Đã bước vào tuổi 92, thầy Hồ An vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi giới thiệu với tôi quyển sách An approach to A Native-Like command of English(*). Như thể, đây là cuốn sách cuối cùng của cuộc đời. Tôi ngồi nghe thầy kể chuyện đời-một cuộc đời trăm năm xuyên hai thế kỷ, lên thác xuống ghềnh…
Thầy Hồ An ở tuổi 90 (người đứng, tay cầm mũ) tại cuộc gặp kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Phan Thanh Giản. |
“Thưa thầy. Cảm ơn thầy đã dẫn dắt con đến trường, mở mang trí não, truyền vào tâm khảm chúng con những gì không thể quên trên đường đời muôn dặm”. Đó chỉ là một trong những lời tri ân của học trò gửi tới thầy.
Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, Hồ An đang là sinh viên, về nghỉ hè, tham gia phong trào Việt Minh ở Phú Yên thì gặp Trương Chí Cương (Tư Thuận) đang làm Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ nhiệm Việt Minh Phú Yên. Từ đó hai người đồng hương biết và hiểu nhau. Tư Cương giao cho Hồ An làm Trưởng ban Tuyên truyền xung phong. Sau một thời gian ngắn thì Hồ An được giao nhiệm vụ Phó ty rồi Trưởng ty Tuyên truyền. Chuẩn bị kết nạp Đảng thì bị bệnh, Hồ An phải ra Huế chữa trị. Từ đó, Hồ An xa Tư Thuận…
Sau năm 1954, Hồ An về Đà Nẵng dạy học kiếm sống, là một thành viên trong tổ chức giáo chức cách mạng của Đà Nẵng những năm 1960-1965.
Sau những ngày đấu tranh sôi sục trong tháng 9-1964, khi nhân dân Đà Nẵng vùng lên đòi quyền tự do, dân chủ, tạo nên sự kiện “9 ngày làm chủ”, thì được lệnh trên, tức là có ý kiến của Tư Thuận, Phó Bí thư Khu ủy V, và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà, Hồ Nghinh viết thư mời thầy Hồ An lên chiến khu. Nhà giáo Hồ Huyển, Trưởng ban Giáo chức Cách mạng Đà Nẵng, có nhiệm vụ tổ chức đưa nhà giáo Hồ An lên chiến khu.
Vào những ngày đầu mùa Xuân 1965, sắp xếp tạm ổn việc nhà, chuẩn bị đi, thầy Hồ An dặn vợ: Vài hôm, thấy yên, tức là đi trót lọt, thì lên báo cáo với thầy Thích Minh Tuấn, Hiệu trưởng trường Bồ Đề rằng, chồng mất tích, để thầy Hiệu trưởng báo cảnh sát.
Trước khi lên đường vào buổi quá trưa, buổi dạy cuối cùng, lớp đệ tam trường Phan Thanh Giản, sáng hôm đó thầy tập cho học sinh hát bài hát Tạm biệt. Bài hát của Tô Cách Lan nhan đề Auld lang syne, tiếng Anh là Old long since, có nghĩa, lâu quá, gặp lại nhau. Người Anh thường hát trong ngày tết, ngày lễ, ngày gặp lại nhau. Sau này người ta xem như là bài Tạm biệt. Thầy muốn cho học sinh hiểu là thầy tạm biệt các em đi xa, còn đi đâu thì sau sẽ dần hiểu ra.
Hết giờ, để chiếc xe Suzuki lại trường, thầy đi bộ ra sông Hàn. Đến bến Mía, theo hẹn, thầy nhận ra người đàn bà xách một cái giỏ có bó hương, thầy đi theo xuống đò qua bến đò Toản…
Nhà giáo Hồ An lên đến chiến khu thì được gặp lại cố nhân. Tư Thuận cơ cấu nhà giáo Hồ An tham gia làm Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Trung Trung Bộ. Nhà giáo Hồ An với tên được giới thiệu công khai là giáo sư Hồ Hiếu Dân, lúc đầu được giới thiệu là Phó Chủ tịch và sau thì cử làm Ủy viên Thường trực.
