.
Bút ký

Dharamsala – xứ sở của bình yên

.
Trải dài dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, cao nguyên Dharamsala là một thành phố nhỏ thanh bình, trong xanh ẩn mình dưới những cánh rừng thông cao vút. Người Ấn Độ nơi đây gọi tên loại thông này là: Tuyết tùng hy.

Mô tả ảnh.
Tuyết tùng hy tại thành phố Dharamsala.
 
Thành phố Dharamsala nằm trên độ cao 1.600 mét thuộc bang Himachal Pradesh, là một trong những trung tâm Phật học cổ xưa nhất của thế giới. Dù là cao nguyên ở vùng cực bắc của Ấn Độ và đang thời điểm mùa hè nhưng khí hậu ở nơi đây khá mát mẻ, không oi bức bởi nắng nóng và những cơn gió sa mạc thổi hừng hực ngày đêm như ở New Delhi. Có những đêm lạnh, sa mù giăng kín khắp núi đồi, tôi một mình đi dạo trên những con đường phố nhỏ nhấp nhô đồi dốc, mặc sức cho trí tưởng lang thang trên xứ sở cổ xưa thuộc vào hàng lâu đời nhất của đất nước Ấn Độ.

Người ta chia Dharamsala ra làm ba vùng: Vùng cao nhất có tên gọi là Meleod Ganj, vùng chính giữa là Kotwali Baza và vùng thấp nhất giáp với đồng bằng là Kacheri. Vì những lý do lịch sử nên Chính phủ Ấn Độ từ lâu đã cho phép người Tây Tạng tha phương dưới sự chăn dắt tinh thần của Đức Đạt Lai Lạt Ma được định cư trên cao nguyên này. Hầu hết người Tây Tạng tại đây sinh sống trên vùng núi cao nhất Meleod Ganj, vì thế người ta còn gọi đây là “tiểu Lhasa”, tức là thủ đô nhỏ Lhasa của dân tộc Tây Tạng. Những ngày trên đất nước Ấn Độ, tôi ở trong một khách sạn trên cái vùng núi non chênh vênh – “tiểu Lhasa” ấy. Cũng vì thế, không dưng mà tôi được làm người “láng giềng” đến những hai xứ sở: Ấn Độ và Tây Tạng, nơi mà sự huyền nhiệm của đất đai thổ nhưỡng và con người, tưởng như cứ mãi là niềm bí mật bất tận, luôn kích thích mọi nỗi ham hố của con người từ khắp các châu lục đổ về khám phá.

Mô tả ảnh.
Tác giả và tu sĩ Ấn Độ tại Tu viện Gyuto Tantric Monastic University.
 
Có thể đấy là đoàn người mộ đạo hành hương về đất Phật với phát nguyện được chiêm bái các thắng tích: Bồ Đề Đạo tràng (Bodhgaya), vườn Lộc uyển (Sarnath), rừng Sa La (Kusinara), và kể cả quá cảnh Nepal viếng vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nơi Đức Thích ca chào đời. Có thể đấy là những người muốn được một lần “thánh tẩy” trên sông Hằng, được thỏa mãn cái nhãn quan ngắm nhìn cảnh huyền bí nhất tại Varanasi nằm kề bên bờ sông, nơi các tín đồ Ấn Giáo tập trung hành lễ cầu nguyện và gội rửa hết mọi bụi bặm tội lỗi.
 
Bạn là người say mê những di sản nổi tiếng thế giới hay là nghệ thuật kiến trúc cổ thuộc vào hàng xa xưa nhất? Đất nước Ấn Độ giàu có tất cả những di sản ấy, đến nỗi gọi đấy là những con đường vô tận cũng được, bởi tôi tin rằng, khó có thể cho bất cứ ai khám phá được hết tất cả các chiều kích của cái đẹp trên đất nước này. Từ hang động Ajanta, khu di tích vùng Ellora miền tây Ấn với những kiệt tác mỹ thuật trong các ngôi chùa hang cho đến những đền đài cổ vishvanatha miền trung Ấn ở Khajuraho. Từ những bảo tháp Phật giáo Sanchi đến pháo đài cổ Agra. Và, như Tagore – người con của Ấn Độ, thi sĩ mà cả dân tộc Ấn Độ tụng xưng là bậc Thánh sư, là “Gurudev”, chính cái thị lực siêu việt của Tagore khi đứng trước lăng Taj Mahal đã phải thốt lên “Đây là một bài thơ bằng đá cẩm thạch”.

Dường như bất cứ ai đã từng đến Ấn Độ, từng chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của lăng tẩm Taj Mahal, đều hiểu rằng đấy là biểu tượng về cái đẹp, không chỉ của một dân tộc, mà còn là di sản văn hóa nhân loại, một công trình kiến trúc lịch sử mang tầm vóc thế giới. Còn người dân Ấn thì đầy ắp lãng mạn, họ nói theo tinh thần Tagore, rằng đấy là bài thơ tình yêu vĩnh hằng!

