.

Bài học về lý tưởng sống

.
Sau quá trình biên tập, dịch thuật, hiệu đính công phu, “Từ chiến trường Khu V” là kết quả chắt lọc từ 7.000 trang ghi chép của tác giả Phan Tứ trong giai đoạn từ 1961 đến hết 1975 đã chính thức ra mắt bạn đọc tại Đà Nẵng (*). Mỗi người một tâm trạng, một cách bày tỏ nhưng đều có chung niềm khâm phục, sự xúc động về những trang nhật ký của cố nhà văn. ĐNCT xin trích dẫn những cảm nhận của bạn đọc tại buổi ra mắt tập sách.

Mô tả ảnh.
PGS.TS TRẦN VĂN NAM, Giám đốc Đại học Đà Nẵng: Chiến tranh khốc liệt và tình thương yêu của con người.

Tôi thực sự xúc động khi đọc “Từ chiến trường Khu V”, những trang nhật ký được Phan Tứ viết trong hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt. Nhà văn Phan Tứ đã kiên định ghi chép đầy đủ, chân thực, sinh động về cuộc sống chiến đấu, từ diễn biến sự việc, con người, cảnh vật tới cảm xúc, suy nghĩ, hệ thống từng ngày, từng giai đoạn, sự việc xảy ra ở chiến trường.

Một người lính với đôi mắt cận thị nặng, sưng khớp bàn tay và cột sống, thường xuyên bị thiếu đói, di chuyển dưới mưa bom bão đạn, giữa ranh giới của sự sống và cái chết thật mong manh, nhưng không một ngày nào ông không ghi chép. Trong mỗi đoạn ghi chép, đều ẩn chứa tâm tư, tình cảm của ông đối với đồng đội, nhân dân Quảng Nam đang ngày đêm kiên cường chiến đấu. Không đọc những trang viết chân thực ấy, tôi không thể nào hiểu  được chiến tranh lại khốc liệt đến thế.

“Từ chiến trường Khu V” cho chúng ta thấy cuộc chiến tranh tang thương, những sự hủy hoại thời kỳ máu lửa, nhưng vẫn giữ đậm tính nhân văn sâu sắc, về nhân cách của một con người, về tình yêu quê hương đất nước. Người với người sống với nhau đầy tình thương yêu. Tác phẩm đã khắc họa thành công sức chịu đựng gian khổ và tính kiên trì của người dân khu 5, đã bám trụ, bám đất và chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, sẵn sàng hy sinh tất cả để thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc: “Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Đánh xong giặc Mỹ cực chừ sướng sau”.

Nhật ký “Từ chiến trường Khu V” được viết bằng trải nghiệm cả máu và nước mắt của tuổi thanh xuân, là bài học lớn cho thế hệ ngày nay tự nhìn lại mình, đồng thời qua đó thấy được bài học chân thực về lý tưởng sống của cha anh.

Mô tả ảnh.
Nhà văn NGUYỄN BÁ THÂM, nguyên Ủy viên BCH Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng khóa 1 (1978 - 1988): Không làm nguội tư liệu mình vừa có được.

Tôi bắt đầu quen với nhà văn Phan Tứ từ những ngày cùng là học viên khóa 4 Trường Bồi dưỡng Viết văn Hội Nhà văn Việt Nam, khóa đặc biệt phục vụ chiến trường, khi đó nhà văn Phan Tứ đang là cán bộ BGH của trường. Trong những ngày học tập, công tác cùng nhà văn Phan Tứ tôi đã học được nhiều kinh nghiệm sống quý báu bởi Phan Tứ là tấm gương mẫu mực về cách làm việc cẩn thận, chi tiết. Anh là một trong những nhà văn tham gia vào chiến trường sớm nhất.

Ngày 11-8-1961 đồng khởi ở Tứ Mỹ (nay là xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành), đây là vùng đồng bằng đầu tiên của Bắc Trung Trung bộ được giải phóng. Nhà văn Phan Tứ về nằm ổ ở Tam Kỳ, từ đó những tư liệu của Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi, Về làng… bắt đầu được hình thành. Ngoài ra anh còn đi viết tuyên truyền cho địa phương dưới các hình thức thơ, ca, hò vè…

Trong nhật ký của mình anh ghi chép rất chi tiết, cẩn thận, anh luôn dặn chúng tôi rằng “Xuống địa phương phải bám dân thật chặt, lấy tư liệu thật kỹ. Lấy được viết ngay để đài Giải phóng phát, đồng thời cũng không làm nguội tư liệu mình vừa có được.” Anh cũng là người cực kỳ có trách nhiệm với thế hệ cầm bút trẻ, về cách sống. Có lần tôi có việc cá nhân đi về không đúng giờ quy định, anh đã nói “Nếu hành quân vào chiến trường không chấp hành kỷ luật thì cậu sẽ là người mất mạng đầu tiên, phải biết nghiêm khắc với chính bản thân mình”.

