.

Trong vòng tay bè bạn

.

Những cái siết tay rất chặt, những vòng tay ôm hôn, những câu nói I love you, I love Bac Ho, I love Việt Nam (Tôi yêu bạn, tôi yêu Bác Hồ, tôi yêu Việt Nam) vang lên rất nhiều, nơi những nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hiện diện và đi qua trong hành trình đi tìm công lý cho gần 5 triệu người…

Mô tả ảnh.
Chị Nguyễn Thị Hiền (mũ trắng, giữa) trong một cuộc biểu tình đòi công lý cho NNDC trong chuyến đi Mỹ năm 2010.

 

34 ngày trên đất Mỹ

“Mắc “căn bệnh” nói nhiều, giọng lúc nào cũng khàn khàn, vậy mà hơn 1 tháng qua bên đó, hết nói chuyện lại hát, ngày cũng như đêm lúc nào cũng bận rộn, nhưng giọng chị hết khàn, thậm chí trong veo”, chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (DAVA) Đà Nẵng mở đầu câu chuyện về những ngày chị đại diện cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin (tạm viết tắt là nạn nhân da cam-NNDC) Việt Nam trong chuyến “Hành trình thứ 5 đòi công lý” trên đất Mỹ năm 2010.

Trong 34 ngày, chị Nguyễn Thị Hiền cùng anh Nguyễn Thế Minh, một NNDC cùng đi đã đến 7 thành phố để gặp gỡ, đối thoại, trả lời báo chí… Lịch làm việc dày đặc với các buổi trao đổi với các nghị sĩ Quốc hội, quan chức ngoại giao, giới trẻ, đặc biệt là cựu chiến binh Mỹ và những người đồng cảnh ngộ với NNDC Việt Nam. Một điều may mắn mà đoàn Việt Nam nhận được trong những ngày đi tìm công lý là sự ủng hộ hết mình của những người bạn Mỹ.

Chị Hiền kể, khi đến New York, chị liên hệ đến lần thứ hai mới gặp được bà Giám đốc Tổ chức UNICEF Carol Bellamy. Dù chỉ còn một giờ đồng hồ nữa phải ra sân bay đi Thái Lan nhưng bà Carol đã cố gắng sắp xếp thời gian để có một cuộc gặp mặt ngắn ngủi và đã ủng hộ 65 nghìn USD cho  NNDC Đà Nẵng.

Trong chuyến đi, chị Hiền và anh Minh đã gặp 10 Nghị sĩ Quốc hội Mỹ. Một Nghị sĩ người Ancador nói: “Nếu chúng tôi gặp và biết các bạn đến sớm hơn thì sẽ mời các bạn đến tham dự buổi điều trần nói về chất độc da cam và công ty Dow Chamical”. Tại các buổi gặp, chị Hiền đưa những tấm ảnh chụp NNDC Việt Nam ra trước ngực, nói về nỗi đau họ đang gặp phải và trải qua. Một Nghị sĩ khác cho biết: Hôm nay tôi được ngồi trực diện với bà, tôi được thấy người thật, việc thật, bởi lâu nay tôi chỉ nghe và nhìn thấy các vấn đề về NNDC trong văn bản…

 

Mô tả ảnh.
Một người lái taxi da màu cho chị Nguyễn Thị Hiền-Chủ tịch DAVA xem hình ảnh Bác Hồ được lưu trong điện thoại và bày tỏ sự ủng hộ vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ của NNDC.

Đến Los Angeles, đoàn đã gặp mặt các CCB Mỹ và tổ chức hội nghị 6 lần, một lần tham gia biểu tình, 2 lần chiếu phim về chất độc da cam, 3 lần trả lời phỏng vấn, tiếp xúc với Việt kiều. Chị Hiền cho biết đã có dịp làm việc với Thị trưởng Atlanta, ông lắng nghe và ghi chép hết những gì về NNDC Việt Nam. Đoàn được tham dự và phát biểu ý kiến tại hội nghị của những người da màu, trong đó có khoảng 40 người với đủ màu da khác nhau, họ lắng nghe và ủng hộ công lý của NNDC.

 

Trước hàng trăm người ủng hộ, chị Hiền phát biểu: “Tôi đã đi qua 7 tiểu bang, đến 7 gia đình, tôi tưởng chỉ có gia đình ông Larry (một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam) là tốt với tôi. Nhưng không ngờ là cả 7 gia đình mà tôi đặt chân đến đều là người tốt. Xin cảm ơn các bạn”. Những lời nói chân thành đó xuất phát từ trái tim một người phụ nữ Việt Nam đã giúp cho tiếng nói đòi công lý có hiệu quả thiết thực.

Chị Hiền kể: Ngày 20-4, có một học sinh lớp 11 của Trường Jones College Prep, thành phố Chicago đã phát biểu: “Em rất cảm động sau khi nghe những câu chuyện về NNDC. Tại sao Chính phủ Mỹ lại che giấu chuyện này? Tại sao không công khai cho chúng tôi biết? Chúng tôi là người Mỹ cảm thấy xấu hổ, vì những gì mà Chính phủ Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Công ty Dow thật tồi tệ, Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm với việc này”. Ở Washington DC, các bạn sinh viên Mỹ lẫn Việt kiều của Trường Western Washington đã thảo luận và đưa ra nhiều câu hỏi về NNDC. Có khoảng 50 em đã xuống đường biểu tình đòi công lý cùng đoàn Việt Nam. 

