.

Tôi đi học bằng 2

Con đường đến bằng 2 chuyên ngành ngoại ngữ của các học viên tại trường Đại học N. bắt nguồn từ nhiều động cơ, nhưng, điều dễ nhận thấy nhất là, số người đi học để tăng vốn ngoại ngữ và mở mang kiến thức khá hiếm. Dù học hành lơi bơi, họ vẫn lên lớp đều đặn và cầm trong tay mảnh bằng Đại học hẳn hoi.

Láo nháo phòng thi

Sau học kỳ đầu, những ai cảm thấy mình không đủ sức theo chương trình đã “nửa đường gãy gánh”, để cuối cùng, hai lớp gộp lại cũng chưa bằng sĩ số ban đầu của một lớp khi mới nhập học. Số khác, “lỳ” hơn, biết không thể “bươn” nổi vẫn không rút khỏi danh sách, mà ngon ơ có mặt trong các buổi thi, trong khi mình không có chút kiến thức nào vì chưa bao giờ tới lớp. Thậm chí, gần sát giờ thi, nhìn quanh không thấy “chiến hữu” đâu, nhiều người mới móc điện thoại: “A lô! Mày ơi! Hôm nay thi môn X., tới lẹ lên, đang điểm danh”. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong nhiều buổi học, lớp chỉ loe ngoe mươi người, thì lại khá đầy đủ vào ngày thi. H.T.P.G., một cán bộ Đoàn đang theo học biện hộ cho sự vắng mặt của mình trong lớp bằng hai: “Mình bận học thạc sĩ nên không có thời gian lên lớp này”.

Trong lớp thường nổi lên khoảng 3, 4 ngôi sao thi cử. Lập tức, các “chiến hữu” lập thành những hàng rào vệ tinh vây quanh các sao này, để một người làm cho cả chục người… hưởng. Sao viết tới đâu, vệ tinh làm tới đó. Sao dừng bút, chiến hữu cũng ngồi ngẩn tò te. Các giám thị không quá khó nên thường xuyên để lọt lưới vô số trường hợp “không làm mà vẫn có ăn”. Không hiếm học viên trải luôn “phao” lên bàn. Thành thử, đối với những môn học đòi hỏi thực lực, chỉ có vài người được điểm khá trở lên, còn lại chỉ đạt điểm sàn đủ để qua ải hoặc rớt tơi bời. 

Tội thầy, tội cả trò

Việc kiểm soát thi cử lỏng lẻo đã đưa tới tình trạng thi… dùm, khi học viên nào đó đang bận đi công tác không về kịp. Thật ra, tình trạng thi cử gian lận đã diễn ra ngay từ lúc thi đầu vào: nhiều kỹ sư, nhân viên ngân hàng, cán bộ Nhà nước… muốn có vé vào cửa Đại học bằng hai đã không ngần ngại hỏi bài, “copy” bài của những người có vẻ kha khá, làm nên một cảnh tượng nhốn nháo ở chốn phòng thi.

Chất lượng đầu vào không đồng đều, không được kiểm soát ngay từ đầu khiến người học yếu lặc lè đuổi theo chương trình vốn khá nặng. Ai “đuối” quá thì bỏ luôn, không thì chặc lưỡi: “Kệ! Học kiếm bằng thôi!”, nên bất chấp việc mình học được hay không, vốn ngoại ngữ của mình có khá lên không sau hai năm theo học, vẫn quyết chí theo tới cùng.

Từ đó, nhiều chuyện dở cười dở mếu thường xảy ra như một số học viên dù thi đậu đều đều, nhưng trong buổi học lại… á khẩu, không nói được tiếng nào khi giảng viên hỏi đến; hoặc vì đi học dùm người chị đang bận công tác, một cô bé cứ lắc đầu nguây nguẩy không chịu trả lời giảng viên; được đào tạo gần hết các môn chuyên ngành, số người không thể nghe và dịch nổi nửa câu tiếng Anh không phải là ít. Chính những giảng viên đứng lớp đã tỏ ra thất vọng khi đứng trước thực tế đó. Một giảng viên than: “Học hành, thi cử thế này, khổ cho bọn tôi, mà cũng khổ cho các anh chị”.

Chính vì thế, nạn “copy” cứ tái diễn hết lần này tới lần khác như một chuyện hiển nhiên và dễ “thông cảm”. Bao nhiêu trí thức cầm trên tay mảnh bằng Đại học thứ 2 không phải bằng thực lực của chính mình.

Nguyễn Linh Lan
;
.
.
.
.
.