.
Hồ sơ tên đường: Đường mang tên nhà sử học đầu tiên Việt Nam: Lê Văn Hưu (Phần cuối)

Còn mãi với lịch sử dân tộc

.
Lê Văn Hưu mất năm Nhâm Tuất (1322), thọ 92 tuổi, được an táng tại quê nhà - xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Mộ ông vẫn còn tấm bia dựng năm Tự Đức thứ hai mươi (1867) ghi tiểu sử và một bài minh văn ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông.

Mô tả ảnh.
 
Trong phần lời tựa của Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên chép: “Nước Đại Việt ta ở về phía Nam núi Ngũ Lãnh, thế là trời đã chia ra Nam Bắc. Thủy tổ ta là con cháu vua Thần Nông thế là trời đã sinh ra vị chân chúa. Vì thế cho nên mới cùng với Bắc triều đều làm chúa tể một phương. Nhưng vì nước ta còn thiếu sử sách biên chép, các sự thật đều do ở truyền văn; lời ghi lại có phần quái gở, các sự việc cũng có quên sót; cho đến cả chữ viết không đúng, biên chép phức tạp, chỉ làm loạn mắt, còn dùng làm gương sao được? Đến Trần Thái Tông mới sai học sĩ là Lê Văn Hưu sửa lại, bắt đầu từ Triệu Vũ đế trở xuống đến năm đầu Lý Chiêu Hoàng. Vua Nhân Tông triều ta (Lê) lại sai làm sử, Phan Phu Tiên biên nối từ Trần Thái Tông trở xuống, đến khi người Minh trở về nước, đều đặt tên là Đại Việt sử ký...”.

Qua đoạn trích này, có thể thấy Lê Văn Hưu, trong cái nhìn của sử gia Ngô Sĩ Liên, là người đầu tiên đặt nền móng cho các công trình sử ký của Đại Việt. Những gì mà Lê Văn Hưu để lại đã trở thành chuẩn mực để những người chép sử sau ông nối bút.

Qua những đoạn được Ngô Sĩ Liên trích lại trong Đại Việt sử ký toàn thư với ghi chú là do “Lê Văn Hưu viết”, có thể thấy được phần nào khuynh hướng cũng như thần thái bút pháp của người chép sử đầu tiên Việt Nam. Dưới ngòi bút của ông, Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng hiện lên rất đỗi hào hùng với khí phách khách quần thoa: “Trưng Trắc Trưng Nhị... hô một tiếng mà các quận Cửu Châu, Nhật Nam, Hợp Phố cùng sáu mươi nhăm thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay...”. Ca ngợi khí phách lẫm liệt của Hai Bà, đồng thời ông cũng để lại lời bình đau xót: “Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao?”.

Ngô Quyền, người từng làm chấn động phương Bắc với trận Bạch Đằng giang lịch sử, cũng đã được ông ngợi ca bằng ngọn bút thấm đẫm lòng tự hào dân tộc: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy...”.

Trong bài tựa Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư, sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi”.

“Người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa”, bởi những chiến công oanh liệt, những nhân vật anh hùng... sẽ còn mãi với lịch sử dân tộc qua ngọn bút tinh túy, tài hoa của người chép sử đầu tiên Lê Văn Hưu. Tưởng nhớ công đức của ông, người dân xã Thiệu Trung lập Nhà thờ Lê Văn Hưu. Ngày nay, Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã lập Học bổng Lê Văn Hưu - học bổng cao quý của Khoa Lịch sử dành cho sinh viên có kết quả học tập xuất sắc.

Ở Đà Nẵng, tên ông đã được đặt cho con đường nối từ đường Ngũ Hành Sơn đến đường Chương Dương (ảnh) trên địa bàn phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, theo Nghị quyết số 71/2008/NQ/HĐND ngày 4-12-2008 của HĐND thành phố Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC
;
.
.
.
.
.