Bà Lê Thị Kinh (Phan Thị Minh), chị ruột nhà văn Lê Khâm (Phan Tứ) cho rằng việc giới thiệu “Từ chiến trường Khu 5” đến bạn đọc không đơn thuần là công việc của những người biên soạn và in ấn nữa, mà đó là sự “giải mã” những bí ẩn đằng sau các trang viết bằng tiếng Pháp và nhiều ngôn ngữ khác của nhà văn.
Những trang dịch từ tiếng Lào, tiếng Pháp của tập bản thảo “Từ chiến trường Khu 5” vẫn được bà Lê Thị Kinh trân trọng gìn giữ. |
Năm 2002, Nhà xuất bản (NXB) Văn học đã in “Phan Tứ toàn tập” ngót 3.000 trang. Năm 2007, NXB Quân đội nhân dân đã in tập truyện và ký “Thức tỉnh” dày khoảng 400 trang. Bạn đọc những tưởng, đó là toàn bộ những tác phẩm và di cảo của nhà văn được công bố. Nhưng năm 2002, bà Đinh Thị Phương Thảo, người vợ thủy chung son sắt của nhà văn, lần đầu tiên - sau ngày ông mất năm 1995 - đã mở những cuốn sổ chép tay trong thời gian ông ở chiến trường sau 2 lần đi B và một khoảng thời gian ông trở ra Hà Nội. Sau 7 năm nén lòng, bà mới biết đằng sau những câu chữ kia là những phút giây ông đã trải qua trong gian khổ, những nhìn nhận về con người, về quê hương, về cuộc chiến mà trong hơn trăm bức thư ông gửi cho bà từ chiến trường chưa nói hết.
Năm 2005, bà Lê Thị Kinh, bà Phương Thảo và gia đình quyết định “giải mã” những trang viết. Bà Phương Thảo bắt tay vào photo, phóng to những trang viết ra gần 7.000 trang giấy A4 từ 51 cuốn sổ tay.
Bà Kinh cho biết khi bắt tay vào làm thì việc xử lý thật không dễ. Trước hết, phải tìm được người giỏi tiếng Pháp, Nga và tiếng Lào. Thứ hai là người có vốn sống ở chiến trường để có thể hiệu đính những từ viết tắt, những thuật ngữ chiến tranh. Thứ ba quan trọng hơn là cần có giới chuyên môn thẩm định xem nên công bố trước những phần nào và những tư liệu nào là chưa nên, bởi “Nhật ký chiến trường của Phan Tứ thể hiện trung thực và cận cảnh rất nhiều vấn đề. Có thể nói tất cả sự tàn khốc ác liệt của cuộc chiến, của con người đều nằm trong ống kính của nhà văn”.
Và phần tiếng Lào là khó nhất, khi nhà văn viết tên người và địa danh bằng ngôn ngữ này. Nếu không dịch được tiếng Lào thì không thể đọc và hiểu được những trang viết nói gì. Bà Kinh nhờ một người dịch thử nhưng không được và bà đã may mắn khi được bạn bè giới thiệu ông Trần Phác, người đã có 25 năm sống trên đất Lào. Lúc đó ông Trần Phác đã ngoài 70 tuổi nhưng lòng nhiệt thành thì có thừa. Ông dịch thẳng luôn trên bản photo, dịch xong 1 cuốn thì nhận cuốn mới. Ở những trang ông dịch thiếu, bà Kinh yêu cầu dịch thêm, ông vui vẻ nhận lời, không một lời phàn nàn, cũng chẳng được mấy đồng bồi dưỡng từ những người bạn già như mình. Chỉ tiếc rằng ông đã bước vào cõi thiên thu, không được nhìn thấy những đóng góp của mình cho cuốn sách. Phần tiếng Nga chủ yếu ghi ngày tháng, anh Nguyễn Thành, con trai bà Kinh nhận phần dịch sang tiếng Việt.