Trương Công Thuận-Tư Thuận, Phó Bí thư Khu ủy V, đại biểu của Đảng làm Phó Chủ tịch Mặt trận.
Hồ An, và sách, và học trò. |
Một tuần sau ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Trung Trung Bộ, Tư Thuận mời nhà giáo Hồ An lên gặp, bày tỏ niềm tin tưởng một nhân sĩ trí thức, một nhà giáo tâm huyết và giao cho nhà giáo Hồ An làm Thư ký Tòa soạn Báo Cờ Giải phóng miền Trung Trung Bộ, trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy V. Nhà báo Hồ An vừa quản lý một tờ báo vừa viết nhiều bài, nhiều thể loại với các bút danh: Duy Lộc, Hồ An, Hồ Hiếu Dân, Ra Đa,…
Sau đó, theo yêu cầu công việc, nhà giáo Hồ An về công tác ở Ban Dân vận Khu V.
Nghe xuất hiện tên gọi giáo sư Hồ Hiếu Dân, đại diện trí thức Đà Nẵng tham gia Mặt trận chống Mỹ, nhiều thầy giáo, học sinh ở Đà Nẵng rất vui, hiểu ngay đó chính là thầy Hồ An. Nhất là học sinh lớp đệ tam trường Phan Thanh Giản, với bài Tạm biệt hôm nào.
…Chánh Văn phòng Trường Phan Thanh Giản là Võ Đình Trị, tối hôm đưa chiếc Suzuki đến nhà cho cô Lộc thì biết Hồ An “mất tích’’. Khi cô Lộc đến báo cáo, thầy Hiệu trưởng Thích Minh Tuấn nghiệm ra sự “mất tích’’ của thầy giáo Hồ An nên thầy vẫn để cô Lộc tiếp tục nhận lương dạy giờ ở trường Bồ Đề thêm một thời gian.
Ngày 8-3-1965, giặc Mỹ ồ ạt đổ quân lên Đà Nẵng, chúng thay tên gọi cuộc “Chiến tranh đặc biệt’’ - Mỹ làm cố vấn cho quân ngụy, thành “Chiến tranh cục bộ’’, tức quân Mỹ là chính đối đầu với quân giải phóng.
Để có điều kiện tiếp xúc giáp mặt đấu tranh với lính Mỹ, đầu năm 1966, Thường vụ Khu ủy V chủ trương mở lớp học tiếng Anh, học viên là những người có trình độ tú tài toàn phần, đã có học tiếng Anh, phần lớn là cơ sở từ thành phố thoát ly. Lớp học kéo dài 2 tháng, do thầy giáo Hồ An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Trung Trung Bộ trực tiếp đứng lớp.
Sau khóa học, các học viên tỏa về địa phương, hầu hết tham gia công tác binh địch vận, mở các lớp học đàm thoại tiếng Anh tại chỗ cho cả các mẹ, các chị, các em thiếu niên. Các lớp học tiếng Anh đầu tiên ở Quảng Đà được mở ở Xuyên Hòa và Xuyên Khương (nay là Duy Hòa, Duy Xuyên). Ở Quảng Nam, lớp tiếng Anh đầu tiên do nhà văn Phan Tứ mở ở xã Kỳ Sanh, nay là Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.
…
Sau ngày giải phóng năm 1975, về lại Đà Nẵng, thầy lại tiếp tục dạy tiếng Anh. Những học trò học lớp tiếng Anh ở căn cứ Khu V ngày ấy vẫn thường tìm đến thăm thầy. Không ít người trong số họ đã gieo vào cuộc đời làm nghề giáo của thầy những xúc cảm không thể nào quên được.
Một hôm, thầy nghe điện thoại đường dài:
- Thưa thầy, chắc thầy không nhớ con. Con là Quỳ đây, Vũ Thị Kim Quỳ, học sinh đệ lục trường Nguyễn Công Trứ, chỉ học một năm thì xa thầy, không biết thầy đi đâu?