Sau này khi về làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng, anh rất cẩn thận trong việc cân nhắc từng câu, từ mỗi khi sử dụng. Anh luôn cho rằng “Nghề viết văn không ai làm thầy ai được”, vì vậy anh luôn tự rèn mình dù ở trong điều kiện nào đi nữa.

Tôi may mắn có được 24 trang trong tổng số nhật ký của anh do chị Đinh Thị Phương Thảo (vợ cố nhà văn) đưa để nhờ viết bài. Từ đây thấy được Từ chiến trường Khu V là tổng hợp nhật ký và ghi chép văn học. Đây là kho tư liệu quý giá về phong trào cách mạng ở Quảng Nam – Đà Nẵng từ 1961 – 1966 được anh ghi chép một cách rất chi tiết, trong đó có cả phía địch và phía ta, đặc biệt là phía ta. Tuy là nhật ký nhưng do nhà văn viết nên rất nhiều đoạn tuy người thật việc thật nhưng được viết rất mềm mại, mang tính chất văn học hấp dẫn. Điều này được thể hiện ngay trong những tác phẩm như Trước giờ nổ súng, Bên kia biên giới, Mẫn và tôi...

Mô tả ảnh.
TS LÊ VIẾT DŨNG, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng: Viết nhật ký bằng nhiều ngôn ngữ là sự chọn lựa có chủ ý.

Là một trong những độc giả đầu tiên của bộ nhật ký Từ chiến trường Khu V của nhà văn Phan Tứ, trong nhiều tháng liền tôi đắm mình trong những trang nhật ký chan chứa tình người được ghi lại một cách chi tiết những tháng ngày nhà văn sống và chiến đấu ở vùng mới giải phóng. Với lối hành văn không cần trau chuốt, không cần dụng công mà đẹp đẽ, trong sáng vô cùng, phải có một ý chí lớn, một nhân cách lớn mới có thể viết bền bỉ, liên tục trong bấy nhiêu năm, trong hoàn cảnh kề cận với kẻ thù và cái chết cùng rất nhiều bệnh tật trong người. Tôi nghĩ rằng việc ghi lại trung thực chuyện sống và chiến đấu, nhà văn chọn viết nhật ký như một cách tự luyện rèn ý chí, một cách nhìn lại mình, tự đắp bồi nhân cách để sống xứng đáng hơn, có ích hơn cho đất nước và nhân dân.

Nhà văn Phan Tứ có nhiều lý do để viết nhật ký bằng nhiều ngôn ngữ. Chắc chắn không phải là muốn khoe vốn ngoại ngữ của mình mà là sự lựa chọn có ý thức. Tôi chỉ xin tự đặt cho mình một câu hỏi: Trong hiện tượng đan xen đa ngôn ngữ này sự chọn lựa các ngôn ngữ khác nhau của nhà văn qua từng trang nhật ký để miêu tả, kể lại hay để bày tỏ cảm nghĩ của mình phải chăng là một sự chọn lựa có chủ ý? Nếu vậy thì đâu là các yếu tố quyết định? Tại sao việc này được nhà văn kể lại bằng tiếng Việt, việc khác lại được kể bằng tiếng Pháp, rồi tiếng Nga, tiếng Lào? Đây sẽ là một đề tài nghiên cứu ngôn ngữ xã hội học rất thú vị giúp chúng ta hiểu thêm tác giả, hiểu thêm về thời cuộc lúc đó, những ràng buộc và những cấm kỵ của cuộc sống trong một vùng quê tiêu biểu thời chiến tranh.

Cũng như các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc nay đã trở nên thân thuộc với tuổi trẻ Việt Nam qua những dòng nhật ký chiến trường được giới thiệu sau khi hy sinh, nhà văn Phan Tứ viết nhật ký cho mình, chỉ cho mình mà không hề nghĩ đến chuyện công bố. Thế nhưng chính những bản nhật ký này đã tạo nên một thể loại văn học, tư liệu mới mẻ đầy sức sống cho nền Văn học Việt Nam, xứng đáng là thể loại văn học xung kích mới mẻ và đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước, đồng thời đây cũng sẽ là nguồn sử liệu giàu chất văn chương cho thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau cùng tìm hiểu, để thêm tự hào về những thế hệ cha anh đã một thời không tiếc máu xương viết nên những trang sử hào hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi dân tộc.

Thu Hà (tổng hợp)

(*) Nhật ký và ghi chép văn học Từ chiến trường Khu 5 được NXB Văn học phối hợp với Đại học Đà Nẵng tổ chức giới thiệu tại Thư viện Trung tâm Thông tin học liệu ĐH Đà Nẵng vào sáng ngày
 20-8-2011.
;
.
.
.
.
.