Ở những mặt giấy trắng của bản photo, bà Lê Thị Kinh dịch trực tiếp phần tiếng Pháp lên đó. Vốn tiếng Pháp bà học được hồi nhỏ cùng những năm tháng làm ngoại giao, làm đại sứ Việt Nam tại Ý giúp bà… không phải tra từ điển. Bà ngạc nhiên bởi em trai mình có thể viết rất hay bằng tiếng Pháp và những trang viết thấm đẫm tình cảm của em từ chiến trường giúp bà có nghị lực để vượt qua những khó khăn, tiếp tục công việc khi tuổi đã ngoài 80. Trong 5 năm dịch và biên soạn cuốn sách, bà Kinh bị ngã hai lần, một lần gãy chân, một lần đau cột sống. Bà buông màn ngồi trên giường làm việc. Những lúc không ngồi được thì nằm. Bà bảo không thể ngừng làm việc, bởi dừng lại một vài ngày thì trí óc sẽ kém phần sáng suốt, việc dịch thuật sẽ khó khăn hơn, những trang viết, những câu văn của em cũng khó được chuyển tải liền mạch. Có lẽ hiếm có một tấm lòng người chị nào trân trọng những trang đời của em như thế!
Bà Phương Thảo xem lại những di bút của người bạn đời- nhà văn Phan Tứ. |
Trong gia đình 6 chị em, bà Kinh và nhà văn Phan Tứ thân nhau hơn cả, bởi ngoài tình máu mủ, “tôi và cậu ấy còn là tình đồng chí”, bà bộc bạch. Trước khi bắt tay vào biên dịch “Từ chiến trường Khu 5”, năm 2005, bà Kinh vừa hoàn thành bộ sách “Phan Châu Trinh-Những tư liệu mới”, định “thở một cái”, nhưng rồi “biết mình sẽ không dừng lại được bởi tính quan trọng của bộ nhật ký, bởi những ghi chép đầy đủ, hệ thống từng ngày, từng giai đoạn, sự việc xảy ra ở chiến trường của cậu ấy. Đọc những ghi chép ấy, tôi mới hiểu cậu em mình không hề sính ngoại ngữ mà phải cần dùng đến 4 thứ tiếng, mà bởi nếu những ghi chép ấy có lọt vào tay địch chúng cũng khó hiểu được và những trang viết nhận xét về từng con người nữa, ở trong giai đoạn ấy nó xảy ra như thế nên không thể viết khác hơn”.
Từ 51 cuốn sổ ghi chép, chữ nhỏ li ti, bà Kinh chỉ “lọc” lấy phần ghi chép ở chiến trường Khu 5 gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi và một phần Kon Tum, lọc đi lọc lại 3 lần được 4.000 trang. Bà muốn gút lại một lần nữa còn khoảng 1.500 trang, nhưng “tôi không thể cắt bỏ những đoạn tâm huyết của em mình, đó là những trang đời rất thật”, nên bà cậy nhờ đến nhà thơ Thanh Quế, người có nhiều năm sống và chiến đấu ở Khu 5.
Ông Thanh Quế đã tiến hành cắt gọt những đoạn ghi chép về các cuộc họp, những phần phát biểu ý kiến, những đoạn nhận xét về các bạn chiến đấu (còn sống) thì viết lại cho gọn, nhưng cuốn sách vẫn dài 2.651 trang. Nhưng ông đặc biệt giữ lại những đoạn tả cảnh, như cảnh mùa mưa xảy ra trận lụt năm Nhâm Thìn 1964 (sau này nhà văn đưa vào tác phẩm Mẫn và tôi-PV), những gương chiến đấu có thể viết thành truyện dài, những đoạn tả trên đường đi ra và trong quá trình biên tập, ông trân trọng những đoạn nói về tình yêu của nhà văn và bà Phương Thảo, những đoạn nói về mẹ và em gái vô thăm ông ở chiến trường.
Không thể kể hết được những đóng góp to lớn của người thân, bạn bè nhà văn Phan Tứ, kể cả những người chỉ biết và chưa một lần được làm quen với ông để cuốn nhật ký và ghi chép văn học “Từ chiến trường Khu 5” ra đời. Vẫn còn hàng nghìn trang bản thảo chứa đựng những tư liệu quý, hiếm, qua suy nghĩ và con mắt “rất tỉnh” mà nhà văn ghi chép được chưa có dịp ra mắt bạn đọc trọn vẹn.
Bà Lê Thị Kinh năm nay đã qua tuổi 86, mắt vẫn sáng, tâm vẫn trong, tay vẫn cứng cỏi để có thể tiếp tục biên soạn cuốn sách. Và bên cạnh bà, người em dâu Phương Thảo mà giờ bà xem như em gái, luôn nỗ lực giúp bà công bố những di cảo của người bạn đời yêu thương.
Hoàng Nhung