Trên đường tới, cũng như sau khi tạm biệt Dharamsala, tôi chỉ có hơn hai đêm dừng lại tại New Delhi. Ngần ấy thời gian thì thấy được gì, hiểu được gì về thủ đô rộng lớn của một đất nước mênh mông như Ấn Độ. Ngồi trên ô-tô mà quan sát thì quả chỉ là lướt qua như một cơn gió thoảng, nó còn tệ hại hơn cả sự ví von một người “cưỡi ngựa xem hoa”. Những con đường phố rộng thênh thang chạy dài như thẳng tới chân trời, lại tầng trên tầng dưới, và dưới nữa, trong lòng đất là cả mạng lưới metro hiện đại ngang dọc, tất cả tấp nập người và xe lướt qua ô cửa kính. Người tài xế chừng như hiểu được sự khát khao ngắm nhìn xứ lạ của những vị khách trên xe, và cũng có thể như muốn giới thiệu cho những người khách nước ngoài về thủ đô xinh đẹp của mình, anh cho xe chạy lòng vòng qua các công trình kiến trúc đồ sộ như Phủ Tổng thống, tòa nhà Quốc hội, hay cổng Ấn Độ - một công trình cao vút ửng màu đá đỏ dưới nền trời xanh, nơi tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh qua các cuộc chiến tranh. Vâng, quả là một New Delhi tầm vóc vô cùng hiện đại.
 
Nhưng những tòa nhà, cao ốc, biệt thự to lớn lộng lẫy kia, những hệ thống giao thông xa lộ, đường cao tốc tầng tầng lớp lớp kia, tất cả không làm tôi choáng ngợp bằng những thành phố cổ kính lâu đời. Chính từng tác phẩm kiến trúc có tuổi tác trăm năm ngàn năm, từ Delhi cho đến Khajuraho, từ Orchha cho đến Jaipur, hay là Vanares, Calcutta…, những “vị thần” thời gian tuyệt tác ấy minh chứng cho chúng ta về một sức sống vĩnh cửu: “Nghệ thuật thì trường tồn còn thời gian chỉ là thoáng qua”.

Đi giữa một Delhi cổ xưa nằm bên hai bờ dòng Yamuna, đây là thành phố mà người Ấn Độ kiêu hãnh bảo rằng: Xứ sở có cư dân lâu đời nhất của nhân loại. Tôi cũng chẳng rõ thành phố cổ xưa nhất hay là nhì, nhưng có điều này thì dứt khoát tôi tin là nhất, nói đúng hơn là độc nhất vô nhị. Bạn thử tưởng tượng bên cạnh những lâu đài cao ốc nguy nga, đồ sộ là những túp lều vải rách nát tạm bợ, bên những xe hơi bóng loáng vi vút trên đường phố là một đàn bò thủng thỉnh thản nhiên đi giữa đường như nhẩn nha tìm cỏ gặm giữa đồi hoang. Những chiếc xe lôi nặng nề của thời nào xa lắc, người đạp còng lưng kéo theo sau hàng núi đồ cồng kềnh như thi thố ngược chiều với những chiếc mô-tô phân khối lớn.

 Cho dù thời tiết hầm hập nóng, những cô gái Ấn vẫn sari truyền thống mặc choàng kín từ đầu đến chân. Và còn gì nữa, những chiếc xe tuk tuk ba bánh máy nổ chát chúa phì khói trên đường phố, bác thợ cắt tóc dạo hành nghề dưới bóng râm cổ thụ bên đường, mấy kẻ ăn xin nằm ngủ trên vỉa hè… Cái giàu có và cái nghèo đói đến tả tơi cùng phơi bày ra trước nhật nguyệt. Cái cổ xưa và cả cái lạc hậu cùng với sự hiện đại tột cùng ngược chiều nhau, nhưng lại cùng tồn tại trong một không gian. Và đấy cũng là một đặc điểm của Delhi, của nhiều thành phố khác ở Ấn Độ. Bỗng dưng tôi nhớ đến những câu thơ của Tagore: Bạn ơi, đến đây đừng nao lòng. Hãy bước đi trên trái đất cằn khô!

Ở Dharamsala không như bất cứ một thành phố nào trên đất nước Ấn Độ, có vẻ còn mang dáng dấp một thị trấn phố núi, trong xanh, bình yên đến lặng lẽ. Những con đường phố nhỏ hẹp và dốc ngược, hai bên đường kín những hàng quán và ki-ốt nhỏ bày bán hàng hóa lưu niệm cho khách du lịch. Những cái chợ xép nhỏ như không thể còn nhỏ hơn ở đầu phố này, cuối phố kia lô nhô ra cả mặt đường. Tất cả chuyện buôn bán hầu như đàn ông lo toan từ vặt vãnh đến buôn bán lớn, từ mớ rau xanh, thúng củ quả đến nhà hàng ăn uống khách sạn… tất tật đàn ông con trai lo liệu, ít thấy bóng dáng của người phụ nữ Ấn trong các công việc đó.
 
Nhưng tất cả mọi sinh hoạt thường nhật đó không phải là gương mặt sức sống của Dharamsala, mà chính là những tu viện lớn đầy nghiêm mật ẩn mình dưới bóng núi xanh biếc tuyết tùng hy. Hóa ra sức sống tâm linh không hề có sức vang dội mà sự chuyển hóa đến vô bờ. Những ngày ở Dharamsala tôi có dịp vào viếng các tu viện: Namgyal, Monatery, Gyuto Tantric Monastic University. Mà nào phải riêng tôi, hàng ngàn hàng vạn người đủ các màu da, đủ các sắc tộc châu Âu, châu Phi… hành hương lũ lượt kéo về, đường phố đan kín người và người. Họ đến cho kịp một ngày pháp hội, hay họ đến cũng như tôi, giũ bỏ bụi bặm đường xa, thân tâm nhẹ tênh đi giữa đất trời, lắng nghe sự huyền nhiệm của Dharamsala, tưởng như vô vàn tiếng gió ngàn nơi đây cũng thành lời diệu pháp!
                                                                            
Đà Nẵng, thu 2011

Nguyễn Nhã Tiên
;
.
.
.
.
.