Nhơn tình nguyện làm đơn đăng ký hiến tặng giác mạc của mình. “Sau khi làm thủ tục hiến tặng giác mạc xong, ngay trong bữa ăn tối của gia đình, hai vợ chồng tôi dặn dò các con là sau khi ba mẹ chết đi, phải thực hiện ngay ý nguyện của ba mẹ”, ông Chiến nói.

Chương trình “Truyền thông vận động hiến tặng giác mạc ở Việt Nam”, được thực hiện thí điểm tại 10 tỉnh, thành phố do Tổ chức ORBIS hỗ trợ. Đến nay, Việt Nam đã có 30 nghìn người đăng ký hiến tặng giác mạc. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, cả nước có trên 300 nghìn người mù do bệnh giác mạc, trong đó có khoảng 150 nghìn người mù cả hai mắt, sống trong cảnh mù lòa. Trung bình hằng năm, số người bị mù do bệnh giác mạc tăng thêm 15 nghìn người. Và những người này đang mong chờ được ghép giác mạc để có ánh sáng.
Cũng bắt đầu từ ngày đó, những lúc đi làm đồng, ông Chiến ra sức vận động người thân, bạn bè của mình đăng ký hiến giác mạc. Ban đầu, khi nghe ông Chiến nói, cũng có nhiều người còn dè dặt bởi ý nghĩ hiến giác mạc là bị lấy đi cả con mắt của người đã khuất... Nhưng sau khi phân tích cho bà con hiểu đó là một nghĩa cử đẹp, không hề ảnh hưởng gì tới người đã khuất, mọi người đã hưởng ứng nhiệt tình. Từ năm 2009 đến nay, qua sự vận động của ông Chiến, đã có 15 người ở các thôn Phước Hưng, Phước Thái, Ninh An, Thái Lai, Diêu Phong (xã Hòa Nhơn)… đăng ký tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi chết.

Anh Trần Ngọc (46 tuổi), trú thôn Phước Hưng là một trong những người đã đăng ký hiến giác mạc, tâm sự: “Xưa nay sống ở quê, tôi có biết chi việc hiến tặng các bộ phận cơ thể sau khi chết. Nhưng khi được nghe Hội Chữ thập đỏ xã tuyên truyền, vận động và có nhiều người đăng ký, tôi thấy việc làm này có ý nghĩa nên trong năm 2010 đã tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc của mình. Tôi nghĩ sau khi mình qua đời rồi mà một bộ phận cơ thể của mình vẫn có thể cứu giúp được người nào đó thì quả là điều hạnh phúc lắm. Hơn nữa, đây cũng là việc làm có ý nghĩa với đời, để lại phúc đức cho con cái sau này”.

Niềm hy vọng  của những người mù

Mô tả ảnh.
Ông Huỳnh Trung, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hòa Nhơn lật giở danh sách những người đăng ký hiến giác mạc trên địa bàn xã.
Ở thôn Thạch Nham Tây, vợ chồng ông Trần Công Tương và bà Võ Thị Xí tình nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc sớm nhất. “Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh những người mù phải dò dẫm từng bước trên đường,  tôi đau lòng lắm. Mất đi đôi mắt xem như mất nửa cuộc đời. Ở đời này, không mấy ai được hoàn hảo, nên tựa nhau mà sống. Tôi già rồi, không giúp được gì nhiều cho đời, nên hiến tặng giác mạc xem như món quà cho những người có số phận không may mắn”, ông Tương chân thành nói. Bà Võ Thị Xí cũng tiếp lời chồng: “Lúc đầu, nghe mọi người trong xã nói hiến giác mạc, tôi cứ nghĩ là sau khi chết sẽ bị người ta mổ lấy đôi mắt nên cũng hơi sợ. Giờ tôi mới hiểu là người ta chỉ lấy đi phần giác mạc mỏng phía ngoài con ngươi mà thôi”. 

Cũng như ông Chiến, sau khi tình nguyện đăng ký làm việc nghĩa với đời, ông Trần Công Tương cũng đã tiếp tục vận động người dân trong thôn Thạch Nham Tây tự nguyện hiến giác mạc. Và kết quả là đã có thêm hai cặp vợ chồng trong thôn hưởng ứng thực hiện.

“Khi mất đi vẫn còn nhìn thấy cuộc đời”, đó là khẩu hiệu tuyên truyền  của cuộc vận động hiến giác mạc ở Hòa Nhơn.

Cái cách vận động ở  Hòa Nhơn đã đem đến một sự đổi thay mạnh mẽ trong suy nghĩ, nhận thức của người dân đối với phong trào nhân đạo này. Ông Huỳnh Trung, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã cho biết: Đã có 105 người trên địa bàn xã tình nguyện tham gia hiến giác mạc. Người lớn nhất 72 tuổi và người nhỏ nhất 45 tuổi. Đặc biệt, trong số 105 người tình nguyện hiến giác mạc, có đến 9 cặp vợ chồng tham gia. Người dân Hòa Nhơn đã vượt qua những rào cản tâm linh để làm việc nghĩa. Ông Trung hy vọng: “Hội Chữ thập đỏ xã vẫn đang tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động. Chúng tôi mong rằng, người dân đăng ký hiến tặng giác mạc sẽ không dừng lại ở con số 105”.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng ban Tuyên huấn Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng, xã Hòa Nhơn là địa phương có số người tham gia đăng ký hiến giác mạc nhiều nhất từ trước đến nay trên địa bàn thành phố. Chương trình “Truyền thông vận động đăng ký hiến tặng giác mạc” được triển khai thực hiện từ năm 2009 đến nay tại 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Và đã có gần 3.000 người tình nguyện đăng ký hiến giác mạc. Đây là niềm hy vọng rất lớn đối với người mù do các bệnh giác mạc gây ra. Cũng theo ông Lưu, đến nay, tại địa bàn thành phố Đà Nẵng, đã có hai bệnh nhân được ghép giác mạc từ các nguồn giác mạc được hiến tặng. Nhờ vậy, họ đã thoát khỏi cảnh sống trong mù lòa, tăm tối.

Phương Chi
;
.
.
.
.
.