Trong nhiều năm làm công tác xã hội và đặc biệt là trên cương vị Chủ tịch DAVA Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Hiền đã đưa chính hình ảnh người thân trong gia đình mình để tuyên truyền. Trong gia đình bác ruột của chị, anh trai con bác theo cách mạng, trong khi người em đi lính cộng hòa - bây giờ người cựu binh ấy đã chết bởi chất độc dioxin, hai người con của ông ấy là  NNDC. Nỗi đau ấy đã trở thành nỗi đau của dân tộc thời hậu chiến.

Những ngày “đi ra khỏi đất nước thấy mình kiên cường lắm, tự tin hẳn lên, nhất là trước sự ủng hộ của những người Mỹ biết và chưa biết về hàng triệu NNDC ở trong nước. Và sức mạnh đó nằm ở những câu nói như “chúng tôi sẽ luôn đồng hành với các bạn trong cuộc chiến đòi công lý được thực thi, trước nỗi đau của nạn nhân”, chị Hiền chia sẻ về hành trình góp tiếng nói của sự thật trên đất Mỹ.

Anh Nguyễn Ngọc Phương giới thiệu hình ảnh chuyến hành trình góp tiếng nói đòi công lý của anh và đoàn Việt Nam năm 2008.
Anh Nguyễn Ngọc Phương giới thiệu hình ảnh chuyến hành trình góp tiếng nói đòi công lý của anh và đoàn Việt Nam năm 2008.

 

Góp hình ảnh, tiếng nói trước thế giới

Tháng 9 năm 2008, lần đầu tiên một số NNDC Đà Nẵng đi cùng tàu Hòa Bình (Peace Boat) hành trình từ Đà Nẵng đến Singapore, theo lời mời của Hội nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản. Chuyến hải trình chỉ kéo dài một tuần nhưng đã để lại bao kỷ niệm cho anh Nguyễn Ngọc Phương, một NNDC. Anh kể, khi đoàn Việt Nam kết thúc buổi chiếu phim quay hình ảnh những NNDC người khóc cười ngây ngô, người nằm im bất động, dị hình dị dạng, và trước mặt hàng trăm hành khách tham gia buổi chiếu phim là những nạn nhân mang trong mình biết bao căn bệnh như anh, cả khán phòng hàng trăm người đã đứng dậy. Người già thì lặng lẽ khóc. Người trẻ đến bên cạnh bắt tay, siết chặt mình trong vòng tay họ.

Một hành khách khoảng 75 tuổi, là nạn nhân của bom nguyên tử đã nói chân thành: Nỗi đau của bom nguyên tử chỉ tức thời, trong khi hậu quả của chất độc da cam để lại di chứng quá lâu dài. Chúng tôi xin sẻ chia cùng các bạn.

Nhận được sự đồng cảm của mọi người, anh Phương tin chắc  rằng, tiếng nói của NNDC sẽ đến được với thế giới. Sẽ có nhiều người biết hơn về nỗi đau của hàng triệu gia đình, để họ ủng hộ và góp tiếng nói vì công lý.

Cùng đi chung một chuyến tàu với anh Phương, chị Nguyễn Thị Lưu, mẹ bé Nguyễn Thị Hồng Vân (một NNDC ở phường Khuê Trung, Cẩm Lệ) trước khi lên tàu hình dung trong chuyến đi, chị chỉ biết chia sẻ với những anh chị em trong đoàn Việt Nam. Nhưng khi lên tàu, chị nhận ra mẹ con chị và rất nhiều người đồng cảnh ngộ không cô đơn, không có ánh mắt kỳ thị hay tò mò. Chuyến đi đầu tiên và xa nhất của hai mẹ con trên một chuyến tàu sang trọng, tràn ngập tình cảm yêu quý đã giúp chị nhận ra con mình còn may mắn, và tiếng nói đòi công lý của chị sẽ giúp cho bé Vân và hàng ngàn cháu bé tật nguyền khác sẽ có một cuộc sống tốt hơn hiện tại.

- Ngày 17-12-2003, Hội VAVA  được thành lập. Sau đó là hàng loạt những hoạt động của VAVA trên hành trình đi tìm công lý, kiện 37 công ty Mỹ phải bồi thường trách nhiệm gây ra thương tích vì sản xuất các loại chất hóa học này.

- Ngày 15-7-2010, Hạ viện Mỹ tiến hành phiên điều trần thứ 3, nối tiếp với hai phiên điều trần vào tháng 5-2008 và tháng 6-2009. Phiên điều trần thứ 3 có những đột phá mới trong hành trình đi tìm công lý của NNDC  Việt Nam, thu hút sự quan tâm của nhiều hãng thông tấn nước ngoài. Lần đầu tiên phía Mỹ công nhận VAVA đủ tư cách pháp nhân đại diện cho các nạn nhân Việt Nam.

- Trong hai ngày 8 và 9-8-2011, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị quốc tế NNDC lần thứ hai. (Hội nghị lần thứ nhất diễn ra từ ngày 28 đến 29-3-2006 ở Hà Nội).  “Năm 2011, Tòa án tối cao Mỹ không chấp xét xử vụ kiện. VAVA sẽ tìm một bang nào đó ở Hoa Kỳ có hệ thống pháp luật phù hợp và có lợi cho mình để gửi hồ sơ khởi kiện. Hiện tại, mọi việc vẫn đang trong quá trình chuẩn bị. Chúng tôi chưa thể công bố về đối tượng, thời gian, địa điểm, phương thức khởi kiện ở đâu và như thế nào” - Luật sư Lưu Văn Đạt, thành viên VAVA cho biết.

(Theo VAVA Việt Nam)

 

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.