Cú điện thoại từ Mỹ cho thầy biết sẽ có món quà nhỏ nhân dịp xuân mới và cũng là mùa xuân lần thứ 80 của thầy. Mấy ngày sau, nhận quà, có một lá thư kèm theo nói lý do vì sao em học trò chỉ học có một năm đệ lục rồi không gặp thầy nữa mà vẫn nhớ công ơn của thầy, dù thầy không nhớ gì về em.
Thầy Hồ An dạy Trường Phan Thanh Giản, Trường Tây Hồ, Trường Nguyễn Công Trứ, Trường Bán công, Trường Bồ Đề, qua nhiều năm, với cả ngàn học sinh trung học, làm sao thầy nhớ hết, một học sinh, gần nửa thế kỷ mới liên lạc được với thầy!
- Chỉ học một năm sao con nhớ thầy?
- Hồi đó, con giỏi toán. Một hôm, thầy giở sổ ra, thấy tên con toàn điểm 20 (bấy giờ cho điểm 20/20), thầy nói: “Ủa, răng toán con toàn điểm 20, còn tiếng Anh thì con dốt ri?”. Thầy bảo con đến nhà dự lớp học kèm, thầy dạy miễn phí. Từ đó, con giỏi tiếng Anh.
Sau ngày giải phóng, một thời gian, bỗng có một người đến nhà, đưa thầy gói quà nhỏ nói, có một người bà con nhờ chuyển tận tay thầy. Mong thầy nhận cho món quà nhỏ này để người gửi tỏ lòng biết ơn thầy mà không có cơ hội đền đáp.
Mở thư, có hai chỉ vàng và những dòng chữ. Thấy cái tên Lê Thanh Sơn, thầy vẫn không tài nào nhớ người học trò đó.
Đến lúc em nhắc chuyện thầy đưa em vào nhà thương Phao Lồ... thì thầy mới nhớ lại cậu học trò quê Gò Nổi, Điện Bàn, rất nghèo ấy. Lê Thanh Sơn học Trường Tây Hồ, biết em từ quê ra Đà Nẵng rất khó khăn cả tiền học phí, cả chỗ ở, thầy giới thiệu em kèm cho con của một người bạn để có cơm, có chỗ ở và cũng có ít tiền đi học. Đang dạy kèm cho con người ta, thì em bị đau thương hàn nặng. Thầy quen một bác sĩ rất giỏi làm ở Quân y viện Duy Tân (nay là Bệnh viện C17), kiêm phụ trách nhà thương Phao Lồ, sau là bác sĩ gia đình của thầy, thầy đưa em vào nhà thương Phao Lồ điều trị, mọi thuốc men, viện phí thầy lo…
…Vào nhà thầy, đập vào mắt tôi là tấm ảnh Bác Hồ lấy từ bìa của tờ Newsweek, và một cái kệ sách với những tặng phẩm của các thế hệ học trò, nhân ngày mừng thọ, nhân xuân mới, nhân Ngày Nhà giáo… Một hình ảnh làm tôi chú ý là dòng chữ bằng đồng trên khung gỗ, bên cành hoa hồng được bố trí như một bức tranh:
Teacher
eacher Takes a Hand,
Opens a Mind
And Touches A Heart
Thưa thầy. Cảm ơn thầy đã dẫn dắt con đến trường, mở mang trí não, truyền vào tâm khảm chúng con những gì không thể quên trên đường đời muôn dặm.
Đấy là quà tặng của một người học trò, có lẽ đã thành đạt, nhân mùa Xuân thứ 90 của thầy. Năm nay, thầy ở vào tuổi 92. Tôi đến nhà thăm, chúc sức khỏe thầy. Lại ngồi nghe thầy ngẫm cuộc đời lên thác xuống ghềnh - một cuộc đời trăm năm xuyên hai thế kỷ. Thầy lại nghĩ đến cái bút danh đầu tiên Duy Lộc- một tên gọi của làng Phú Mỹ (trước thuộc Duy Xuyên) và là tên người vợ duy nhất của mình….
Hồ Duy Lệ
(*) Phương pháp Nói và Viết tiếng Anh như người bản xứ.