Cậu Đường mười tám tuổi đầu
* Tôi từ lâu nghĩ rằng hai câu “Cậu Đường mười tám tuổi đầu/ Dẫn dân công ích xin xâu dưới Tòa” là thơ ca dân gian. Nhưng gần đây một ông bạn bảo đó là hai câu trích từ bài thơ của một tác giả ở tổng An Phước xưa. Xin ĐNCT nói rõ về điều này. (Trần Hùng Anh, Hòa Vang, Đà Nẵng).
- Tại trang 56 tập kỷ yếu 100 năm Tiểu học An Phước (1908 – 2008) do Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Nghĩa thục An Phước, thành phố Đà Nẵng, biên soạn, có chép bài thơ Viếng cậu Đường của tác giả Ông Nghè Lâm với chú thích là “dạy cho học trò Trường Cẩm Toại năm 1908” như sau:
Cậu Đường mười tám tuổi đầu/ Dẫn dân công ích xin xâu dưới Tòa/ Không may gặp nạn ác ma/ Hùm thiêng sa lưới phải ra hành hình/ Hương hồn tử sĩ anh linh/ “Còn Mía, còn Đường” tính khí hiên ngang/ Tuổi trẻ vì nước thác oan/ Lòng son muôn thuở vinh quang ngàn đời.
Theo chú thích của nhóm biên soạn thì “Còn Mía, còn Đường” lấy ý từ câu mắng của Cậu Đường (Ông Ích Đường) trước khi bị xử chém: “Chúng mày cứ giết tau đi. Chết Đường này còn trăm ngàn Đường khác. Bao giờ hết mía mới hết đường”. Câu cuối cùng lấy ý từ câu đối Phan Châu Trinh viếng Ông Ích Đường: “Thầy chết thật vinh quang, đất trắng một lần vùi khí cốt/ Thầy sống đầy uất hận, trời xanh muôn thuở rọi lòng son”.
Có lẽ sự kiện “Cậu Đường mười tám tuổi đầu/ Dẫn dân công ích xin xâu dưới Tòa” đã làm rúng động người Pháp và Nam triều, gây nên tiếng vang lớn trong các tầng lớp người dân thời đó nên hai câu thơ của cụ Nghè Lâm đã đi vào đời sống xã hội như một câu ca dân gian.
Nói thêm, trường Cẩm Toại là tiền thân của Trường tiểu học An Phước, do cụ Tú Lâm Hữu Mẫn thành lập, dạy chữ Nho, ở làng Cẩm Toại, tổng An Phước, nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Đầu năm 1906, cụ Tú giao lại cho con trai là cụ Nghè Lâm Quang Tự điều hành và chuyển sang dạy Quốc ngữ. Theo tác giả Châu Yến Loan trong bài Trường Cẩm Toại – một mô hình giáo dục mới của Phong trào Duy Tân đăng trong sách đã dẫn, học sinh trường Cẩm Toại lúc đó, ngoài học chữ, còn được học võ với võ sư Huỳnh Thường Tu – người sau này phụ tá cho anh hùng trẻ tuổi Ông Ích Đường lãnh đạo dân phu đấu tranh trong phong trào xin xâu kháng thuế năm 1908.
Cồn cát - vẻ đẹp đặc trưng của Mũi Né. (Ảnh: Internet) |
Nguồn gốc tên gọi Mũi Né
* Địa danh Mũi Né ở Phan Thiết có nguồn gốc như thế nào? (Hoàng Thành, Hội An, Quảng Nam).
- Nhiều người cho rằng tên gọi Mũi Né xuất phát từ nghĩa của địa danh này: Mũi là cái mũi đất đưa ra biển; Né nghĩa là né tránh. Mũi Né là nơi ngư dân mỗi khi đi gặp bão biển thường đến nương náu.
Tuy nhiên, theo www.binhthuan.gov.vn, thì địa danh này có nguồn gốc từ một câu chuyện Chăm.
Ngày trước, khi vua Chăm cai quản vùng đất này thì còn um tùm lau sậy. Vua có người con gái út tên là công chúa Né. Lên 16 tuổi, công chúa mắc bệnh nan y, về sau nàng xin vua cha cho dựng tại Hòn Rơm một ngôi miếu, gọi là miếu Am để ẩn tu. Từ đó, công chúa lấy biệt danh là bà Nà Né - lâu dần người dân đọc trại thành Mũi Né.
Ngày nay, Mũi Né đã trở thành một thương hiệu du lịch, nhưng ít ai biết rằng địa danh này xuất phát từ tên gọi của công chúa Chăm nói trên.
ĐNCT